Mẹ Yêu Con ORG

Mẹ tròn - Con vuông

  • Home
  • Mẹ mang thai
  • Chăm sóc bé
  • Giáo dục trẻ
  • Góc tư vấn
  • Sức Khỏe Phụ Nữ
  • Làm đẹp
  • Tin tức

Rèn con ngủ “kiểu Mỹ”

Tắt điện, đặt con xuống cũi, hôn lên trán chúc con ngủ ngon, chị Diệp vừa quay đi thì nghe bé gào khóc. Người mẹ trẻ chạy ra phòng khách, nước mắt rơi lã chã. 15 phút sau, con vẫn nức nở, chị muốn chạy vào ôm con, nhưng cố kiềm lại.

Chị Bích Diệp (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) cho biết, mấy tháng mới sinh, con trai chị hay gắt ngủ, bố mẹ phải thay phiên nhau bế đu đưa từ tầng 1 lên tầng 4 vài lần mới yên. Chị Diệp lên mạng tìm hiểu thì biết có phương pháp luyện con tự ngủ của Mỹ và quyết tâm áp dụng.

Một tuần đầu rèn con theo cách này, nhiều lần chị định bỏ cuộc vì quá sốt ruột, xót xa khi nghe bé khóc. “Lần đầu con khóc ròng rã suốt 30 phút, sau đó lả đi và ngủ. Mình thì cả đêm không chợp mắt được vì thương con. Con nằm cũi đặt ở góc phòng, một đêm bao lần muốn nhào đến bế con lên”, chị Diệp kể.

Sau khoảng 2 tuần kiên trì để tự ngủ, không ru, không bế quanh nhà… bé trai của chị dần vào nếp, thời gian con khóc giảm từ 30 phút xuống 20 phút, rồi 10, rồi 5 phút… Hiện bé đã 9 tháng và có thể ngủ từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng, chỉ dậy giữa đêm một lần uống sữa.

Rèn con tự ngủ – sleep training khá phổ biến tại Mỹ và một số nước phương Tây. Tốt nhất là áp dụng khi các bé 8-10 tuần. Phương pháp này gồm hai cách. Thứ nhất là “crying it out” tức là cứ để trẻ khóc (trong vòng kiểm soát của bố mẹ), khi khóc chán trẻ sẽ tự ngủ. Thường, lúc mới tập, trẻ sẽ gào khóc nhiều, thậm chí lả đi, nhưng về sau thời gian khóc sẽ ngắn lại. Ưu điểm của cách này là trẻ sẽ học cách tự đi vào giấc ngủ nhanh, thường mất khoảng 1-2 tuần. Nhưng bố mẹ phải đủ kiên nhẫn và cứng rắn mới có thể áp dụng.

bengu2

Cách thứ 2 gọi là “No tears”, nhẹ nhàng hơn nhưng đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn. Lúc đầu, mẹ vẫn bế cho đến khi con buồn ngủ thì đặt xuống giường hoặc cũi. Nếu đặt xuống mà con khóc thì lại bế lên, đợi con lim dim rồi lại đặt xuống… cứ như vậy cho tới khi bé tự ngủ tiếp thì thôi. Với cách này, thời gian bé khóc sẽ ngày càng ngắn đi. Khi bé thức giấc giữa đêm cũng không bế lên mà chỉ tới vỗ về.

Học kinh nghiệm từ một cô bạn người nước ngoài làm cùng dự án, từ lúc con gần 3 tháng tuổi, chị Hiền (khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính) bắt đầu thực hiện cách rèn con tự ngủ. Tầm 8 giờ tối, chị cho con uống sữa lượng vừa phải, sau đó đưa bé vào phòng, tắt hết đèn tuýp, chỉ để đèn ngủ mờ, bật những bản nhạc không lời chị hay nghe, cho con nằm vào cũi, một tay giữ cho con nằm yên, một tay vỗ nhẹ lưng bé. Mấy buổi đầu, con không nghe, gào lên đòi được bế. Mẹ kiên trì, không đáp ứng mà vẫn dùng tay vỗ về, thỉnh thoảng áp đầu vào má con thủ thỉ dỗ dành. Nếu thấy con khóc đổ nhiều mồ hôi thì lấy khăn sữa lau qua cho bé. Bé khóc đến khi mệt, nức nở một lúc rồi tự ngủ.

“Hôm đầu tiên con khóc tới 20 phút. Chồng chốc chốc lại vào nhìn nhưng không dám nói gì (vì mình đã thỏa thuận trước rồi). Hôm thứ hai con vẫn gào khóc rồi ho và trớ ra. Mẹ phải bế dậy, thay đồ rồi bắt đầu lại. Dần dần, thời gian khóc giảm xuống. Bây giờ, cứ tắt đèn, đặt vào cũi là con biết mình cần ngủ. Giữa đêm bé dậy một lần uống sữa sau đó ngủ tiếp đến sáng”, chị Hiền kể về cô con gái 7 tháng tuổi.

Theo chị Hiền, cách làm thì rất đơn giản, nhưng trong khoảng thời gian thực hiện, chị vô cùng căng thẳng. “May mắn là ông xã hiểu và động viên mình rất nhiều. Hai vợ chồng cũng đã thấm cảnh mất ngủ, mệt mỏi vì nếp ngủ xấu của nhóc đầu nên quyết tâm rèn bé thứ”, chị bộc bạch.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công khi áp dụng cách rèn con ngủ này.

Chị Ngọc Trâm (phố Nguyễn Đổng Chi, Hà Nội) cho biết, ngay khi có bầu, vợ chồng chị đã thống nhất sẽ cho con ngủ riêng từ nhỏ và tạo cho bé thói quen tự ngủ. Anh xã chị còn đặt làm riêng một chiếc cũi cho con, kê trong góc phòng bố mẹ. Tháng đầu tiên, bà nội ở cùng để chăm hai mẹ con, bé ngày ngủ đêm thức, bà và mẹ phải thay nhau bế nên cũi để không. Tháng thứ hai và thứ ba, bà đã về quê, nhưng đêm bé hay ti mẹ, trời lại lạnh, chị Trâm để con nằm cùng giường cho tiện.

Lúc con 4 tháng, ngày đi làm đã mệt, tối về lại phải ru, dỗ con ngủ và đêm trở dậy liên tục mỗi lần con trở mình, đòi ăn, khóc, chị Trâm quyết sử dụng cách rèn con tự ngủ. Thế nhưng, từ thời gian này bé liên tục bị ốm nên kế hoạch lại đổ bể.

“Giờ cu cậu tuổi rưỡi rồi, tối nào cũng vẫn phải cho ti, ru một hồi mới ngủ, đêm thì vài lần dậy. Cũi bán đi rồi”, chị Trâm than.

Chị Minh (Mễ Trì Thượng, Hà Nội) cũng “phá sản” kế hoạch rèn con vào nếp tự ngủ vì ngay mấy hôm đầu, con mới khóc vài phút mẹ không bế lên, bà nội đã chạy xộc vào phòng ôm cháu rồi mắng con dâu “lười”, “hành hạ con”… “Nghe ông bà chì chiết còn stress hơn dỗ con, thức đêm nên quyết định không rèn giũa gì nữa”, chị Minh kể.

Bà Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý Hồn Việt (TP HCM) cho biết, không chỉ Mỹ, ở các nước phương Tây, các bố mẹ hầu hết đều cho con ngủ riêng từ nhỏ và rèn cho trẻ thói quen tự ngủ. Lý do là, họ coi trọng giá trị cá nhân, của cả trẻ và người lớn. Người phương Tây không muốn để trẻ nhìn thấy cảnh giường chiếu của người lớn. Sự có mặt của em bé cũng ảnh hưởng tới không khí riêng tư của bố mẹ. Và quan trọng nhất, việc ngủ riêng, tự ngủ dạy trẻ biết tự lập. Họ cho rằng, trẻ phải học cách đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình ngay từ lúc còn nhỏ và tự vượt qua. Ban đầu trẻ có thể phản ứng bằng cách khóc lóc, nhưng sau đó chúng sẽ học cách chế ngự nỗi sợ và thích nghi.

Theo bà, việc cho con ngủ riêng hay chung, tự ngủ hay phải ru dỗ, là do bối cảnh văn hóa, kinh tế cũng như thói quen, cách giáo dục của mỗi gia đình, mỗi nền văn hóa. Mỗi phương pháp đều có một giá trị riêng. Trẻ Tây học cách tự lập từ nhỏ, và lớn lên, chúng sống cho bản thân, mối liên kết với gia đình không bền chặt. Chúng có thể đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì mình muốn, không cần quá bận tâm đến việc bố mẹ có buồn không. Trẻ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng lớn lên trong bầu không khí gia đình, việc “quấn hơi mẹ” có thể cũng gây phiền, nhưng sợi dây gắn kết vô cùng bền chặt, bà Tâm chia sẻ.

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết thực tế, rèn con tự ngủ theo phương pháp của người Mỹ như trên áp dụng ở Việt Nam không đơn giản. Do thói quen, điều kiện kinh tế, văn hóa, truyền thống gia đình.

Theo ông, phương pháp này sẽ có tác dụng tốt khi tất cả các thành viên trong gia đình, từ bố mẹ, ông bà đều thống nhất và thực hiện đến cùng; có đủ tiện nghi để đảm bảo an toàn cho con và bố mẹ vẫn chăm sóc được khi con cần dù không ngủ cùng; những người xung quanh (như hàng xóm chẳng hạn) hiểu và không sang phàn nàn, góp ý…

Ngược lại, nếu chỉ thực hiện nửa vời, không tính tới các yếu tố như sức khỏe của con (trẻ còi xương, nhẹ nhân, hay ốm, hay nôn trớ…) hoặc tác động từ những người xung quanh… thì có thể kéo theo nhiều hệ lụy, gây căng thẳng.

Theo lý thuyết, đúng là trẻ khóc mãi rồi sẽ nín, nhưng để trẻ khóc mãi mà không dỗ có thể khiến nỗi lo hãi đeo đẳng mãi tâm trí chúng, chứ chưa hẳn giúp bé học cách vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.

Theo ông Chuẩn, khi “nhập khẩu” các kiến thức về nuôi dạy, chăm sóc con ở các nước khác về, phụ huynh cần phải tính đến yếu tố Việt hóa, áp dụng sao cho phù hợp với gia đình mình. Việc ru dỗ con cũng có cái tốt, có thể làm trẻ thụ động một chút nhưng lại gắn bó với bố mẹ hơn.

Meyeucon.org - 24/11/2016
★★★★★★
Chia sẻ
Có thể bạn quan tâm: Cách nuôi dạy con trẻ , Giáo dục trẻ em , Làm cha mẹ , Tâm lý trẻ em

Bài viết liên quan

  • 5 cách ‘nói’ bố mẹ yêu con
  • Để trẻ không còn thấy tò mò về những “cảnh nóng” trên phim
  • Để trẻ thấy hạnh phúc khi biết quan tâm và chia sẻ với mọi người
  • Bí quyết để “đối phó” với trẻ bướng bỉnh
  • Giúp con vững bước thành công

Ý kiến của bạn Hủy

X

Vui lòng điền thông tin chính xác, để nhận được câu trả lời 1 cách nhanh nhất!

Sự phát triển của trẻ
Theo tháng:

Bài viết đọc nhiều

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

[Giải đáp] Mẹ bầu thừa sắt có sao không?

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ qua sữa mẹ

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng biếng ăn – mẹ đã biết chưa?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Trẻ 8 tháng biếng ăn phải làm sao?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Thiếu sắt ở mẹ bầu có làm thai nhi bị ảnh hưởng?

Trang chuyên thông tin về sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc cho Mẹ, bé & Gia đình.

Thông tin và điều khoản
  • Chính sách biên tập và chỉnh sửa
  • Chính sách bảo mật thông tin
  • Chính sách quảng cáo và tài trợ
  • Tiêu chuẩn cộng đồng
Link liên kết
  • Chuyên mục chăm sóc bé
  • Chuyên mục mẹ mang thai
  • Chuyên mục sức khỏe phụ nữ
  • Chuyên mục làm đẹp

Mọi thông tin trên trang chỉ mang tính chất tham khảo và bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.

Xem đầy đủ về thông tin “Miễn trừ trách nhiệm tại đây!”

Copyright © 2017 Meyeucon.org. All rights reserved. by Caia.vn