Bé giật mình thức giấc, bạn không nên hát ru. Tránh vội nựng, vỗ về khi bé cựa mình… Bạn không nên hát ru sau khi bé giật mình thức giấc. Nếu bé trở mình, hoảng hốt thì bé có thể gặp phải nỗi sợ hãi trong giấc ngủ. Lúc này, bạn không cần thiết phải cuống quýt đánh thức bé dậy, dỗ dành bé. Bạn nên để bé tự quay lại giấc ngủ sau đó.
Việc hát ru lúc nửa đêm còn khiến bé hình thành phản xạ xấu, tức là bé chỉ chịu ngủ khi có mẹ hát ru.
Không đánh thức bé khi bé cựa mình: Khi bé tỉnh giấc hẳn, bé mới cần được cha mẹ dỗ dành. Nếu mỗi lần bé cựa mình mà bạn đã “nựng nịu”, nhằm mong bé ngủ ngon hơn thì bé sẽ buộc bạn phải thức đêm nhiều hơn.
Với bé trên 6 tháng tuổi, khi bé thức giấc, bạn không nên cho bé “ti mẹ” ngay. Bé trên 6 tháng tuổi không cần thiết ăn đêm. Việc cho bé ăn đêm liên tục sẽ khiến bé rối loạn đồng hồ sinh học và khó ngủ hơn.
Nguyên nhân bé hay thức giữa đêm
Với bé dưới 6 tháng tuổi, việc bé thức mỗi đêm vài lần để ‘ti mẹ’ là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều bé trong 2 tháng đầu thường thức, quấy khóc gần như suốt đêm (khóc dạ đề), khiến người mẹ luôn trong trạng thái stress vì mất ngủ và phải chăm con.
Khoảng 3 tháng tuổi trở lên, bé có thể ngủ dài giấc hơn về ban đêm. Phần lớn các bé khỏe mạnh được mẹ ôm ấp và cho bé sẽ cảm thấy dễ chịu là nhanh chóng quay trở lại giấc ngủ.
Nếu một vài buổi đêm, bé quấy khóc không ngừng mà bạn cũng không tìm ra cách dỗ dành hiệu quả thì có thể bé đang bị đau bụng hoặc mắc chứng bệnh nào khác…
Khi bé được khoảng 7-8 tháng tuổi, nhiều cha mẹ lo lắng vì thấy bé hay quấy khóc về đêm. Nguyên nhân có thể do bé đang trong giai đoạn mọc răng, học bò nên các bé dễ bị hoạt động quá mức vào ban ngày.
Một số yếu tố khác khiến bé hay quấy khóc về ban đêm là:
– Bé có thể bị đầy hơi, trướng bụng khi ngủ.
– Bé thiếu canxi, có liên quan đến chứng còi xương. Trường hợp này, bé có thể xuất hiện một số dấu hiệu đi kèm như bé chậm mọc răng, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc hình vành khăn…
– Bé bị thay đổi địa điểm ngủ: bạn chuyển cho bé từ ngủ cũi sang ngủ giường…
– Do bé đói hoặc tè ướt tã.
– Do tâm lý bé bị xáo trộn: Giai đoạn mẹ đi làm, bé phải ở nhà với người khác…
– Bé bị viêm họng, côn trùng cắn, thời tiết nóng bức, bé bị viêm não, thiếu kẽm hoặc mắc phải một số chứng bệnh nào khác như viêm tai giữa, mắc chứng giun kim…