Vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm kèm theo những cơn mưa dài khiến bé dễ bị hăm tã hơn vì làn da trẻ sơ sinh vốn dĩ rất nhạy cảm. Hăm tã tuy không nghiêm trọng và cũng khá phổ biến nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé trong giai đoạn đầu đời.
Mẹ cần chú ý điều gì?
Bé sẽ không thể nói cho mẹ biết mình đang bị khó chịu hay đau rát thế nào khi xảy ra tình trạng hăm tã nên mẹ phải chú ý quan sát biểu hiện trên làn da mỏng manh ấy hay thái độ hằng ngày của bé. Triệu chứng thường gặp là vùng da quấn tã sẽ tấy đỏ kèm theo mùi khai. Thông thường hăm tã có 5 cấp độ, bắt đầu từ những vết ửng đỏ, căng da (tập trung nhiều ở vùng xung quanh hậu môn) sau đó các vết đỏ đậm hơn làm bé đau rát, đến khi mẹ phát hiện thì da bé cũng đang ở cấp độ 3 của bệnh hăm tã.
Hăm tã là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh dưới 24 tháng tuổi, bé sẽ tỏ ra khó chịu, quấy khóc do đau rát, thậm chí cáu gắt suốt ngày. Nghiêm trọng hơn khi bé cảm thấy không thoải mái sẽ bỏ ăn hay mất ngủ, vừa ảnh hưởng đến tâm lí và sức khoẻ của bé, vừa khiến gia đình nhọc công chăm sóc hơn.
Chị Nguyễn Thị Hoa Trang (Quận Tân Bình) cho biết: “Cu Bin nhà mình hay bị hăm tã lắm, nhất là vào lúc thời tiết nóng và ẩm thế này. Lúc đầu mình nghĩ là con bị đỏ da do quấn tã hoặc bị rôm sảy nên đã bôi phấn rôm để con dễ chịu hơn nhưng tình hình cũng không khá hơn là bao. Mình cũng có gắng vệ sinh cho con và dùng một số loại thuốc bôi để chữa, tuy nhiên bé cú bị đi bị lại vài lần. Mình nghĩ là cách chữa trị của mình chưa thực sự hiệu quả và kể cả cách phòng chống cũng chưa tốt vì đã không hiểu rõ hết nguyên nhân và biểu hiện của hăm tã”.
Vì sao bé lại bị hăm tã?
Bé bị hăm tã do chịu những tác nhân bên ngoài tác động, làn da bé lại quá non nớt cũng như các cơ chế tự bảo vệ còn quá non yếu nên không thế chống chọi lại được. Cụ thể là:
– Các enzyme trong nước tiểu và phân ứ đọng trong tã lót có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và kích ứng da bé khiến bề mặt da bé bị tổn thương và dẫn đến hăm tã.
– Chất lượng tã không tốt, thô ráp làm tăng sự ma sát với làn da mong manh, gây trầy xướt, mẫn đỏ và làm tổn thương da bé.
– Quấn tã quá chặt và quên thay tã trong nhiều giờ là lỗi thường gặp nhất ở các bậc cha mẹ, điều này khiến da bé bị bí hơi, không thông thoáng và kéo dài sự tiếp xúc trực tiếp của da bé với tác nhân gây kích ứng, khiến hăm tã càng trở nặng hơn.
– Bôi phấn rôm ngay sau khi tắm làm bít lỗ chân lông, tăng thêm tình trạng hăm tã.
Nếu không xử lý kịp thời, bệnh dễ dẫn đến nhiễm khuẩn và bội nhiễm, gây khó khăn trong việc điều trị.
Tránh hăm tã thế nào là hiệu quả?
Hăm tã không phải là một khái niệm xa lạ với các bậc cha mẹ, không quá khó khăn để chữa trị nhưng chỉ cần để tâm một chút, mẹ có thể giúp bé yêu tránh khỏi những khó chịu dai dẳng trong giai đoạn đầu đời. Mẹ hãy ghi nhớ hướng dẫn dưới đây của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa Dịch vụ 1, Bệnh viện Nhi đồng 2.
– Dùng tã giấy chất liệu tốt, bề mặt thông thoáng, kích cỡ vừa vặn với cơ thể bé.
– Thay tã thường xuyên, trung bình 2-3 giờ/lần và không để lâu hơn 6 giờ.
– Dùng khăn bông thấm nước ấm lau sạch vùng da quấn tã sau khi bé đi vệ sinh và để da bé thông thoáng vài phút ngoài không khí trước khi quấn tã.
– Sử dụng thuốc mỡ chống hăm lành tính cho da bé cho mỗi lần thay tã.