Ai cũng biết chăm con là một quá trình vất vả, với người khác là vất vả một nhưng với chị Nhàn có lẽ là gấp đôi, gấp ba.
Ai nhìn vào cũng khen chị Nhàn (Thanh Lương, Hà Nội) là người tốt số. Từ khi chị mang bầu, gia đình hai bên rồi chồng chị – ai cũng xúm vào chăm sóc, tẩm bổ cho bà bầu. Ngay cả bản thân chị cũng thấy mình hạnh phúc, may mắn. Chị nghẹn ngào khi biết mẹ chồng sẵn sàng về hưu sớm để dành thời gian chăm con chăm cháu.
Ngoài công việc trên công ty, về nhà chị chẳng phải đụng chân đụng tay vào bất cứ việc gì, mọi người trong gia đình chỉ mong chị giữ sức khỏe để mẹ tròn con vuông, việc gì mẹ chị cũng tranh làm. Không chỉ mẹ đẻ, mà mẹ chồng chị cũng chỉn chu, cẩn thận từng ly từng tý trong sự nghiệp chăm con dâu đẻ, sự cẩn thận quá mức này đôi khi khiến chị mệt mỏi.
Từ khi mang thai, chị phải tuân theo lịch ăn uống rất nghiêm khắc của mẹ chồng, từ sữa bầu loại gì, đến hôm nay thực đơn ăn gồm cái gì, thức ăn đó tốt cho bé như thế nào?… Cứ khi nào thấy chị bưng ly trà đá hay coca lên uống, hoặc ăn bim bim, bắp rang với chồng là y như rằng mẹ chồng chị lại trách móc, can ngăn: “Ăn mấy cái đó hại vô cùng, không những hại cho sức khỏe của cháu mà còn khiến con thành mẹ sề đấy”.
Vì thế, hàng ngày chị trung thành với đồ nếp, thịt gà, thịt bò, thuốc bắc, mật ong… Trong cả thai kỳ chị tăng những 20 cân. Nhìn chị tăng cân chóng mặt, mẹ chồng nhất nhất bảo “mẹ sề thế này là do con ăn bimbim đây mà”. Chị không đôi co nhiều, chị nghĩ thầm: “Bimbim thấm vào đâu so với thực đơn mẹ cho mình ăn hàng ngày?”.
Những lời nói của mẹ, chị cũng không để ý nhiều, chị chỉ cho rằng vì mẹ quá quan tâm tới mình nên mới vậy. Thế nhưng, từ khi bé Bin chào đời, chị thấy mệt mỏi vô cùng, tất cả chỉ vì mẹ chồng chăm thái quá, rồi những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu nảy sinh trong quá trình chăm con.
Lúc nào mẹ chồng chị cũng phàn nàn: “Sao cháu tôi nặng có 2,8 cân? Chắc do mẹ ăn hết của con rồi”.
Chị ước thà có mẹ chồng vô tâm còn hơn. Cũng khó có thể trách chị, từ khi bước lên bàn mổ đẻ, chị mệt mỏi vô cùng. Vì tăng cân nhiều nên trước lúc vượt cạn, huyết áp của chị tăng đột ngột, bác sĩ chỉ định phải mổ đẻ. Dù thấy con dâu đau đớn vật vã trên bàn đẻ, mẹ chồng chị vẫn nói ầm ầm bên ngoài, chị dù đau vẫn nghe thấy từng lời bà nói sa sả trách móc con dâu: “Mẹ nó ăn cho lắm bimbim vào rồi giờ phải đẻ mổ. Thằng Bin sinh ra thế nào hệ hô hấp cũng kém. Chán lắm cơ!”.
Mọi việc cũng qua, ngày chị đón Bin về nhà, ai ai trong nhà cũng vui.
Chị chẳng phải làm gì, chỉ việc nghỉ ngơi chăm con, nhưng từ ngày ở nhà chăm con, chị ngày càng mệt mỏi bởi mâu thuẫn với mẹ chồng.
Từ ngày có cháu nội, mẹ chồng mừng như bắt được vàng. Hàng ngày bà chạy ra chạy vào, hôn hít, ngắm nghía thằng cháu đích tôn, bà càng yêu càng chiều cháu hơn khi Bin giống bố như hai giọt nước, cái cảm giác lần đầu tiên được làm mẹ của bà lại ùa về. Bà hạnh phúc và cảm thấy cái trách nhiệm của mình từ nay lớn lắm. Thế nhưng, vì yêu cháu quá nên bà chẳng thấy một điểm cộng nào từ con dâu. Thời gian này, chị phát mệt khi mẹ chồng cứ ra rả hàng ngày câu “mẹ sề này, mẹ sề nọ”.
Khi Bin ra đời, mẹ chồng chị thắc mắc mãi, “Sao cháu tôi nặng có 2,8 cân? Chắc do mẹ ăn hết của con rồi”.
Bình thường không sao, cứ khi nào Bin ốm, mũi dãi lòng thòng là y như rằng cả ngày đó chị nghe mẹ chồng trách móc: “Đúng là mẹ sề, chỉ ăn là giỏi, đẻ lại kém, Bin như vậy là hậu quả của đẻ mổ đây mà”. Chị buồn bực vô cùng: “Mình cũng lo lắng lắm chứ, bà đã không giúp thì chớ lại cứ nói này nói nọ”.
Chị sinh mổ, thời gian đầu ít sữa, bé không chịu ti, nhưng chị biết sữa mẹ tốt cho con, nên chị quyết ép Bin bú mẹ bằng được. Thấy cháu khóc, bà nội chạy lên mắng chị sa sả: “Con chỉ có béo thôi chứ làm gì có sữa. Về nhà được 3 hôm rồi mà chỉ có vài giọt sữa. Cho Bin ăn sữa ngoài đi, con làm mẹ sao ác thế?”. Dù chị không đồng ý, phân tích đủ kiểu, bà vẫn không chịu, nằng nặc pha sữa công thức cho Bin ăn.
Ăn bình dễ, bé chẳng chịu bú mẹ. “Trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, từ đó hàng ngày chị hì hục vắt sữa cho con. Cũng chỉ được vài tháng đầu, sữa mẹ cạn nhanh chóng.
Rồi bé ốm liên miên, bà cứ nằng nặc đổ cho chị bảo do chị kém phải đẻ mổ, do chị béo không có sữa mẹ cho Bin uống. Khách đến thăm Bin, chưa ai chê gì bà cũng lôi tuồn tuột các chuyện ra để chê con dâu, vì con dâu chăm con kém nên Bin suốt ngày hắt hơi sổ mũi.
Hàng ngày, bà lại đem chuyện em Cún hàng xóm tăng cân vù vù mà chẳng ốm “phát” nào từ khi đẻ để cho con dâu học tập. Từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, gi gỉ gì gi bà đều thấy con dâu bà chăm cháu “vô lý”. Bà tâm sự: “Tôi ức chế vô cùng khi thằng cháu bé bỏng của tôi bị mẹ nó cho ăn dặm quá muộn, nhà người ta thì 4 tháng ăn rồi mà cháu mình 7 tháng mới chịu ăn. Ăn uống linh tinh, phương pháp ăn dặm của Nhật của nhiếc là phương pháp gì? Hồi xưa bố Bin có phải ăn thế đâu mà giờ vẫn phương phi”.
Thế nên, cứ mỗi lần nhìn con dâu chăm con, bà lại thở dài, bực tức. Chuyện chăm con chăm cháu, ai cũng có lý lẽ riêng của mình, ai cũng muốn cháu mình được tốt nhất, khỏe nhất nhưng vì hai thế hệ khác nhau nên họ càng khó có sự chấp nhận, thông cảm nhau.