Nấu ăn cho trẻ sao cho không bị mất chất luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ bởi không ai muốn con mình “ăn hoài vẫn còi”. Để luôn giữ được đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, xin mách mẹ những qui tắc “sống còn” sau đây
Chọn mua và bảo quản
Thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da và sữa tách béo sẽ có nhiều dinh dưỡng trong mỗi calo hơn thịt mỡ, gà nguyên da và sữa nguyên kem. Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh, yến mạch… cũng chứa nhiều vitamin hơn ngũ cốc tinh chế. Rau có màu xanh thẫm và vàng sậm sẽ nhiều chất dinh dưỡng hơn rau lá nhạt. Đó là những nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ.
Về vấn đề bảo quản, trái cây, thịt hay rau tươi luôn tốt hơn đồ đóng hộp. Đó là điều đương nhiên. Một số loại rau củ và trái cây như ngô bao tử, nấm hay đậu khi đóng hộp có thể bị giảm tới một nửa số vitamin so với ban đầu. Tuy nhiên, đồ tươi thì lại không hẳn đã tốt hơn đồ đông lạnh. Thực phẩm khi được đông lạnh, nhiệt độ thấp sẽ ức chế các enzym phá hủy chất dinh dưỡng và vitamin. Từ đó rau củ, thịt cá sẽ không bị mất chất. Nước cam nếu để vào hộp kín cất tủ lạnh thì 2-3 ngày sau mới bị bay mất vitamin C. Tuy nhiên, với các loại khoai tây, khoai lang, mẹ nên bảo quản ở nơi khô ráo và tránh ánh sáng, không nên bảo quản khoai trong tủ lanh.
Về hoa quả cho bé, mẹ nên lưu ý chọn mua hoa quả đúng mùa. Như vậy sẽ tránh được tình trạng hoa quả chín ép nhờ hóa chất cũng như giữ được vị ngọt tự nhiên nhất. Với các loại quả như chuối hay dứa, mẹ nên mua quả chín cây sẽ tốt hơn mua quả xanh rồi chín dấm ở nhà. Hoa quả chín dưới ánh sáng mặt trời sẽ có nhiều vitamin hơn. Ví dụ như cà chua trồng ngoài trời sẽ có lượng vitamin C cao gấp đôi cà chua trồng trong nhà.
Trong quá trình nấu
Xin mách mẹ qui tắc 3G giúp thực phẩm của bé không bị mất chất trong khi chế biến, đó là: Giảm lượng nước sử dụng trong nấu ăn, Giảm thời gian nấu ăn và Giảm diện tích bề mặt của thực phẩm đó được tiếp xúc với không khí.
Giảm nước: Mẹ nào cũng biết, hấp tốt hơn luộc, luộc tốt hơn nướng và nướng tốt hơn rán. Nếu thức ăn cho bé cần phải luộc, mẹ lưu ý chỉ thêm vào nồi một lượng nhỏ nước sôi. Nếu có thể, mẹ nên tiết kiệm nước sau khi luộc rau/thịt để làm súp, nước sốt hoặc nước cháo. Không vo gạo quá kỹ trước khi nấu.
Giảm thời gian: Nhiều vitamin rất nhạy cảm với nhiệt, vì vậy quá trình nấu ăn sẽ phá hủy chúng. Càng giảm thời gian ninh nấu, mẹ sẽ càng hạn chế được thất thoát chất dinh dưỡng trong thức ăn cho bé. Đậy nắp khi đun sẽ là một cách giúp đẩy nhanh quá trình đun nấu.
Giảm diện tích tiếp xúc: Khi chế biến cho bé, mẹ nên cắt rau củ thành miếng lớn. Rau củ nguyên miếng sẽ làm giảm diện tích bề mặt tiếp xúc với không khí, từ đó giữ được nhiều dinh dưỡng hơn. Nếu có thể, chỉ nghiền và xay nhỏ thức ăn cho bé sau khi đã nấu chín.
Vitamin và Khoáng chất là khác nhau
Về cơ bản, các khoáng chất không bị tác động bởi nhiệt. Thực phẩm sống hay chín đều có lượng canxi, sắt, kẽm, magie, phốt pho, I-ốt…giống nhau. Tuy nhiên, các vitamin thì lại rất nhạy cảm với nhiệt.
Với các loại Vitamin có thể bị bão hòa bởi chất béo như Vitamin A, E, D, khi nấu, mẹ nên lưu ý cho ít dầu ăn và ưu tiên nướng sẽ tốt hơn rán.
Vitamin C dễ bị hòa tan trong nước, do đó, mẹ lưu ý khi luộc rau chứa nhiều vitamin C nên chỉ lấy thật ít nước. Ví dụ nếu mẹ luộc 1 cái bắp cải bới 4 bát nước, mẹ sẽ mất đến 90% vitamin C cho bé. Thay đổi tỷ lệ thạnh 1 bắp cải, 1 bát nước, mẹ sẽ giữ được hơn 50% lượng vitamin C.
Với gạo nấu cháo cho bé, không nên vo gạo hoặc nếu có, chỉ vo sơ qua. Thiamin (vitamin B1) sẽ mất đi 25% nếu mẹ vo gạo trước khi nấu cháo.