Sống ở Mexico, tôi cảm thấy vô cùng “sung sướng” vì không ai thích góp ý hay “nuôi con” hộ tôi.
Tôi và chồng đã chuyển đến Mexico, quê hương anh đã được 5 năm nay. Nhớ lại ngày đầu tiên khi chồng thông báo rằng anh cần phải quay lại Mexico và chúng tôi sẽ chuyển nhà, tôi đã vô cùng buồn bã. Tôi quả thật không muốn xa quê hương, không muốn đưa đứa con mới vài tháng tuổi của mình đến một đất nước xa lạ. Tuy nhiên, sau 5 năm sống tại thành phố Mexico City, tôi đã bắt đầu “phải lòng” nơi này. Thực tế là, chính con người Mexico trong cách nuôi dạy con cái đã níu chân tôi lại đây.
Các bà mẹ Mexico rất thân thiện, hòa đồng và luôn cởi mở với nhau. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi gặp một cặp vợ chồng là bố mẹ của bạn con trai tôi ở buổi họp phụ huynh, tôi vui vẻ mời họ “hôm nào” qua nhà tôi ăn tối. Kết quả là, họ qua thật. Điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi chưa từng bắt gặp một trường hợp tương tự khi ở Việt Nam. Thường, bạn phải cực thân thiết với một gia đình nào đó trước khi qua nhà nhau ăn tối. Vậy nhưng ở Mexico, việc tụ tập, ăn uống giữa các bà mẹ trẻ có vẻ vô cùng dễ dàng.
Cởi mở là vậy, tuy nhiên mẹ Mexico lại không bao giờ can thiệp quá sâu vào việc nuôi dạy con của người khác như mẹ Việt. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đưa con trai ra ngoài đi dạo ở công viên, đó là một ngày chủ nhật tháng 1, nhiệt độ bên ngoài cũng khoảng 13 độ C. Lúc đó, ngay lập tức có một bà mẹ Mexico chạy đến và hỏi tôi liệu có nên đắp thêm cho Josu – con trai tôi một cái chăn ấm. Ngay cả vào những ngày ấm trời hơn, ở bên ngoài vẫn có rất nhiều những bà mẹ Mexico và thậm chí cả những cô lao công đang quét lá ở công viên quan tâm đến việc tôi cần phải đi thêm cho Josu một cái tất.
Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mẹ Mexico quan tâm. Ngoài ra, không một câu hỏi hay lời khuyên nào được đặt ra tiếp. Không ai hỏi tôi “Có cho con ti mẹ hay không?”, cũng không ai thắc mắc tôi “dùng xe đẩy cho con của hãng nào?” hay “nó đã biết lẫy chưa?”, “bao nhiêu cân rồi?”. Thật may mắn thay, không ai muốn đánh giá việc tôi cho con bú mẹ hay uống sữa công thức, tôi mua cho con có toàn hàng hiệu không, con tôi có nặng, có cứng cáp không….Mà thường những điều này, tôi luôn phải trả lời “mệt nghỉ” mỗi khi ở Việt Nam.
Thực tế, Josu biết đi khá muộn và thậm chí đến 21 tháng mới biết nói. Vậy nhưng ở Mexico không ai hỏi han chất vấn tôi. Cũng không ai khuyên tôi phải đưa con đi khám bác sĩ vì nó “bất thường” và không bằng con họ. Mẹ Mexico rất cởi mở và thân thiện, đúng! Tuy nhiên, họ không bao giờ đánh giá việc nuôi con của người khác là đúng hay sai, tốt hay xấu, nên làm thế này chứ đừng làm thế kia. Tôi có quen với một chị người Việt trong cộng đồng Việt tại Mexico. Chị đã nói với tôi rằng: Ở Mexico, chị luôn được nuôi dạy con theo bản năng của chính mình và không bao giờ phải mệt mỏi vì những ý kiến đòi “nuôi hộ” con thay chị.
Tôi nhớ đến những cuộc chiến liên tục xảy ra giữa các bà mẹ trên những hội nhóm, forum nuôi dạy con cái ở Việt Nam. Chỉ một lời chê trách nhỏ của một bà mẹ cũng có thể khơi mào cho cả một “cuộc chiến” rằng ai đúng ai sai. Các bà mẹ Việt đôi khi đoàn kết, nhưng ngay sau đó có thể “xù lông nhím” nếu ai lỡ chê cách nuôi dạy con của họ là sai.
Trên mạng đã vậy, ngoài đời còn mệt mỏi hơn. Khi ở Việt Nam, tôi thường xuyên phải nghe những lời “Không được thay tã cho nó như thế, phải thế này này..”, “Sao lại không cho con bú? Có sữa thì phải cho nó bú mẹ chứ” hay “Bây giờ ngày con đã ăn mấy bữa rồi? Sao cho con ăn thô sớm thế?”….Rất nhiều những ý kiến đòi “lái” người mẹ phải nuôi con theo ý kiến của họ. Và đương nhiên, họ sẽ dựa vào cách tôi chăm con, cách tôi cho con ăn, nuôi dạy con để đánh giá khả năng làm mẹ của tôi.
Có thể khi tôi viết những dòng này, nhiều mẹ Việt sẽ phản bác rằng họ hỏi han hay khuyên người khác cách nuôi con cũng chỉ vì muốn tốt cho người ta. Theo tôi, mẹ Việt đang nhầm lẫn giữa sự quan tâm đến từ tấm lòng và sự quan tâm đến từ sự so đo, thích đánh giá người khác. Hãy bớt cho rằng phương pháp nuôi con của mình mới là “chuẩn”, của người khác thì cần phải “chỉnh”. Học tập người Mexico, mẹ Việt sẽ thấy thoải mái hơn nhiều.