Theo bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì việc “bỏ đói để trị bé biếng ăn không phải cách hiệu quả. Bởi với những bé lười ăn khủng khiếp thì chuyện bỏ đói càng làm bé “vui vẻ”.
Bực mình vì đút thìa cháo cho cu Bờm mà cu con mím chặt môi, quay mặt, lắc đầu, thậm chí còn cáu ngược lại với mẹ, chị Quyên hét lên: ‘Không ăn thì thôi. Nhịn, cho đói sẽ phải ăn hết’. Sau đó, ngay lập tức chị bê bát cháo cất xuống bếp trong khi cu Bờm hí hửng thoát cảnh bị mẹ cho ăn, tiếp tục lăn lộn dưới sàn nhà chơi đùa với ông nội.
Từ khi con còn ẵm ngửa, chị đã stress vì con trai lười bú sữa. Đến tuổi ăn bột, ăn cháo thì nhiều khi mẹ phải “khóc dở, mếu dở” vì không làm cách nào cho con ăn cả. Chị Quyên chịu khó mua sách, đọc internet để đổi món cho con liên tục, chưa kể dụ đủ trò chơi, múc nước đổ chậu nhựa, nhặt sỏi đá bỏ vào bát đồ chơi rồi đưa cả lọ sơn móng tay của cô em chồng cho con bôi bôi, chát chát mà lúc thì con há miệng ăn thun thút, lúc thì không chịu.
Có những hôm, chị nấu cho con 2 bữa cháo mà phải nhờ bà nội rồi bản thân mình cũng phải ăn hộ con cả hai vì dụ dỗ, dọa nạt, năn nỉ cỡ nào, cu Bờm cũng không ăn. Bà nội đành mua phở gói nấu tạm cho cháu nhưng Bờm cũng chỉ ăn “cho vui”, chứ bỏ nguyên một phần, bà nội tiếc lại phải ăn nốt.
Chuyện Bờm biếng ăn đã kéo dài hơn năm nay. Chị đưa con đi khám rồi cho uống men tiêu hóa cũng không thấy ăn thua gì. Cho uống nhiều lại sợ hại con nên chẳng dám liều. Các loại thuốc bổ nọ, bổ kia bạn bè hay người thân mách là chị cũng mua thử, mong cải thiện tình hình lười ăn của con nhưng kết cục, vẫn y nguyên.
Nhiều cha mẹ áp dụng cách bỏ đói con để mong bé bớt lười ăn nhưng đây chưa hẳn là biện pháp tốt. (Ảnh minh họa)
Cô bạn đồng nghiệp bảo: “Để nó đói nó khắc phải ăn. Con ông anh mình đây này, cứ cho thật đói vào là phải ăn vội” nên chị cũng thử, tuy cũng thương và xót ruột vì con đói. Thế nhưng, một vài lần áp dụng, chị thấy chả “xi nhê” gì với cu con “coi bỏ đói là niềm vui” như con mình.
Bình thường, cu Bờm ăn trưa lúc 11h15 nhưng lần ấy, chị quyết bắt con nhịn tới 12h30. Thấy con quấy quá, tưởng con đói, chị hăm hở hâm lại cháo rồi đút cho con. Thế mà cu cậu gào toáng lên, phun cháo phì phì rồi uốn éo, vặn vẹo, móc mồm, móc miệng mẹ quấy khóc. Một lúc thì Bờm ngủ khì và chấp nhận nhịn đói luôn. Chị xót con nên không dám dùng cách này tiếp nữa.
Theo bác sĩ Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì việc “bỏ đói để trị bé lười ăn không phải cách hiệu quả. Bởi với những bé lười ăn khủng khiếp thì chuyện bỏ đói càng làm bé “vui vẻ”, trong khi đó mẹ thì càng lo lắng thêm. Tránh tình trạng bỏ đói khiến bé “quen dạ”, tức là đến mỗi giờ ăn cố định thì dạ dày đều tiết ra sẵn dịch vị để sẵn sàng tiêu hóa thức ăn. Nếu bị bỏ đói thì sự tiết dịch của dạ dày sẽ bị đảo lộn, dễ gây rối loạn tiêu hóa, không tốt cho sức khỏe bé. Ngoài ra, không giống như người lớn, có những lúc vì ham vui, ham chơi hoặc sợ bị mẹ “nhồi nhét” quá mà dù đói, bé cũng không tha thiết với đồ ăn. Kết quả là bỏ bữa quen, giờ ăn uống bị đảo lộn thì sau này, muốn rèn bé vào nếp ăn đúng giờ cũng khó”.
Có những giai đoạn nhất định, các bé thường trở nên cực kỳ lười ăn, cho dù mẹ có chịu khó đổi món, dụ dỗ hay dọa nạt. Những bữa như thế, mẹ có thể tạm chấp nhận bé chán bột, chán cháo để chuyển sang cho bé các món mới, dễ được bé chấp nhận hơn như mỳ, soup, phở, bún… Cho dù bé ăn được nhiều hay được ít thì mẹ cũng không nên quá lo lắng hay căng thẳng. Qua giai đoạn này, bé sẽ ngon miệng và ăn uống tốt hơn trở lại.
Việc chữa biếng ăn ở bé bao giờ cũng gian nan, đòi hỏi kiên nhẫn, không nên kỳ vọng thái quá, phải tìm xem là nguyên nhân nào để có cách khắc phục phù hợp nhất. Chẳng hạn, chịu khó thay đổi khẩu vị cho bé, chấp nhận bé ăn ít tại một số thời điểm, nên đưa bé tới chỗ chỉ có hai mẹ con để bé không bị phân tâm bởi những người thân khác trong nhà, không quát mắng, đánh đập khiến bé mắc chứng lười ăn do tâm lý… Ngoài ra, cũng nên đưa bé đến các chuyên gia dinh dưỡng để bé được khám và điều trị kịp thời.