Phô mai là thực phẩm được kết đông và lên men từ sữa bò, sữa dê… có hàm lượng đạm, chất béo, đặc biệt là hàm lượng canxi rất cao. Vì thế, cho bé ăn phô mai để bổ sung đạm, chất béo và canxi là lựa chọn rất tốt cho sức khỏe của bé, đặc biệt là với những bé mới bước vào độ tuổi ăn dặm, bé bị còi xương hay biếng ăn…
Những lợi ích mà phô mai mang lại đã giúp phô mai trở thành một loại thực phẩm được các bà mẹ rất coi trọng và sử dụng làm thực phẩm bổ sung cho trẻ nhỏ.
Phô mai – bữa ăn bổ sung ưu việt
Thực tế cho thấy, phô mai là món “khoái khẩu” của nhiều trẻ nhỏ, là nguồn cung cấp canxi, đạm, béo rất tốt. Phô mai có hàm lượng chất đạm rất cao (25,5%) và được xếp vào nhóm thực phẩm giàu chất đạm. Không những thế, phô mai cũng chứa nhiều canxi (cứ 100 gram phô mai chứa 760mg canxi). Vì phô mai giàu chất đạm và chất béo nên khi nào bé không chịu ăn thịt, cá, mẹ chỉ cần cho bé ăn 2 viên phô mai (tương đương 30g) là đủ chất. Hoặc buổi sáng nếu muộn giờ, các bà mẹ cũng có thể cho con ăn lót dạ bằng phô mai cũng đủ chất dinh dưỡng và yên tâm để đưa con đến lớp.
Tuy nhiên, cũng có bé chưa quen hoặc không yêu thích phô mai dạng viên, các mẹ có thể thay thế bằng 2-3 cốc phô mai hoa quả hàng ngày. Phô mai hoa quả được sản xuất dưới dạng kem mềm mịn rất dễ ăn, có bổ sung canxi, váng sữa, các loại hoa quả thơm ngon, quen thuộc và rất tốt cho hệ tiêu hoá của bé như chuối, dâu, mơ… Hình thức của phô mai hoa quả cũng khiến bé thích thú với những hộp đủ màu sắc đáng yêu, với hình những chú bò ngộ nghĩnh, vui tươi, bắt mắt. Do đó, mẹ hoàn toàn tự tin rằng bé sẽ vui vẻ, hào hứng với phô mai hoa quả, không làm mẹ nhọc lòng như khi bé ăn các bữa ăn khác mà vẫn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của con yêu. Do vậy, trong các siêu thị hoặc cửa hàng tự chọn, phô mai hoa quả là sản phẩm được nhiều mẹ ưa chuộng và lựa chọn.
Cho con ăn phô mai cũng cần khoa học
Thành phần của phô mai gồm có đạm, carbohydrate, chất béo, canxi chứ không có đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, mẹ cần đa dạng nguồn canxi, vitamin, khoáng chất từ các thực phẩm khác để đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển mạnh mẽ của bé trong những năm đầu.Mẹ không nên chỉ dựa vào nguồn canxi từ chế phẩm này mà có thể đa dạng nguồn canxi cho bé từ các thực phẩm khác như cua đồng, tôm đồng… Ngoài ra, mẹ cũng nên sử dụng hợp lý, vừa đủ lượng rau quả mỗi ngày, cung cấp đủ chất xơ chống táo bón, giảm béo phì, giúp cung cấp các vitamin, khoáng chất quan trọng tới sự phát triển thể chất của trẻ. Một lưu ý rất quan trọng khi cho trẻ ăn phô mai mà các mẹ cần nhớ là nên cho bé ăn khi đói và không nên cho bé ăn trước khi đi ngủ vì có thể khiến bé bị đầy bụng.
Với các em bé trong giai đoạn ăn bột, cháo, hàng ngày mẹ có thể nấu bột, cháo cùng phô mai, tạo ra những tô bột, cháo thơm ngậy, đổi món để kích thích bé ăn ngon hơn. Với phô mai, mẹ hãy chọn những thực phẩm phù hợp như: khoai tây, cà rốt, thịt bò, gà, tôm. Những thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ không nên nấu chung với phô mai là những thực phẩm chứa nhiều đạm như cua, lươn, rau mồng tơi, rau dền bởi bản thân phô mai đã chứa nhiều đạm. Đồng thời, mẹ nên bớt lượng dầu mỡ trong bột, cháo cho bé để tránh dạ dày của bé bị quá tải vì thừa đạm. Khi nấu cháo, bột với phô mai, mẹ cũng cần lưu ý: cháo chín, tắt bếp, để bột, cháo còn khoảng 70 -80 độ mới cho phô mai vào để tránh mất các vi chất trong phô mai do tác động của nhiệt độ quá cao.
Thực phẩm bổ sung từ khi ăn dặm
Độ tuổi để cho bé ăn phô mai có khá nhiều quan điểm khác nhau. Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh thì cho rằng, khoảng 6 tháng tuổi là bé có thể ăn được phô mai. Nhưng một số chuyên gia ở Mỹ lại gợi ý, cha mẹ chỉ nên cho bé làm quen với món ăn này khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Một số ít cho rằng, chỉ nên cho bé ăn phô mai khi đã được 1 tuổi vì có những bé có cơ địa mẫn cảm với sữa bò. Vì thế để an toàn, khi cho làm quen với phô mai, mẹ chỉ nên cho bé ăn thăm dò, nếu thấy bé xuất hiện dấu hiệu lạ khi ăn, mẹ cần tạm dừng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.
Thực tế, phô mai là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho bé từ giai đoạn ăn dặm, giúp mẹ có thêm một cách bổ sung dinh dưỡng cho con bên cạnh các thực phẩm khác. Khi bắt đầu tập cho bé ăn phô mai, mẹ hãy cho bé ăn lúc bé đói, bé sẽ tiếp nhận dễ dàng hơn.