Buổi chiều đi làm về, chị Hoa đến trường đón con rồi tranh thủ ghé vào một quán bên đường “nạp năng lượng” để chuẩn bị cho buổi học tối. Bé Châu, con chị Hoa đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận 1, TP HCM. Trong khi con chăm chú ăn đùi gà nướng, người mẹ tranh thủ mở tập vở của con xem tình hình học tập trong ngày. “Ủa, bạn Hưng, con của bác Ba bị ung thư chết hồi nào vậy con. Mẹ thấy bạn ấy còn sống mà?”, người mẹ hốt hoảng hỏi. Nghe thế, cậu con trai nhồm nhoàm bịu môi quay sang nói: “Mẹ kỳ quá, đó là con làm văn mà, đâu có thật”.
Người mẹ tiếp tục thắc mắc: “Nhưng sao con viết rõ rành mạch là bạn bị ung thư máu, chết trong đau đớn. Cả lớp cùng đi thăm và đều khóc bên giường bệnh của bạn, bạn nào cũng muốn được chết thay cho bạn?”. Đứa con trả lời: “Cô giáo con bắt phải làm vậy mà mẹ. Cô cho tụi con làm tập làm văn, viết về một tình bạn cảm động trong quá khứ. Cô gợi ý tụi con rằng là các em thấy phim Hàn Quốc không. Kết phim, nhận vật chính bao giờ cũng chết vì một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, vì vậy mọi người mới cảm động rơi nước mắt theo”.
Theo bé Châu, cả lớp em có 34 bạn đều làm văn theo mô típ: Có người bạn thân, học rất giỏi, được mọi người yêu quý, nhưng mắc bệnh nan y như máu trắng, ung thư, u não… và cuối cùng đều chết trong sự thương tiếc của mọi người.
Khi người mẹ hỏi “cả lớp giống nhau vậy sao cô chấm điểm được?”, cậu bé nhanh nhảu cho biết, cả lớp đều được từ 8 điểm trở lên, cô khen hay, chỉ có bạn Tùng bị điểm 4 vì không nghe theo gợi ý của cô. Tùng viết về một người bạn thân. Một lần hai bạn vào vườn hàng xóm hái trộm xoài, bị chó rượt chui rào té rách da. Người bạn đó đã lấy cái khăn lau mực trong cặp ra thấm máu cho Tùng nên em nhớ mãi hành động đó.
“Cô nói viết như vậy không có gì cảm động cả, mà còn làm điều xấu nữa”, bé Châu giải thích.
Trên Facebook của chị Nguyên Hà, từng là học sinh giỏi văn quốc gia cũng than thở về chuyện cô giáo bắt con mình làm văn theo mẫu “nực cười”. Bài văn tả người hàng xóm, bé Bống con chị Hà thắc mắc “nhà con hay mang cho hàng xóm bánh kẹo mà, chứ không phải hàng xóm mang sang”. Cô giáo bảo cứ ghi y như cô đọc, về nhà học thuộc.
Cùng chia sẻ với chị Hà, các bạn của chị cũng than thở về việc cô giáo bắt học sinh làm bài theo định hướng. Chẳng hạn tả cô giáo phải trẻ đẹp, không được tả cô đã già, có nhiều nếp nhăn.
Còn anh Thanh thì tấm tức mãi chuyện bản thân là giảng viên dạy toán ở đại học, từng nhiều năm chấm thi tuyển sinh nhưng lại không dạy con làm một bài tập toán ra hồn chỉ vì cô giáo bảo cách giải đó quá “hiện đại”.
Ông bố kể, chiều hôm qua vừa từ trường bước chân vào nhà, cậu con trai phàn nàn ngay: “Bố ơi, làm bài theo kiểu bố dạy, cô giáo con nói là không đúng quy định và không chấm điểm bố ạ”. Cậu vừa nói vừa lục đưa cho anh xem bài kiểm tra 15 phút môn toán 12 bị điểm 0 ở phần khảo sát hàm số.
Nguyên cớ là từ việc tự dạy con học của anh Thanh. Dựa trên những đáp án do Bộ GD&ĐT ban hành trong các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đại học, anh đã dạy con trai mình phần khảo sát hàm số không cần tìm điểm uốn và giao điểm đồ thị với các trục tọa độ, thay vào đó là bảng giá trị để vẽ đồ thị dễ dàng.
Tuy nhiên, sau khi đi học ở trường về, con anh đã không làm theo đáp án của Bộ Giáo dục với lý do: “Cô con bắt buộc tìm điểm uốn, tìm giao điểm với hệ trục, không làm như vậy thì cô không chấm điểm phần đó”. Tranh cãi qua lại, thậm chí lấy cả mẫu đáp án của Bộ cho con xem, nhưng rồi cuối cùng anh cũng phải thua con trai vì “Cô con thích như thế, bố không cãi được đâu”.
Tương tự, anh Phan (Phó phòng Thanh tra của một Sở Giáo dục ở Tây Nguyên) nhớ mãi “kỷ niệm đắng” đã làm cho uy tín của anh giảm đi ít nhiều trong mắt cậu con trai.
Anh kể, lần đó cô giáo cho bài toán vừa gà vừa chó 36 con, tổng số 100 chân, tìm số gà, số chó. Thấy cậu con trai lúng túng cách giải, ông bố hướng dẫn con sử dụng sơ đồ minh họa (của tiểu học). Cậu bé rất phấn khởi với cách giải của bố vừa nhanh vừa dễ hiểu hơn của cô giáo.
Nhưng trưa hôm sau đi học về, thái độ của Bin (con trai anh) thay đổi hẳn. Cậu bé nhăn nhó nói bố chỉ con làm bài sai, cô giáo không cho điểm cách làm này. Cô nói là con phải làm như cách cô đã dạy là “giả sử chó chỉ có 2 chân…”. Từ “tai nạn” đó, niềm tin của cậu con trai vào ông bố bị suy giảm rõ rệt.
Theo một số phụ huynh, vấn nạn giáo viên bắt trò làm theo “khuôn” của thầy cô là có thực trong nhiều trường từ tiểu học đến phổ thông. Giáo viên không chấp nhận cho học sinh làm khác với điều thầy cô đã dạy. “Giờ tôi mới hiểu tại sao đứa cháu ruột ở nhà bị điểm 2 bài tập làm văn tả bà em với hình ảnh bà nội 65 tuổi tóc nhuộm màu hạt dẻ, hàng ngày chạy xe tay ga chở cháu đi học, tối tối ra công viên khiêu vũ thể dục, thỉnh thoảng còn đi ăn ốc vỉa hè với đám cháu tuổi teen. Bà của cháu không giống với người bà mà cô yêu cầu phải tóc bạc, da mồi, miệng móm mém, đi đứng chậm chạp, tay run run”.
“Đây chính là một trong những nguyên nhân đưa đến hiện tượng học sinh, dù không muốn, cũng phải đi học thêm giáo viên dạy lớp đang học. Không thì sẽ bị đì, bị điểm kém”, một phụ huynh nick name Phương Thúy bày tỏ.
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Sỹ, giảng viên ĐH Hoa Sen, chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc, nhìn nhận việc áp đặt học sinh làm theo “đúng kiểu mẫu” của giáo viên ban đầu có thể xuất phát từ mục đích tốt là mong muốn học sinh đạt được điểm cao nếu dựa trên một cách trình bày chuẩn mực.
“Tuy nhiên, việc áp đặt học sinh cách làm bài đã vô tình tạo cho các em thói quen suy nghĩ rập khuôn, đi theo lối mòn và dần làm mất đi thói quen tư duy độc lập, sáng tạo của các em học sinh”, ông nói.
Mặt khác, thạc sĩ giáo dục – thạc sĩ toán tin Phạm Phúc Thịnh, cho rằng có một bộ phận giáo viên vì quá tự tin vào kinh nghiệm, vào những gì mình đã dạy bao nhiêu năm nên không cập nhật những thay đổi, những cách giải quyết mới cho các vấn đề đã có trong sách giáo khoa. Từ đó dẫn đến việc phủ định những cách làm bài khác “truyền thống” như trường hợp bố con anh Phan.
“Tình trạng bắt buộc học sinh làm bài theo đúng kiểu của giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra nhiều thế hệ học sinh, sinh viên có thể có điểm rất cao trong học tập nhưng lại thiếu sự linh hoạt, tính nhạy bén khi giải quyết vấn đề thực tế”, ông Thịnh nói và cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân của vấn đề cử nhân, thạc sĩ bằng giỏi nhưng lại không kiếm được việc làm mà báo chí đã đề cập trong thời gian qua.
“Ngoài ra, vì quen được định hướng suy nghĩ từ nhỏ, học sinh sẽ có thói quen suy nghĩ theo đám đông mà không tự đánh giá được vấn đề”, thạc sĩ Thịnh, hiện là giáo viên dạy toán tại một trường quốc tế ở TP HCM bày tỏ.