Để thuốc sai vị trí, dùng thuốc quá liều, vội vã cho con uống thuốc hạ sốt, không hiểu rõ đơn thuốc… là những lỗi mẹ hay mắc phải khi cho con uống thuốc. Thuốc uống của trẻ em không nên dùng tùy tiện mà cần phải dùng đúng liều lượng theo chỉ dẫn. Đặc biệt, với những loại thuốc nước, siro, cần phải đong liều lượng bằng thìa, cốc của nhà sản xuất đi kèm theo với thuốc, không được dùng thìa ăn hàng ngày hoặc bất kì loại thìa, cốc nào khác.
Vội vã cho con uống thuốc hạ sốt
Rất ít người biết rằng khi cơ thể phát nhiệt (sốt) ở nhiệt độ phù hợp có tác dụng hỗ trợ cho hệ miễn dịch. Vì vậy, khi thấy con sốt, trước hết bạn nên ưu tiên biện pháp vật lí trước (như lau rửa người bằng nước ấm, mặc thoáng) để bé cảm thấy thoải mái hơn.
Đừng vội vã cho con uống thuốc hạ sốt ngay, khi nhiệt độ cơ thể bé lên quá 38 độ C thì mẹ mới nên cho con uống thuốc.
Sử dụng thuốc dị ứng không đúng cách
Các thuốc dị ứng có cách sử dụng và thời gian điều trị khác nhau, có thuốc nhìn thấy công hiệu sau vài giờ, nhưng cũng có loại thuốc phải sau vài ngày, thậm chí vài tuần mới hoàn toàn kháng bệnh thành công. Lại có một số loại thuốc gây ra các phản ứng phụ trong một vài trường hợp khi không được dùng đúng liều lượng. Vì vậy, đối với trẻ nhỏ, khi bị dị ứng dù xuất phát từ nguyên nhân nào (do thời tiết, thực phẩm, hóa chất…) cũng phải được bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc, không cho bé uống thuốc dị ứng của người lớn.
Không hiểu rõ đơn thuốc
Nhiều bà mẹ sau khi cầm đơn thuốc của bác sĩ là cứ yên tâm ra về mà không hỏi rõ một số chi tiết liên quan đến việc uống thuốc. Cũng có trường hợp bà mẹ không đọc kỹ hướng dẫn của bác sĩ đã cho con uống thuốc. Những lỗi như thế này tuy nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả trị bệnh của thuốc và có thể kéo dài thời gian uống thuốc của bé.
Khi cho con đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc, ngoài liều lượng thuốc đã được ghi trong đơn, các mẹ nên hỏi rõ một số vấn đề như: Thời gian cho con uống thuốc là trước, trong hay sau bữa ăn? Có cần kiêng loại thực phẩm nào không? Nên ăn gì để có tác dụng hỗ trợ hiệu quả cho thuốc?…
Một điều cần ghi nhớ là để trị tận gốc mầm bệnh và tránh nhờn thuốc, các mẹ cần cho bé uống thuốc đủ liều dù các biểu hiện bệnh đã chấm dứt, không nên tự ý cho con ngừng uống thuốc trước thời hạn bác sĩ kê trong đơn.
Để thuốc không đúng vị trí
Không phải ngẫu nhiên mà trên bao bì của rất nhiều loại thuốc lại nhấn mạnh “Để xa tầm tay với của trẻ em” trong phần hướng dẫn sử dụng, bởi trên thực tế không thiếu trường hợp các bé phải nhập viện do người lớn bất cẩn để thuốc ở nơi bé có thể lấy được nên các bé cho vào miệng nhai, nuốt vì tưởng đó là kẹo, hoặc vì muốn bắt chước người lớn uống thuốc.
Để phòng tránh trường hợp này, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt quy định phải cất thuốc vào tủ đựng thuốc gia đình được treo cao ngang tầm với của người lớn. Nếu không may bé uống nhầm thuốc, bạn cần nhanh chóng sơ cứu tại nhà rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành rửa ruột và thực hiện các biện pháp y tế khác.
Sử dụng đơn thuốc “truyền miệng”
Không thiếu các bà mẹ trị bệnh cho con, đặc biệt là các bệnh được xếp vào hàng “lặt vặt” như ho, sổ mũi, nghẹt mũi… bằng các đơn thuốc và phương pháp tìm được trên Internet, hoặc qua kinh nghiệm trị bệnh của các bà mẹ khác hay sử dụng luôn đơn thuốc của bé khác có biểu hiện bệnh tương tự con mình.
Cách làm này rất nguy hiểm vì rất có thể các mẹ chẩn bệnh không đúng do nhiều bệnh có một số biểu hiện bên ngoài giống nhau hoặc cho con uống thừa, thiếu liều lượng thuốc so với tình trạng bệnh.