Hễ nhà có khách là cu cậu sà ngay tới hỏi: “Chú (cô) có quà cho cháu không?”. Nếu được nhận quà, mặt Mốc hớn hở, vâng dạ rối rít. Nếu không, cu cậu xị mặt xuống. Thấy bà nội lên chơi, cu Mốc (4 tuổi) háo hức chạy ra lục túi của bà. Không tìm được gì, cu cậu phụng phịu: “Quà của con đâu? Bà không mua quà cho con à?” khiến bố mẹ ngượng quá.
Chị Thương (mẹ cu Mốc) kể, cu cậu rất lém lỉnh và mạnh dạn. Hễ nhà có khách là cu cậu sà ngay tới hỏi: “Chú (cô) có quà cho cháu không?”. Nếu được nhận quà, mặt Mốc hớn hở, vâng dạ rối rít. Nếu không, cu cậu xị mặt xuống, có khi còn “nhắc nhở”: “Lần sau nhớ có quà cho cháu nhé”. Những lúc như thế, chị phải quát con, làm như thế là hư, là không được nhưng lần nào có khách tới nhà cu Mốc lại vẫn diễn bài này.
Cùng chung cảnh này, chị Nguyệt (Sóc Sơn, Hà Nội) nhiều lúc vừa ngại vừa bực với thói vòi quà của Bim (cậu con trai 5 tuổi). Mấy hôm trước, nhà ông bà hàng xóm đi du lịch về, chị thấy con đạp xe ngay lại phấn khởi: “Bà có quà cho cháu à?”. Chị Nguyệt kéo con về và mắng: “Con hư đấy. Không được đòi thế” nhưng bà hàng xóm chạy theo đưa ít bánh kẹo nên chị phải nhận. Ngay lập tức, cu Bim nhanh nhẩu: “Còn quà của em Hiếu nhà cháu nữa ạ!” khiến mọi người cười ồ. Chị phải giải thích cho con đây là phần cho cả nhà nên cả nhà sẽ cùng ăn.
Chị Nguyệt kể, cu Bim thấy bố đi công tác thì ngày nào cũng gọi điện cho bố “đòi quà”. Mẹ đi chợ về cũng hỏi: “Mẹ ơi có mua gì cho con không?”… Thậm chí khi đi sinh nhật chị họ, cu cậu cũng đòi quà mang về.
Lý do các bé thích quà
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Hà (Tổng đài tư vấn 1080) cho biết thì: “Thích quà là tâm lý phổ biến ở các bé trong độ tuổi mẫu giáo và đó là đặc trưng tâm lý bình thường. Bởi vì cha mẹ và người lớn thường dành sự ưu ái cho các bé, hay mua quà cho bé dù không phải dịp gì, khách đến nhà chơi cũng thường mang quà cho các cháu nhỏ… Điều này khiến các bé có thói quen đòi quà. Bé cứ vui vì được tặng quà trước đã dù chưa cần biết giá trị của món quà đến đâu. Nhưng với nhiều bé đã hiểu biết thì với món quà không thích, bé có thể bày tỏ “thái độ” ngay”.
Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào tính cách từng bé, có bé mạnh bạo thì chẳng ngại đòi quà, còn những bé nhát hơn thì không như thế. Ngoài ra, nó cũng là kết quả của thói quen sống hay cách giáo dục của cha mẹ. Chẳng hạn, không ít phụ huynh chẳng ngại thỏa thuận: “Ăn hết cơm thì mẹ mua quà cho” hoặc “Con ngoan, sẽ được quà”… nên bé rất háo hức với việc được tặng quà. Khi đó, việc được tặng quà thành thói quen vui vẻ và nhiều bé biết đòi quyền lợi của mình, mà không biết đó là hành động thiếu lịch sự và khiến cha mẹ lúng túng.
Các bé có xu hướng hành động bột phát, tức là nghĩ sao nói thế, thích gì là biểu hiện luôn… mà chưa để ý đến phép lịch sự. Nhưng sẽ không quá khó nếu cha mẹ xây dựng phép lịch sự cho con ngay từ nhỏ. Nhấn mạnh với bé: “Con không được đòi quà vì như thế là thiếu lịch sự. Ông bà (cô chú) đến chơi nhà mình là vui rồi”. Đồng thời, nên dạy bé biết đưa hai tay ra nhận quà, biết nói: “Con xin”, “Con cảm ơn” một cách lịch sự…
Hơn nữa, hãy giúp bé khắc phục tính mè nheo, hay đòi hỏi. Khi bé đòi quà là bé rất mong muốn và hy vọng được đáp ứng. Nếu không, bé sẽ buồn. Vì vậy, nếu bé đòi mua cái này, cái kia làm quà, phụ huynh nên lắng nghe con cẩn thận, tránh gạt bỏ ý kiến của bé một cách vội vã. Nên nói với bé chân thành: “Con đã có bộ đồ chơi này ở nhà rồi. Mua một bộ như thế nữa là không cần thiết đâu”. Cha mẹ nên chọn cách nói “không” khi bé vòi vĩnh, nhưng có thể mua một món quà vào lúc bé không đòi hỏi.