Mẹ yêu con không bao giờ nói những lời này bởi chúng sẽ khiến trẻ “đau hơn bị đòn”…
“Im ngay, nín ngay!”
Mỗi khi trẻ khóc dai dẳng mà không dỗ được, rất nhiều bà mẹ trở nên mất bình tĩnh và bắt đầu quát con “Nín ngay!”. Tuy nhiên, mẹ nên biết rằng trẻ con hay người lớn thì đều có những cảm xúc vui buồn. Do đó, vì sao người lớn có thể khóc mà em bé thì không? Bé có thể khóc vì sợ, vì buồn hay vì bị mẹ tắt tivi khi đang xem chương trình yêu thích. Đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Theo báo cáo của CNN, Tiến sĩ Debbie Glasser, và các chuyên gia về trẻ em ,nói với một đứa trẻ rằng chúng không được khóc không giúp mọi việc trở nên tốt hơn. Khi bảo con “nín ngay”, mẹ đã gián tiếp gửi thông điệp rằng việc khóc và thể hiện cảm xúc của mình là không tốt. Thay vào đó, mẹ nên ở bên trẻ, dỗ dành và tìm giải pháp khiến trẻ thôi buồn, đánh lạc hướng con bằng những niềm vui mới.
“Con cứ đợi bố/ ông/ bà/mẹ..về rồi xử lý”
Câu nói quen thuộc chúng ta hay nói khi trẻ mắc lỗi. “Hiệu quả” của câu nói này là gì? Thứ nhất, mẹ đã gieo vào đầu trẻ sự lo lắng và sợ hãi, đặc biệt là về người mẹ hay “lôi” ra để dọa con. Thứ hai, trẻ ngầm nhận thức được rằng mẹ không hề biết cách xử lý hay giải quyết tình huống đó và luôn phải đợi người về để “mách”. Khi trẻ làm sai và bị bắt, bé đã cảm thấy rất ân hận và buồn. Việc “mách” với người khác về tội lỗi của trẻ sẽ càng khiến bé thêm xấu hổ và thực chẳng khác nào “xát muối vào vết thương”. Vì vậy, nên suy nghĩ kỹ xem bố, bà, cô giáo hay bất cứ một người nào liệu có thực sự cần biết về tội lỗi của trẻ. Và nếu cần, mẹ hãy để con tự quyết định xem ai sẽ là người kể. “Con muốn mẹ kể cho bố hay con tự kể?” câu hỏi như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng và học được cách chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân.
“Đừng có cãi mẹ!”
Trẻ nhỏ được sinh ra là để hỏi, để nói, để tranh luận và thắc mắc. Ta đã phải chờ bao nhiêu tháng ngày mòn mỏi để nghe con cất tiếng nói đầu tiên. Vậy sao bây giờ lại nỡ cắt đứt những tranh luận của trẻ với chỉ một câu nói độc đoán như thế? Việc lặp đi lặp lại một câu chấm dứt “Đừng có cãi mẹ”, chị em càng khiến trẻ cảm thấy bất công và nếu bé có thôi cãi mẹ, điều đó chỉ thể hiện bên ngoài, không phải bên trong suy nghĩ của bé.
Thay vào đó, mẹ có thể nói “Mẹ biết con muốn câu trả lời khác, nhưng điều đó sẽ không thay đổi” hoặc “Mẹ đã trả lời con rồi, con còn thắc mắc gì nữa?”. Điều này cho phép bé được trình bày suy nghĩ của mình và không còn phải cảm thấy “ấm ức”.
“Đừng có sờ vào đấy”
Đừng bao giờ nói với trẻ như vậy nếu mẹ không muốn kết quả ngược lại. Trẻ con rất tò mò và theo lẽ thường, càng cái gì bị cấm trẻ sẽ càng muốn thực hiện. Có thể trước mặt mẹ, bé sẽ không đời nào sờ vào cái quạt đang chạy. Tuy nhiên, ngay khi mẹ quay lưng, rất có thể bé sẽ thò tay vào quạt. Đối với trẻ lớn, mẹ có thể dạy con cái gì được và không được phép làm. Tuy nhiên, với trẻ trong khoảng 1 tuổi, biện pháp tốt nhất vẫn là dọn dẹp hết những thứ nguy hiểm ra khỏi tầm tay của bé. Đó là cách an toàn nhất nếu mẹ không muốn lọ hoa bị vỡ, phích nước nóng làm bỏng tay bé hay cái kéo sẽ làm bé đứt tay.
“Tại sao con không được như bạn… Con nhà người ta…”
Đây có lẽ sẽ là câu nói quen thuộc nhất đối với rất nhiều chị em. Hồi bé, hẳn ai cũng đã từng một lần được nghe bố mẹ kể về “Con nhà người ta” với mục đích khuyến khích mình cố gắng và nỗ lực hơn. Tuy nhiên, ngay bản thân chúng ta cũng hiểu rằng, những lời so sánh đó thường không có tác dụng gì. Vậy nhưng khi làm cha làm mẹ, đôi khi ta vẫn mắc những sai lầm như vậy. Hãy tránh tối đa việc sử dụng những câu nói này với các con trong việc giáo dục. Vì đôi lúc chính những điều này làm tổn thương con trẻ, là nguyên nhân khiến bé trở nên tự ti và mặc cảm với mọi người.
“Con làm sai rồi!”
Cha mẹ luôn có xu hướng muốn kiểm soát mọi việc làm của trẻ để đảm bảo không có gì “đi ngoài quĩ đạo”. Tuy nhiên, điều này chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Đừng bắt trẻ nhất nhất phải làm theo cách của mẹ trong khi có rất nhiều cách thực hiện khác nhau. Nếu bé tô cỏ màu tím, ông mặt trời màu xanh hay ngồi ngược đầu ghế đi chăng nữa, đó cũng là những sáng tạo rất riêng của bé. Thay vì nói bé tô màu sai rồi, mẹ có thể gợi ý “Mẹ thấy cỏ hay màu xanh, nhưng con tô màu tím cũng hay đấy!”.
“Hồi bằng tuổi con, cha/mẹ không bao giờ làm như thế”
Đúng, có thể mẹ chưa từng làm thế hoặc đã làm nhưng lại quên. Tuy nhiên, nói với con ‘chắc như đinh đóng cột’ thì thật không nên. Phải phạm lỗi và được dạy dỗ thì trẻ mới trưởng thành. Lời nói như ‘tuyên ngôn’ như ngầm khẳng định rằng cha/mẹ tốt hơn con nhiều lắm khi ở độ tuổi của con dễ khiến trẻ tự ái. Lâu dần tạo tâm lý mặc cảm khi luôn bị đem ra so sánh. Hãy nhớ, thời của chúng ta đã xa lắm và mẹ cũng không còn là chàng trai, cô gái mà là những phụ huynh đang có trách nhiệm uốn nắn hành vi và nuôi dưỡng một đứa trẻ.