Bên cạnh việc chủ quan, tự tham khảo ý kiến của các bậc tiền bối trên mạng xã hội để chữa bệnh cho con, các bác sĩ còn liệt kê một số những sai lầm của nhiều bà mẹ Việt khiến con vô tình bị bệnh oan.
Theo TS Trương Mai Hồng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung Ương, có 4 sai lầm chính mà các bậc cha mẹ thường hay mắc phải khiến con cái phải chịu thiệt thòi đó là: Vô ý để thuốc trong tầm với của con khiến con túm phải; khi con ốm thường xin tư vấn của những người không có chuyên môn hoặc ít chuyên môn; giao phó toàn bộ việc chăm sóc con cho osin; và tự động dùng lại đơn thuốc cũ trong khi trong khi cân nặng của con đã thay đổi. Tình trạng bệnh của con cũng đã thay đổi mà cha mẹ không biết.
Mẹ chủ quan, con rơi vào nguy kịch
Trường hợp mới được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện Nhi trung ương là một ví dụ điển hình:
Bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp, sau khi nhập viện, được các bác sĩ kê đơn thuốc điều trị và đã ổn định. Bệnh nhân được xuất viện về nhà, nhưng một thời gian sau, lại mắc bệnh trở lại với những triệu chứng tương tự.
Người mẹ, bằng kinh nghiệm nuôi con và tin vào khả năng phán đoán của mình nên đã tự ý dùng đơn thuốc cũ để mua thuốc điều trị cho con mà không biết rằng, cân nặng của con đã thay đổi, tình trạng bệnh của con cũng đã khác, dẫn tới việc con bị sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu.
Hay như một trường hợp cấp cứu gần đây cũng tại bệnh viện Nhi Trung ương. Vì cha mẹ quá bận việc nên giao phó việc chăm con cho osin. Ngay cả khi con mắc bệnh lỵ, việc cho con uống thuốc cũng do osin đảm nhiệm.
Tuy nhiên khi cho con uống thuốc, osin lại nhìn nhầm đơn thuốc nên đã cho con dùng quá nhiều lượng cho phép khiến con phải nhập viện trong tình trạng khá nặng. Các bác sĩ đã phải cho tiến hành cho bé thở máy, lọc máu … và rất may là sau khi nỗ lực cấp cứu, bệnh nhi đã ổn định trở lại.
Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra
“Từ những sai lầm của người lớn mà đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc, nhập viện nhưng không thể cấp cứu” – TS Trương Mai Hồng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết.
Điển hình như trường hợp, một bệnh nhi sau khi vơ phải thuốc hạ áp của ông bà để trên bàn đã cho vào miệng ăn, dẫn đến người lờ đờ. Bà mẹ nhìn thấy con lờ đờ lại tưởng con buồn ngủ, nên cứ để con như vậy đến 6 tiếng sau mới đưa vào viện để rửa dạ dày.
“Lúc này con đã rơi vào tình trạng bị giãn hết tất cả các mạch, nên dù đã được cấp cứu tích cực, cả lọc máu… vẫn không thể cứu vãn”- TS Trương Mai Hồng nói.
Vẫn theo TS Hồng, việc cha mẹ chủ quan khiến con phải nhập viện cấp cứu xảy ra khá nhiều, thậm chí tình trạng này còn xuất hiện ngay cả trong ngành y.
Có bác sĩ, thấy con mình bị ho, sốt nhưng vẫn chơi bình thường nên cứ để con như vậy cho đến 5, 6 ngày sau, lúc thấy con sốt cao hơn thì mới đưa con đi khám, xét nghiệm, và chụp phổi thì đã phát hiện con mắc một loại vi khuẩn ít gặp gây nhiễm khuẩn huyết.
Lúc đó trẻ đã ở tình trạng nguy kịch, sốc do nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp nặng, và việc điều trị trở nên rất khó khăn.