Theo bác sĩ Lê Phương, các bé bị rối loạn tiêu hóa cần phải có một chế độ ăn đặc biệt…
Cháu chào bác sỹ, bé nhà cháu năm nay 18 tháng mà cân nặng chỉ được 10kg. Nhìn bên ngoài thì bé không đến nỗi còi lắm nhưng cân nặng rất ít. 18 tháng nhưng cháu đã ăn được cơm, tuy nhiên không ăn được nhiều.
Hàng ngày em có cho bé ăn thành 7 bữa: 5 bữa ở trường (3 chính + 2 phụ) + 1 bữa buổi tối ăn cơm + 150 – 180ml sữa trước khi đi ngủ.
Hệ tiêu hoá của bé không được tốt lắm, ăn thứ gì lạ là bị tiêu chảy ngay. Bác sỹ có thể tư vấn cho cháu về chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là tăng cường sức đề kháng cho bé. Em cảm ơn bác sỹ nhiều. (Le Thi Thuy – thithuy…@nagase.com.vn)
Trả lời:
Chào bạn!
Bạn không nêu rõ cháu là bé trai hay gái. Nếu là bé gái thì cân nặng của bé là ở giới hạn bình thường, nhưng ở ngưỡng dưới. Nếu là bé trai thì hơi nhẹ cân so với tiêu chuẩn. Vấn đề cần giải quyết là hệ tiêu hóa của bé không được tốt, bạn nên cải thiện sớm để bé có 1 hệ tiêu hóa khỏe mạnh, như vậy bé mới tăng cân tốt được.
Trường hợp của bé nhà bạn, mỗi lần cho con ăn món mới, lạ bạn nên cẩn trọng. Lý do là hệ tiêu hóa non nớt của trẻ rất nhạy cảm, dễ phản ứng và có thể khiến trẻ bị dị ứng với thức ăn, gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là với những bé có cơ địa yếu dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón.. ).
Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài thì sức đề kháng sẽ giảm, dễ biếng ăn, chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bé như sau:
– Đảm bảo chất lượng bữa ăn của trẻ. Phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất.
– Chế biến thức ăn phù hợp với độ tuổi của trẻ. Không cho trẻ ăn thức ăn cần phải nhai khi trẻ chưa có đủ răng, vì động tác nuốt mà chưa nhai kỹ làm cho hệ tiêu hóa dưới phải làm việc nhiều và nặng hơn, có thể làm giảm sự tiết men và giảm cả nhu động ruột.
– Đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn, sữa… để tế bào ruột sinh sản và phát triển khỏe mạnh (chất đạm, vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, vitamin A…) để tiêu hóa và hấp thu tốt.
– Điều trị bệnh triệt để khi trẻ mắc bệnh và phòng ngừa bệnh chủ động bằng tiêm chủng. Đặc biệt, cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị bệnh: không ép trẻ ăn khi bệnh mà chỉ cho ăn tối đa số lượng trẻ có thể chấp nhận được. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và nhuyễn hơn, dễ nuốt và dễ tiêu. Cho trẻ ăn phục hồi sau giai đoạn bệnh.
Chúc bé mạnh khỏe và mau lớn!