Nôn trớ ở bé có thể do dị ứng sữa, hẹp môn vị, viêm dạ dày…
Nôn trớ kèm tiêu chảy, sốt nhẹ
Nguyên nhân có thể là: Chứng viêm dạ dày – một trong những bệnh dạ dày phổ biến ở bé 6-24 tháng tuổi (hoặc ở mọi lứa tuổi). Viêm dạ dày có thể gây ra bởi virus rota, bé dễ bị lây từ những bé khác. Theo thống kê, có đến 4/5 số bé bị nhiễm virus rota dưới tuổi lên 5.
Các triệu chứng tiêu chảy, nôn kéo dài 1-2 ngày hoặc lâu hơn (3-5 ngày). Trường hợp nặng, bé phải nhập viện vì sốt và mất nước do tiêu chảy.
Sau khi bé đã ngừng nôn trớ, có thể cho bé một thìa cafe sữa khoảng vài phút một lần, trong một tiếng đồng hồ. Thực phẩm lỏng và nước bù điện giải cũng tốt cho bé bị tiêu chảy gây mất nước.
Nên đưa đi khám nếu bé tiêu chảy nặng, kéo dài, bé bị mất nước (khô lưỡi hoặc môi, tiểu ít, thóp trũng).
Nôn trớ ngay sau khi bú mẹ hoặc bú bình
Nguyên nhân có thể là: Hẹp môn vị – Cơ van giữa dạ dày và ruột dày lên. Thông thường, van này có độ rộng tương đương một cây bút chí nhưng khi cơ van này dày lên thì nó sẽ bị hẹp lại. Hẹp môn vị còn có thể khiến bé bị nôn thành vòi rồng.
Nếu bé sơ sinh nôn ngay sau khi bú, bạn nên đưa con đi khám sớm. Bác sĩ sẽ kiểm tra cho bé và bé có thể được phẫu thuật đơn giản để mở rộng cơ van này. Thường sau 2 ngày phẫu thuật, bé có thể trở về nhà.
Nôn trớ kèm phát ban
Nguyên nhân có thể là: Nếu bé nôn nhiều lần sau khi ăn, kèm nổi ban quanh miệng, cổ, sau đầu gối hoặc khuỷu tay, bé có thể bị dị ứng với sữa công thức hoặc thực phẩm như dâu tây, chocolate, lạc…
Cho bé đi khám ngay nếu bé khó thở, sưng miệng. Một phẩn ứng dị ứng nặng có thể khiến bé tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Để giảm nguy cơ dị ứng, bạn nên cho con ăn dặm khi bé được 6 tháng. Chờ cho đến khi bé đủ một tuổi mới cho ăn sữa bò. Có thể hỏi bác sĩ về thời gian bé tập ăn các món nhất định. Khi cho bé ăn một món mới, nên kiểm tra phản ứng trong vài ngày rồi mới cho ăn món mới khác.
Nôn kèm máu
Nguyên nhân có thể do: Bất ổn ở dạ dày, như nhiễm khuẩn dạ dày khiến các mạch máu ở đó bị vỡ hoặc các mô trong dạ dày bị tổn thương do bé phải nôn gắng sức.
Cần cho bé đi khám ngay nếu bé bị nôn kèm máu. Không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào cho con.
Nôn ra dịch vàng xanh
Nguyên nhân có thể do: Dịch vàng xanh có thể do mật, gan bài tiết hoặc do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, nghẽn phân su hoặc xoắn ruột.
Ở trường hợp này, bạn cần đưa con đi khám ngay vì nôn ra dịch vàng xanh là một trường hợp khẩn cấp. Bé có thể cần được phẫu thuật để khắc phục sự cố.
Nôn kèm sốt, gào hét thường xuyên (với bé nhỏ) hoặc cứng cổ (với bé lớn hơn)
Nguyên nhân có thể do: Vi khuẩn viêm màng não, nhiễm trùng não. Nên cho bé tiêm phòng Hib để ngăn ngừa viêm màng não.
Nên cho bé đi khám ngay nếu bé nôn, sốt, dễ bị kích thích hoặc bé nôn kèm cứng cổ, đau đầu.
Nôn, kèm đau bụng nghiêm trọng
Nguyên nhân có thể do: Viêm ruột thừa (phổ biến hơn ở bé trên 10 tuổi). Ban đầu, bé bị đau nhẹ quanh rốn. Sau đó, cơn đau di chuyển đến dưới bên phải của bụng. Nếu không được cấp cứu, ruột thừa sẽ bị vỡ khiến chất độc lan khắp khoang bụng, gây tử vong.