Trong khi nhiều cha mẹ loạn lên vì các phương pháp nuôi con kiểu Tây, kiểu Nhật, kiểu Mỹ, một mẹ Việt ở Pháp thú nhận rằng chị chẳng áp dụng cách nào cả, một ngày bỗng thấy con mình tự ăn, tự ngủ, đi tất mang giày…
Bà mẹ như tôi có tư cách gì để mở fanpage Chăm con?
Trước đây tôi có tạo một fanpage tên là Chăm con, nhưng vừa rồi tôi đã âm thầm lặng lẽ xóa nó đi trong thời điểm lượt like đang tăng dần đều, sau một loạt sự kiện gần đây con gái tôi biết tự xúc ăn, tự đi ngủ một mình, tự mang tất, mang giày… mà không hề có bất kỳ sự chỉ bảo nào từ mẹ. Kiểm điểm lại quá trình nuôi con, tôi cảm thấy hổ thẹn vì gần như mình chẳng làm gì cả. Nhìn con lớn lên từng ngày, tôi nhận thấy bà mẹ như mình thật chẳng có “tư cách” gì để mở một cái page nói về việc chăm con cả. Mình bắt đầu hồ nghi tất cả mọi lý thuyết xung quanh. Phải chăng “chân lý” mẹ giỏi-con dở, mẹ dở-con giỏi mà mình tự đúc rút là chính xác? Hay con gái tôi là đứa phá vỡ tất cả mọi “truyền thuyết” bao năm nay về việc nuôi dạy con?
Chuyện ăn, chuyện uống
Trong khi các bà mẹ khác khá đau đầu về việc chuyển từ sữa mẹ sang sữa bình thì con gái tôi tỏ ra chẳng hề “tinh tế” tẹo nào. Sữa mẹ hay sữa bình với bé chả có gì khác nhau. Đưa cái gì con gái cũng uống. Tôi chẳng mất tí công sức nào trong đại cuộc này.
Chuyện ăn cũng vậy. Ban đầu tôi nấu cháo xay nhuyễn. Sau đó dần dần tôi chuyển sang xay thô. Rồi một ngày đẹp trời tôi được gợi ý cho con ăn cháo bình thường. Lại một lần nữa con tôi tỏ ra không hề “tinh tế”, bé ăn một cách ngon lành. Gần đây, con bé không muốn ăn cháo nữa. Đến bữa ăn bé thường chỉ tay vào chén cơm mẹ, tôi xúc vài muỗng cho con. Con bé nhai nuốt gọn trơn. Từ đấy trở đi tôi nghỉ luôn công cuộc nấu cháo, ba mẹ ăn gì con ăn nấy. Coi như tôi được giải phóng hoàn toàn! Thật là tuyệt!
Rồi bỗng dưng con bé nhất nhất đòi tự xúc ăn. Trước đây bé vẫn đòi như thế, nhưng vì bé còn vụng, thường làm đổ thức ăn ra ngoài, mà tôi lại lười dọn dẹp nên không cổ vũ con. Nhưng bây giờ bé đã lớn hơn, tôi thử đưa muỗng nĩa cho con ăn một mình. Một cách ngạc nhiên, con ăn khá gọn gàng, cả chén cơm chỉ rơi vãi vài hạt. Nhìn con ngồi ăn mà tôi bần thần….
Còn nhớ có lần đọc comment của một anh bạn trên facebook, anh ta hốt hoảng vì bạn tôi không tập con ăn cơm khi con đã gần 2 tuổi. Tôi chưa bao giờ có khái niệm trong đầu là phải tập con ăn cơm. Vì… chồng tôi là người Pháp, anh chưa từng được mẹ chồng tôi tập cho ăn cơm. Con gái tôi đang sống trong một môi trường có sự giao thoa về… văn hóa ẩm thực. Nói hoa mỹ cho vui chứ thật ra tôi suy nghĩ đơn giản rằng nếu con bé không ăn với mình thì nó ăn với ba nó. Bé không cần phải “cuồng” cơm như tôi thì vẫn có thể phát triển bình thường như mọi đứa trẻ xung quanh.Và thực tế… con bé đã ăn cơm một cách ngon lành khi tôi chưa kịp nghĩ là nó sẽ như thế!
Đến chuyện uống nước. Ban đầu tôi múc từng muỗng cho con uống, đâu đó khi bé được 4 tháng tuổi. Đến tháng thứ 6, tôi cảm thấy nhọc công quá nên cắm ống hút vô cho bé hút. Con bé hút rột rột, ban đầu còn vụng về, không biết nuốt mà nhổ ngược ra ngoài, nhưng sau vài ngày thì thuần thục. Đến tháng thứ 9, một lần tôi bắt quả tang bé với tay lên bàn bưng ly uống nước. Thế là từ đó tôi dẹp luôn ống hút, cứ đưa nguyên cái ly cho con. Thật là tiện lợi!
Chuyện ngủ
Chuyện ngủ thì rõ là một bất ngờ lớn. Lâu nay tôi vẫn thường dỗ con, nằm cạnh con trước khi con chìm vào giấc ngủ. Tôi tự kỷ ám thị rằng con gái mình là đứa khó ngủ. Nhưng thực chất tôi chỉ muốn che dấu cái sự “ghiền con” của mình mà thôi.Tôi thích ngủ chung với con, đơn giản là vậy. Dù có mua giường, mua cũi cho con ngủ riêng, nhưng đêm đêm tôi vẫn ôm con sát rạt bên mình. Cái cảm giác có con sát bên cạnh rất ấm áp, rất thích thú. Chính chồng tôi cũng thừa nhận rằng người phương Tây đã bỏ lỡ khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong suốt quãng đời làm cha mẹ khi ép con ngủ riêng lúc con còn bé tí. Con cái rồi nó sẽ khôn lớn, trưởng thành bay xa, sao phải ép nó rời xa mình sớm đến như thế?
Hôm vừa rồi nhân dịp nhà có khách, tôi không có thời gian ôm ấp con trước khi nó ngủ nên đem bé vào phòng, đặt lên giường, nói vài câu ngọt ngào rồi đóng cửa đi ra. Bé con của tôi bây giờ không còn là một đứa bé hiền lành ngoan ngoãn nữa, nó gào khóc, đập cửa ầm ầm suốt 45′. Tôi tảng lờ dù thỉnh thoảng thấy nhói lòng, chỉ muốn vứt hết công việc, chạy vào ôm lấy nó. Nhưng rồi sau một lúc gào khóc, con bé mệt quá đã tự leo lên giường ngủ thiếp đi. Tối đótôipha một bình sữa đưa cho con, bé tự leo lên giường như cái thuở 7, 8 tháng, ôm bình sữa tu một hơi rồi tự ngồi dậy bỏ bình không lên bàn như cái thuở 12, 13 tháng. Rồi… nó tự lăn ra ngủ một cách thanh bình.Cho đến hôm nay, cái sự ngủ của bé nó đơn giản đến nỗi làm vợ chồng tôi cảm thấy… hụt hẫng.
Chính sự vụ đi ngủ một cách nhẹ nhỏm của con gái khiến tôi suy nghĩ khá nhiều. Tôi nghĩ về việc các bà mẹ ra sức tập tành cho con làm cái nọ cái kia. Còn con gái tôi, với thời gian bé làm mọi việc một cách thuần thục, khéo léo mà không hề có bất kỳ sự chỉ vẽ nào từ mẹ. Có phải đến một thời điểm nhất định là trẻ con hình thành các kỹ năng cơ bản không? Hay mấy chuyện này là “hên xui”, tôi may mắn vì con gái tôi nó được như thế, chứ bình thường nếu tôi không tập tành thì bé sẽ chẳng làm được gì???
Mẹ “dở”, mẹ lười, để cho con… giỏi?!
Tôi thừa nhận mình là một bà mẹ bình thường, thậm chí dưới mức bình thường vì chưa bao giờ vì con mà tận tụy làm bất kì việc gì cả.Thỉnh thoảng tôi cặm cụi may vá cái nọ cái kia cho con là vì tôi thích như thế, nó thỏa mãn cái đam mê của riêng tôi. Hay tôi than vãn con khóc con quấy là vì nó không để tôi có nhiều thời gian riêng tư hơn để ngồi may vá hay online chat chit… Kể cả con gái tôi là đứa chưa bao giờ khóc mà không có lý do (từ sau 2 tháng tuổi), tôi vẫn cứ thích than vãn luôn miệng để “hòa chung với phong trào chăm con vất vả”, để tỏ ra mình là một bà mẹ thật đáng được cảm thông, vv và vv…
Tôi chưa bao giờ nghiên cứu cách chăm con kiểu Nhật, cho ăn kiểu Mỹ, vì một lý do đơn giản là… tôi lười, và tôi có một niềm tin kiên định là mỗi đứa trẻ có sự phát triển của riêng nó, cứ thuận theo nó là ổn. Hoặc giả vì lười nên tôi ngụy biện? May làm sao chồng tôi là người làm khoa học, quan điểm của anh về con người cũng rất “khoa học tự nhiên”, trong mắt chồng con người rốt cuộc chỉ là một con “động vật” có tên là “người”, cho nên đói thì sẽ ăn, mệt thì sẽ ngủ, khóc không gây chết… Cứ thấy tôi bắt ép con làm cái gì mà khả năng tự nhiên nó chưa làm được là chồng lắc đầu không đồng ý.
Tôi vẫn khâm phục và ngưỡng mộ sự kiên trì của các bà mẹ tập con các kỹ năng từ rất sớm. Tôi không làm được, vì lười, và vì tôi thấy thật sự không cần thiết lắm trong hoàn cảnh của mình.Trên hết, tôi cảm thấy mình may mắn quá, tôi chả phải tập tành gì cả mà con gái tôi đến giờ nó lại tự làm được một số việc cần làm rồi.
Vì những lý do đó mà tôi cảm thấy “phi vụ” làm mẹ của mình so với người ta thật chẳng đáng gì, thế nên tôi xóa sổ cái page Chăm con. Tôi rút ra một kết luận cho riêng mình là thật ra không cần phải quay cuồng trong các thể loại phương pháp, cứ thuận theo sự phát triển tự nhiên của con là tốt nhất. Đến một thời điểm nhất định, bé sẽ hình thành các kỹ năng căn bản. Và đặc biệt là người làm mẹ đừng nên tỏ ra quá “giỏi” với con, hãy cứ là một bà mẹ “dở”, thậm chí lười một chút cũng không sao, để con có dịp tự xoay xở một mình và dần dần trở thành một em bé “giỏi”!
Không biết có bà mẹ nào can đảm thực hiện giống như tôi không nhỉ?!