Những năm gần đây khi các điều kiện về thông tin đã trở nên tốt hơn trước rất nhiều, các bà mẹ Việt đã được tiếp xúc với bể kiến thức mênh mông mà nhân loại đã áp dụng: nuôi con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Pháp, Trung Quốc… Nhật, quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng và cũng là nơi đang có ngày càng nhiều người Việt đến học tập và sinh sống, có những triết lý và bí quyết riêng đáng cho chúng ta học hỏi, đảm bảo những gì chúng ta chuẩn bị cho con em mình là tốt đẹp nhất.
Giá trị cốt lõi của người Nhật
Rõ ràng cách nuôi dạy của người Nhật đã là giúp trẻ em nước bạn phát huy được những giá trị cốt lõi đã làm nên một nước Nhật hùng cường khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Người Việt nuôi dạy con kiểu Nhật, không hẳn chúng ta muốn con mình thành người Nhật nhưng ít nhất cũng phải biết động lực và mục tiêu của nền giáo dục Nhật Bản. Vậy giá trị cốt lõi của tính cách Nhật là gì?
Vòng tròn trung tâm của tính cách Nhật là WA, tượng trưng cho sự thống nhất và hài hòa. Học giả Nhật Wierabicka giải thích đó là sự thừa nhận trong mỗi cá nhân, với tính cách riêng, có ước vọng hòa hợp với các thành viên còn lại của xã hội. Đó là động lực tạo ra mối liên hệ và sự tôn trọng giữa các thành viên với nhau, nền tảng của tinh thần tập thể và nền văn hóa hướng đến cộng đồng của người Nhật.
ENRYO biểu thị các cố gắng tránh làm tổn thương người khác, tránh dẫn đến việc nghĩ xấu về người khác. SASSHI nhấn mạnh đến sự lắng nghe và hiểu biết dành cho người giao tiếp. AMAE khẳng định cá nhân đạt được giá trị của mình qua sự yêu thương từ cộng đồng. AWASE là khả năng điều chỉnh và thích nghi với hoàn cảnh để bảo vệ lợi ích của tập thể, còn KENSON giúp cho một nhân cách biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên cái Tôi cá nhân.
TATEMAE nói rằng bản thân mỗi người sẽ được nhìn nhận qua cách sống và biểu hiện của mình. GIRI dạy cho con người lòng biết ơn, JOUGE KANKEI dạy về ý nghĩa của sự tôn trọng và vinh danh, còn KATA là sự chuẩn mực, điều mà người Nhật hướng tới.
Tập trẻ ăn kiểu Nhật
Do có những cốt lõi như trên, chức năng của việc cho trẻ ăn không chỉ là dinh dưỡng mà nó chính là sự giao tiếp hài hòa giữa bố mẹ và thành viên non trẻ của mình. Chính lúc bé vui vẻ trong bữa ăn cũng là lúc bé phát triển trí tuệ, tình cảm, học được các mùi, vị, cảm nhận được tình cảm gia đình đầm ấm. Mặt khác, bữa ăn còn xây dựng cho trẻ tính tự lập, biết được vai trò của mình như một thành viên trong bữa ăn.
Ăn, do vậy, cũng là một nghệ thuật. Nó cần đến khả năng nhìn nhận sự phát triển của trẻ, chọn đúng thời điểm để xây dựng khả năng cảm nhận và rèn luyện thói quen tốt của trẻ.
Trong 6 tháng đầu khi bé yêu bú mẹ hoàn toàn, việc quan trọng nhất là tập cho cháu những thói quen ăn uống, vệ sinh đúng giờ cũng như kích thích phát triển các giác quan.
Cho trẻ ăn thô quá sớm khi hệ tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ hoặc quá muộn, lỡ mất giai đoạn dễ làm quen nhất với món ăn mới, đều không tốt cho sự phát triển thói quen ăn uống của trẻ về sau này. Nhưng thế nào là quá sớm và thế nào là đúng lúc? Theo bản năng, từ tháng thứ 8 đến 1 tuổi, thời kỳ mọc răng, trẻ sẽ tự nhiên có phản xạ nhai. Ở Nhật, người ta tập nhai cho các bé theo giai đoạn phát triển bản năng này.
Từ 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi trẻ có thể nhai tốt và ăn được cơm thường. Việc bé biết nhai và có thể ăn thô cũng đến một cách dễ dàng tự nhiên như trẻ 1 tuổi thì sẽ biết đi vậy. Nhờ sớm được ăn các món ăn đa dạng và không có giai đoạn nào phải ăn một dạng thực phẩm quá lâu, trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn, không bị chán ăn và phát triển được cảm nhận tinh tế về món ăn. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật là một siêu cường về ẩm thực.
Tất nhiên, dinh dưỡng vẫn là một chỉ tiêu bắt buộc phải đảm bảo trong giai đoạn ăn dặm. Để đảm bảo dinh dưỡng trong giai đoạn ăn dặm, bà mẹ Nhật vẫn cho con ăn bổ sung bằng sữa. Những thức ăn dạng công thức như sữa còn quan trọng ở chỗ đảm bảo cung cấp đủ các khoáng chất, axit béo thiết yếu và nguyên tố vi lượng. Khoa học đã chứng minh các chất này cần thiết để hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch phát triển hài hòa, tránh cho trẻ biếng ăn hay đau ốm, nhưng lại dễ bị thiếu hụt trong khẩu phần do tập quán ăn uống từng vùng hoặc thói quen của gia đình. Và việc lựa chọn sữa cho trẻ ở giai đoạn đầu ăn dặm là cực kỳ quan trọng vì ở giai đoạn này trẻ chỉ mới bắt đầu làm quen với việc nhai nên dinh dưỡng đưa vào cơ thể từ việc ăn dặm là rất thiếu hụt. Do đó dinh dưỡng nuôi dưỡng bé giai đoạn này phụ thuộc rất nhiều vào sữa.
Quả không dễ để trong lúc choáng ngợp trước thành quả của nền văn minh nước bạn, chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra: nguyên lý đầu tiên để nuôi con chính là sự giao tiếp và lắng nghe cơ thể con mình.