Đôi khi, tôi dạy bé giơ ngón tay như mẹ, đôi khi tôi cho bé ra đường và chỉ ‘một xe máy, 2 xe máy…’, ‘một ô tô’, ‘một xe đạp’… Ngoài vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho bé, bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thông minh, nhanh nhẹn và tôi cũng vậy. Vì mới làm mẹ lần đầu nên tôi thường hay học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ, các chị cùng cơ quan cũng chịu khó đọc qua sách báo.
Với tôi, muốn con thông minh, trước hết con phải khoẻ và được chăm sóc bằng những thực phẩm đảm bảo, giàu dinh dưỡng, không nhất thiết phải là đồ đắt tiền. Theo từng giai đoạn tuổi của con, tôi tham khảo thông tin xem con mình nên ăn và không được ăn những thứ gì, những thứ đó nên chế biến như thế nào và ăn với liều lượng ra sao… Dù bận nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để chuẩn bị đồ ăn cho con. Tôi nghĩ như vậy mình sẽ biết được bé thích ăn gì và phản ứng như thế nào với từng loại đồ ăn. Từ đó, tôi có thể xây dựng được thực đơn phù hợp với con mình.
Chắc hẳn bạn đã nhiều lần gặp trường hợp nhận được những lời khuyên “theo kinh nghiệm các cụ để lại” về việc con ăn gì để thông minh, không hay bị trớ hay nhanh khỏi bệnh… Những lúc như thế, tôi ghi nhận nhưng không vội làm luôn mà sẽ hỏi lại nhiều người có kinh nghiệm, tham khảo thêm ý kiến, sự tư vấn của bác sĩ để đưa ra quyết định đúng đắn.
Ngay từ khi con còn nhỏ, tôi rất hay trò chuyện với bé về mọi chủ đề, bất kể khi nào bé thức. Nhiều khi quá bí từ ngữ, tôi chuyển sang hát và thật hạnh phúc khi tôi nghe được con cũng “ậm ừ” theo mình. Khi dạy con học nói, tôi hay bắt đầu bằng các nguyên âm “a, o, u, e,i” và kết hợp các từ này với các chữ cái khác, ví dụ như: ba, xa, la, ta, bo, no, bu, tu, em, đi… Tôi cũng hay đọc truyện cho bé những khi bé thức hay khi ru bé ngủ. Như vậy, bé vừa cảm nhận được giọng điệu của mẹ, vừa học nói.
Khi con lớn hơn, bắt đầu nhận biết được đồ vật, trò hai mẹ con tôi hay chơi là tìm đồ. Tôi hay hỏi bé đây là con vật gì, nó màu gì và con lấy cho mẹ xin con này, vật kia. Tất nhiên, ban đầu gần như bé chỉ ngồi quan sát và tôi vừa hỏi, vừa trả lời. Sau một thời gian kiên trì, bây giờ tôi chỉ cần nói là “Kiến cho mẹ xin em vịt màu vàng của con” là con sẽ đi lấy vịt vàng mang cho tôi.
Để dạy con học đếm, tôi thường hay tự đọc to cho bé nghe nhiều lần từ số một đến số 10. Tôi cố gắng chú ý đến giọng điệu của mình để bé chú ý và thường giơ các ngón tay của mình để đếm theo. Đôi khi, tôi dạy bé giơ ngón tay như mẹ, đôi khi tôi cho bé ra đường và chỉ “một xe máy, 2 xe máy…”, “một ô tô”, “một xe đạp”… Có thể bé sẽ vừa biết đếm số vừa biết được đây là xe máy, xe đạp hay ô tô. Tôi thấy kiểu chơi và học trực quan sinh động như vậy khá hiệu quả. Bé nhà tôi giờ có thể giơ các ngón tay theo số đếm của mẹ.