Trời trở lạnh, trẻ bị viêm đường hô hấp tăng cao. Trước sự việc này, nhiều bậc phụ huynh lo lắng, người thì cho con dùng kháng sinh, người thì vệ sinh mũi họng cho con.
Đau đầu vì “bệnh định kỳ” của con
Chị Nguyệt (Linh Đàm, Hà Nội) gọi đùa bệnh hô hấp là bệnh định kỳ của con. Chị tâm sự: “Mình sinh thường, ấy vậy mà Cu Tí nhà mình liên tục bị viêm tai mũi họng. Nặng nhất là đợt gần đây con bị viêm phổi nặng”.
Chị bảo, cứ khi nào chuyển mùa hoặc trời trở lạnh là y như rằng Cu Tí nhà chị bị ốm sốt. Nguyên nhân sốt là do con bị nghẹt mũi rồi viêm họng gây nên hiện tượng sốt. Mấy hôm vừa rồi, trời trở lạnh thất thường cũng khiến Cu Tí nhà chị bị sốt. Chị kể, đang đi làm thì cô giáo gọi điện thông báo chị đến đón bé về. Nhìn con sốt xình xịch đến 39 độ C mà chị chán nản vô cùng.
Kèm với đau họng, sốt, Cu Tí thường xuyên bị ho. Chị biết, ho là một biểu hiện mà gần như có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên. Khi bị viêm mũi họng, họng của trẻ rất nhạy cảm cộng với tình trạng tiết dịch nhiều nên ho thường là một triệu chứng khá phổ biến. Những khi thấy con phát “bệnh định kỳ”, chị Nguyệt thường chạy đi mua kháng sinh ngay cho bé. Thế nhưng càng ngày, con bị sốt kéo dài càng lâu.
Cũng là một bà mẹ có con hay bị viêm mũi họng lúc chuyển mùa hoặc trời trở lạnh là chị Hồng Trang (Cầu Giấy, Hà Nội). Chị tâm sự: “Bé Phi Phi nhà mình hiện giờ là 11 tháng, vào dịch cúm vừa rồi bé bị lây từ mẹ. Đầu tiên là ho hung hắng, sau đó làm sốt và sổ mũi. Mình rất cuống, nên đưa bé đi khám, con bị viêm họng và bác sĩ tiến hành rửa sạch mũi”.
Chị Trang chia sẻ, ban đầu bé ra rất nhiều nước mũi, trong loãng. Chị biết, dịch mũi về bản chất là một dịch bảo vệ mũi nhưng nó cũng là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi chứa rất nhiều mầm bệnh. Nếu không cẩn thận, dịch mũi sẽ khiến bé bị viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới.
Khác với trường hợp trên, chị không mua thuốc kháng sinh cho bé, chị bảo thuốc – đặc biệt là kháng sinh phải được sự chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên lạm dụng. Trước tình trạng này, chị chú ý hơn tới thực đơn ăn uống của con, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, chất đạm vừa đủ để giúp bé tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên. Ngoài ra, chị thường xuyên rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý.
Chị chia sẻ: “Hút rửa mũi bằng nước muối sinh lý từ mũi này sang mũi kia sẽ giúp cho mũi của bé sạch. Sau đó mình xịt thêm nước muối biển cho con để làm sạch sâu. Làm thường xuyên vài lần trong ngày sẽ giữ mũi con luôn khô”. Chị tâm sự: “Kiên trì sau 1 tuần là mũi bé khỏi hoàn toàn”.
Cha mẹ cần chăm sóc vệ sinh mũi họng cho bé thường xuyên
Đó là lời khuyên của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai. Viêm hô hấp, mũi họng có những dấu hiệu ban đầu là ho hắng, sụt sịt, thở khò khè, hắt hơi, sốt… Những triệu chứng ho, sốt, ói, sổ mũi, biếng ăn là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ, do đó cha mẹ không nên quá chủ quan. Nếu không chăm sóc bé cẩn thận, bé rất dễ bị viêm nhiễm từ đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới như viêm phổi.
Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc cho bé khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Trẻ mệt thường ăn ít, cha mẹ không nên ép bé ăn, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho bé, chế biến đồ ăn mềm mịn, dễ tiêu hóa.
Cha mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch tự nhiên cho trẻ thông qua dinh dưỡng. Cha mẹ cần bổ sung cho con một số chất quen thuộc như sắt, kẽm, DHA, omega 3,… trong bánh mì, một số loại nấm, hạt ngũ cốc… Nên cho bé ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi để giúp hệ miễn dịch của bé được tăng cường.
Nếu trẻ bị nghẹt mũi do đờm nhớt, cha mẹ nên thường xuyên rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Trong tiết trời lạnh, cha mẹ nên mặc ấm cho bé, giữ ấm cổ cho bé trước khi ra khỏi nhà, hạn chế đưa bé tới chỗ đông người. Cho bé tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm phòng của Quốc gia.
Thường xuyên vệ sinh chân tay cho bé. Không nên cho bé ăn đồ ăn lưu cữu từ lâu vì khả năng có vi khuẩn trong đó là rất cao. Nếu bé sốt, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện.