Một số thói quen tốt học được ở nhà trường sẽ trở thành kỹ năng sống cần thiết cho cuộc sống sau này của trẻ khi trưởng thành.
1. Biết sắp xếp
Cặp sách bị “quá tải” và vượt quá trọng lượng có thể mang vác của trẻ nhiều khi là do trẻ hay nhét nhiều thứ linh tinh và mang thừa sách vở so với thời khóa biểu.
Những ngày đầu đến trường, cha mẹ có thể sắp xếp cặp xách thay cho con nhưng dần dần về sau, hãy hướng dẫn trẻ cách tự sắp xếp để cặp sách luôn gọn gàng, sạch sẽ và chỉ đựng những thứ cần thiết. Đối với sách vở, dù trẻ chưa biết đọc nhưng vẫn phân biệt được sách, vở nào của môn gì bằng các hình vẽ và ký hiệu.
Chú ý nên luyện cho con thói quen chuẩn bị sách vở ngay từ tối hôm trước để sáng hôm sau không bị cuống và muộn giờ học.
2. Kiên trì
Khi đi học tiểu học, trẻ sẽ “vấp” phải một số “khó khăn” đòi hỏi thời gian dài mới vượt qua được như: học đọc, học viết, làm văn, giải toán, học thuộc lòng… Cha mẹ hãy luôn ở bên cạnh và động viên trẻ trong giai đoạn này, đồng thời là một người đồng hành mẫn cán giúp trẻ hiểu được có những việc cần đến lòng kiên trì và sự tích lũy dần dần từ ngày này qua ngày khác mới thành công được.
3. Kỹ năng trình bày
Ngay từ cấp học Tiểu học, bố mẹ có thể theo dõi việc học ở lớp của con thông qua việc trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và sổ liên lạc. Nhưng đừng chỉ phụ thuộc vào cách này mà theo các chuyên gia tâm lý, tốt nhất mỗi ngày cha mẹ hãy hỏi con mình về một ngày học ở trường đã diễn ra như thế nào, cô giáo có dặn dò gì không, có môn học nào mới không, có sự kiện gì đặc biệt ở trường, lớp không?
Làm như vậy, cha mẹ không chỉ giúp con ôn lại một lần nữa những điều cô giáo dặn mà còn rèn luyện cho con cách trình bày một sự việc từ đầu đến cuối để người nghe có thể hiểu được.
Ngoài ra, đây còn là một cách rất hay để cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn nữa (tất nhiên khi hỏi con, cha mẹ cũng cần nhớ đừng biến cuộc trò chuyện thành buổi hỏi cung).
4. Tôn trọng người khác
Khi đến trường, trẻ được sống trong tập thể và buộc phải quen dần với với hoàn cảnh mới mà trong đó mình không phải là duy nhất, được cưng chiều nhất.
Ngoài ra, trẻ cũng được dạy về sự lễ phép với người lớn, ra vào lớp phải xin phép, gặp thầy cô giáo phải chào, khi nói chuyện với thầy cô cũng phải thưa gửi đàng hoàng… Điều này có tác dụng rất tốt đến tâm tính của trẻ, khiến một số trẻ trở nên ngoan hơn, về nhà có thói quen chào hỏi và biết lễ phép với người lớn hơn.
5. Sự tập trung
Nghe giảng, làm bài tập, một số hoạt động ngoài trời tại trường học đòi hỏi trẻ phải có độ tập trung nhất định. Thông thường, sau một thời gian, phần lớn các trẻ đến trường đều dần thích nghi với đòi hỏi này khá tốt. Một số trẻ khác hiếu động hơn thường khó tập trung trong giờ học hơn, nếu có sự phối hợp giữa cô giáo và phụ huynh thì có thể cải thiện được tình hình.
6. Tư thế đứng thẳng
Ngay từ tiểu học, các em học sinh đã được dạy phải thẳng lưng khi ngồi vào bàn học bài hay đứng xếp hàng ngoài sân trường. Tư thế này qua thời gian dài được rèn luyện dưới sự nhắc nhở của thầy cô và bố mẹ sẽ trở thành thói quen tốt theo trẻ đến tận khi trưởng thành.