Dịp Trung thu vừa qua, tôi có mua vé cho con gái yêu đi xem ca nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Thực ra trước khi đi xem, tôi cũng không biết nhiều về nội dung chương trình. Chỉ khi đến nơi, thấy băng rôn ngập trời, tôi mới biết trong chương trình Trung thu tối hôm đấy có sự xuất hiện của cô bé Phương Mỹ Chi – hiện tượng mới nổi sau chương trình GHVN. Trước đây, tôi và con gái cũng theo dõi chương trình GHVN không sót một buổi nào nên rất lấy làm vui mừng vì lần này được trực tiếp nghe Mỹ Chi hát. Con gái tôi thích chị Mỹ Chi lắm.
Kết thúc buổi biểu diễn, khi đang trên đường đèo con về nhà, tôi bỗng giật mình khi nghe con gái hỏi “Mẹ ơi, chị Mỹ Chi hát hay quá mẹ nhỉ! Chị hát thế này thì cát-xê cao lắm. Mai phải đi học, chị đi hát thế này thì có kịp đến trường không mẹ?”. Tôi không hiểu sao con bé mới học lớp 1 đã biết đến “giá cát-xê”, đã biết lo “chị có kịp đến trường”. Suy nghĩ đến những lùm xùm gần đây xung quanh cô bé Phương Mỹ Chi, tôi quả thật vừa thấy thương, lại vừa thấy giận. Tôi không giận Mỹ Chi, mà giận người lớn đang làm hỏng em.
Phải nhìn nhận đúng rằng Phương Mỹ Chi là một “viên ngọc quí” của showbiz Việt Nam tính đến thời điểm này. Cô bé mang dòng nhạc dân ca trữ tình tưởng đã mai một đến với cả những cô bé, cậu bé còn đang tuổi đi học, “truyền lửa” dân tộc đến cho lứa tuổi đang bị cuốn theo những dòng xoáy nhạc Hàn, nhạc sến… Tuy nhiên, càng “quí” thì ta lại càng nên phải “giữ”. Tôi rất lo lắng khi thấy Mỹ Chi liên tục xuất hiện trong các show biểu diễn, liên tục những tin tức về gia đình Mỹ Chi “hét” giá cát-xê, đòi tiền bằng “đô” nhan nhản trên báo. Những thông tin ấy, khiến người làm mẹ như tôi, không khỏi buồn lòng.
Tôi chợt nhớ đến “bé” Xuân Mai. Có lẽ chúng ta, ai cũng đã từng một lần nghe Xuân Mai hát. Cách đây hơn 10 năm, Xuân Mai là ngôi sao ca nhạc nhí hàng đầu Việt Nam với hàng chục album, đĩa đơn các loại. Những bài hát như “Con cò bé bé”, “Cá vàng bơi”, “Cả nhà thương nhau” của cô bé 6 tuổi đã khiến nhiều thế hệ nhi đồng hâm mộ, yêu mến. Bắt đầu đi hát từ lúc 2 tuổi, khi còn chưa thuộc mặt chữ, chưa biết mặt số, Xuân Mai khi ấy là một “hiện tượng”, là thần đồng âm nhạc Việt Nam. Vào những năm 96,97, Xuân Mai rong ruổi với những buổi biểu diễn ở khắp mọi miền tổ quốc, chạy show từ Nam và Bắc và thậm chí còn tổ chức hẳn những liveshow hoành tráng rất thành công. Thậm chí, cho đến nay, “bé” Xuân Mai vẫn giữ một vị trí đặc biệt, khó thể bị đánh bật bởi các ca sĩ nhí mới nổi. Nhà nào có trẻ con, nhà đấy hẳn vẫn giữ những đĩa nhạc của Xuân Mai.
Tuy nhiên, chẳng vì phải cạnh tranh với ai, càng lớn, Xuân Mai càng bị tụt hậu so với cái bóng của chính mình. Đến nay, dù vẫn tham gia ca hát nhưng Xuân Mai “lớn” vẫn không thể vượt qua cái bóng của mình tạo dựng từ khi còn nhỏ. Càng lớn, giọng hát của Xuân Mai càng ít tạo được hứng thú cho người nghe.
Lo lắng Phương Mỹ Chi sẽ đi vào “vết xe đổ” của Xuân Mai có lẽ là không thừa. Xót xa làm sao khi một cô bé mới 10 tuổi đầu, đang tuổi ăn, tuổi chơi và cả tuổi học lại đang làm người gánh vác kinh tế cho cả một gia đình. Ba mẹ Mỹ Chi đẫ “dẹp” hẳn quán chè để đưa cô con gái “hái ra tiền” của mình đi chạy show biểu diễn. Điều tôi lo nhất là sức khỏe Mỹ Chi giữa vòng xoáy tiền bạc này. Là một người mẹ, tôi không bao giờ muốn con gái mình lê la mỗi tối ở show diễn này đến tụ điểm kia, ăn bờ ngủ bụi ở tình này, tỉnh nọ. Ở độ tuổi nhỏ, nếu chạy show quá nhiều, Mỹ Chi có thể sẽ sớm bị hỏng dây thanh đới và mất đi chất giọng đẹp hiếm có.
Nếu muốn trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp, Mỹ Chi sẽ còn phải cố gắng rất nhiều, sẽ phải tự làm mới mình, dũng cảm tìm tòi và trau dồi nhiều hơn về kỹ thuật thanh nhạc. Giọng hát của Mỹ Chi là “trời phú”, nó rất ngọt và đi vào trái tim người nghe. Tuy nhiên ai chú ý cũng vẫn sẽ thấy, Mỹ Chi thiếu đi kỹ thuật, thiếu đi một định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp sau này của bản thân từ những nhà sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp. Thêm vào đó, thành công đến từ quá sớm dễ làm cho Mỹ Chi mất đi sự cố gắng, nỗ lực. Kiếm tiền quá đơn giản cũng sẽ khiến cô bé trở nên dễ dãi với những bài học ở trường, mất đi thái độ nghiêm túc trong việc học tập kiến thức văn hóa.
Cho nên, với tư cách là một người mẹ, tôi tha thiết mong mẹ của Mỹ Chi hãy bảo vệ cô bé, hãy “dũng cảm” từ chối lời mời của các “bầu sô” để Mỹ Chi được đến trường như bao trẻ khác, tối về được làm bài tập về nhà, được vui chơi và nghỉ ngơi như bao cô bé cậu bé 10 tuổi bình thường. Bên cạnh việc học vẫn thỉnh thoảng đứng trên sân khấu để thỏa niềm đam mê và phục vụ khán giả, nhưng với tư cách là một thần tượng nhí hồn nhiên, chứ đừng vội vã “hành nghề”. Nếu Mỹ Chi nhẫn nại để tài năng đạt độ “chín”, rất có thể trong tương lai không xa, âm nhạc Việt Nam sẽ đón nhận một “thần tượng âm nhạc dân ca” thực sự.