Mỗi bà mẹ đều có những cách riêng để giúp con ăn ngoan hơn, ngon miệng hơn. Hãy xem “bí quyết” của các mẹ là gì nhé!
Sử dụng liệu pháp tâm lý
Làm kinh doanh nên chị Hải (26 tuổi, nhân viên kinh doanh) cũng không bố trí được nhiều thời gian cho con ăn nên cuối cùng chị chọn giải pháp là: mặc kệ. Nếu bé Thỏ con chị không muốn ăn thì chị cũng không nài ép mà cứ để con thấy đói lúc nào sẽ cho ăn lúc ấy.
Hồi mới đầu “bỏ đói” con chị Hải cũng run. Nhìn con bé gầy gò mà không chịu ăn chị xót lắm, lại nghe người ta bảo có bỏ đói chưa chắc nó đã chịu ăn làm chị càng lo… “Nhưng mình hạ quyết tâm rồi, không thể ngày nào cũng mất vài tiếng đồng hồ cho con ăn được, chưa kể việc phải bế nó đi ăn rong khắp phố nữa. Nhờ trời, cuối cùng bé Thỏ nhà chị ăn uống rất ngoan, mẹ cũng không phải mất công dỗ dành gì cả (chắc Thỏ thấy mình bơ đi và bị đói vài lần nên sợ rồi!). Thế mới biết, yêu con, chăm con cũng cần “cái đầu lạnh”!”.
Khác với chị Hải, vì làm giáo viên nên chị Trâm (27 tuổi) “luyện” cho con ăn ngoan cũng bài bản hơn. Đầu tiên chị dành một buổi để đi mua một bộ đồ ăn dành riêng cho trẻ con gồm: bát, thìa, đĩa, đũa. Sau đó, chị dạy bé Chíp cách sử dụng bộ đồ ăn này.
“Đũa, bát, thìa, đĩa của người lớn thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn so với khả năng cầm nắm của tay trẻ con nên khi sử dụng, các bé tỏ ra lóng ngóng và tập trung vào việc làm sao cầm chắc được thìa, bát hơn là để ý đến việc ăn. Thế nên sau khi được chị sắm cho bộ đồ ăn riêng và dạy cách sử dụng, Chíp hào hứng lắm, cứ đòi mẹ cho ăn cơm luôn mà chẳng quấy khóc mè nheo như ngày xưa. Tất nhiên con cũng làm rơi vãi thức ăn ra nhà và làm bẩn quần áo nhưng thế còn hơn lúc trước cứ phải huy động cả nhà “diễn trò” để dỗ con ăn”, chị Trâm hồ hởi nói.
Còn anh Nam (31 tuổi, kỹ sư) lại cho biết vợ anh có một “chiêu” rất hiệu quả là trước bữa ăn “rủ rê” con trai dọn bát, sắp đũa, có hôm còn bày biện bàn ăn với mẹ. Anh quan sát thấy cậu con trai 4 tuổi của mình dù đang chơi trò gì cũng rất vui vẻ đứng lên đi dọn mâm với mẹ và sau đó sau đó ăn uống rất nhiệt tình vì: “Bát này là con lấy đấy”, “Món này con đặt lên bàn, ngon lắm bố ạ!”. Anh nghĩ chắc vì con được chuẩn bị tâm lý (được báo trước sắp đến giờ ăn cơm), hơn nữa được ăn bữa cơm có phần đóng góp của mình nên cu cậu cũng nhiệt tình hơn.
Giải quyết vấn đề bằng chính món ăn
Với những bà mẹ có tài nội trợ như chị Hạnh Chi (26 tuổi, y tá) thì chính việc thường xuyên đổi món và thay đổi cách chế biến thức ăn cho con lại là biện pháp hữu hiệu để trị chứng biếng ăn, kén ăn của bé Mèo.
Theo kinh nghiệm của chị, trẻ con ăn không ngoan, không muốn ăn nhiều, có khi không phải do thức ăn không ngon mà là vì không hợp khẩu vị hoặc ăn mãi một món nên chán. Vì thế nên phương châm của chị là ít nhất không lặp lại món cũ trong tuần, nếu sử dụng lại nguyên liệu thì cách chế biến phải khác hẳn. Ngoài ra, chị cũng cập nhật các món mới thường xuyên, kể cả món nước ngoài. Khâu trình bày món ăn cũng rất quan trọng trong việc dụ con ăn, như Mèo nhà chị rất thích ăn món nào có nhiều màu sắc.
Tự nhận không khéo tay và không thể có nhiều thời gian chăm con quá kỹ nên chị Hảo (28 tuổi, Trợ lý Giám đốc) áp dụng biện pháp không cho con ăn vặt trước bữa ăn cơm. Chị tâm sự: “Vẫn biết cho ăn nhiều bữa một ngày với lượng thức ăn ít là có lợi cho sức khỏe của trẻ con nhưng cứ ăn bim bim, sữa chua hay khoai tây chiên trước bữa ăn là y như rằng con mình không chịu ăn cơm cháo gì nữa. Thế là mình phải cấm tiệt, chỉ cho ăn vặt trước bữa chính 1 – 2 tiếng thôi, mà cũng vất vả lắm vì cháu được cả nhà chiều nên mình phải thuyết phục mãi ông bà và cả bố cháu mới chịu hợp tác”.
Và những “độc chiêu” khác
“Ở nhà mình thì theo tinh thần dân chủ, phát triển tự nhiên nên ngay từ bé, con thích gì ăn nấy, không thích cũng chẳng ép làm gì. Ông xã mình còn “quy định” tuyệt đối không được la mắng con trong bữa ăn, thêm nữa ông í cũng hay kể chuyện cười và rủ con thi ăn xem ai ăn nhiều hơn, nhanh hơn nên bữa cơm nhà mình vui lắm, không có cảnh bố mẹ hò hét, con thì khóc lóc đâu” là bí quyết của gia đình chị Trang (26 tuổi, thợ may).
Chị Loan (30 tuổi, thiết kế) khiêm tốn cho rằng cách của mình chẳng có gì cao siêu cả, chị cũng chỉ làm như các bà mẹ khác là không cho con xem ti vi trong lúc ăn, dỗ con là ăn cơm mới không bị tiêm và “có sức khỏe để bảo vệ mẹ không bị ai bắt nạt”. Bên cạnh đó, chị cũng luôn khen ngợi, khích lệ nếu con ăn ngoan. Thỉnh thoảng chị cũng tặng cho con một món quà nho nhỏ kèm lời cám ơn vì “đã ăn hết món ăn mẹ nấu”. Chị cho biết bé Mic nhà chị thích được mẹ cám ơn lắm nên dạo này rất ngoan trong việc ăn uống, không kén ăn như trước nữa.