Hôm nay, tôi lại một lần nữa quay trở lại phòng khám siêu âm thai nhi sau hơn 2 năm không quay lại. Vị bác sĩ ngày nào tôi từng tiếp xúc suốt 9 tháng trời nở nụ cười tươi chúc mừng và hỏi tôi “Có em cho con gái bế rồi hả”. Tôi thấy vui và nhẹ lòng.
Thú thực, lần mang thai nay không nằm ngoài dự định của vợ chồng tôi. Tuy nhiên, cảm giác khi được lần thứ hai trong đời ngắm nhìn chiếc que thử thai có hai vạch đỏ thì cảm xúc không được giống lần đầu cho lắm. Tôi cũng có cảm thấy vui mừng, hạnh phúc. Nhưng không còn ngây ngô như lần đầu tiên, tôi biết mang thai và sinh con thực sự có nghĩa là gì. Nó không chỉ có những niềm vui mà còn có cả nỗi khổ. Chẳng thế mà khi đọc bài viết Nuôi một con mới là văn minh! và Đẻ một đứa sao lại là ích kỷ? tôi cũng có phần thấu hiểu.
Nếu tổng kết lại, tôi chỉ có thể nói rằng: mang thai là chuỗi thời gian 9 tháng 10 ngày da dẻ tái sạm, là những ngày bụng bầu xấu xí ì ạch chẳng dám gặp ai, là rạn bụng, là rụng tóc, là nôn thốc nôn tháo khi ngửi thấy mùi thức ăn. Nuôi con cũng không khá hơn. Đương nhiên, không ai có thể quên gương mặt cười đến ngoác mang tai khi lần đầu thấy con biết lẫy, biết cười, biết gọi mẹ rồi biết chạy ton ton. Vậy nhưng tôi cũng không quên được những đêm thức trắng dỗ con nín khóc khi cả thành phố như đã chìm trong giấc ngủ, những bát cháo móng giò đầy mỡ vẫn phải cố ăn để lấy sữa cho con. Mùi bỉm, mùi mồ hôi, mùi ngai ngái của những cái khăn xô đầy sữa… Tất cả khiến tôi không thể không sợ hãi.
Vậy, bạn hỏi tôi “Thế còn ngồi đây siêu âm, đẻ đứa nữa để mà làm gì?”. Tôi trả lời: “Tôi đẻ đứa nữa, là vì con gái tôi. Cho đứa con của tôi có chị có em.“
Bản thân là con một, trong suốt thời thơ bé được nâng niu yêu chiều, tôi chưa khi nào phải cảm thấy ghen tị với bạn bè vì không có anh chị em. Vậy nhưng bây giờ, tôi đang dần cảm thấy nuối tiếc. Bố mẹ tôi ly hôn khi tôi tròn 18 và bây giờ, khi tôi đã 30, bố tôi đã qua đời còn mẹ tôi đang sống cùng với bà nội tại một căn nhà chung cư cũ. Nay, tôi đã lấy chồng, theo chồng, tôi ao ước biết bao được có một người anh chị em. Tôi muốn được cùng em mình khóc khi bố mẹ ly hôn, được anh chị mình ôm vào lòng an ủi khi bố mất, được có một người cùng tôi chăm sóc mẹ già sau này, mang đến cho mẹ nhiều niềm vui và nụ cười – cái mà khi chỉ có mình tôi, đôi khi vì những lo toàn cho gia đình bên nội, tôi chẳng thể luôn túc trực bên mẹ.
Chồng tôi thì khác. Gia đình anh có tới 3 anh chị em, chồng tôi là con thứ hai. Ba anh em anh lúc nào cũng thân thiết vui vẻ. Những khi cả nhà nội tụ họp quây quần, bên mâm cơm tôi luôn được những dịp ‘cười vỡ bụng’ với những câu chuyện tếu táo của ba anh em, với những kỷ niệm ngày xưa hồi thơ bé họ đã từng có cùng với nhau. Đương nhiên, anh em một nhà cũng có lúc gây gổ, giận dỗi, cũng có thời thanh niên mải chơi cùng đám bạn bè không quan tâm gì đến gia đình. Vậy nhưng khi trưởng thành, là những người cha, người mẹ, người chú, người bác..họ lại tề tựu bên nhau và vui buồn cũng luôn bênh vực, ủng hộ nhau. Người ta nói ‘một giọt máu đào hơn ao nước lã’ cũng là vì vậy.
Tôi đã mất nhiều đêm suy nghĩ, giữa sự nhàn tàn sung túc của bản thân và cuộc sống tinh thần đầy đủ của con gái, tôi đã quyết định sinh thêm cho con một đứa em nữa. Tôi muốn con có tuổi thơ được vui chơi bên em mình, được có người để chia sẻ gói kẹo, để tranh giành gói bánh, cũng là để sau này khi hai vợ chồng gần đất xa trời, con tôi có chị em bên nhau mà nương tựa, không phải cảm thấy cô đơn cô độc trong cuộc đời. Có thêm đứa em, có thể ban đầu sẽ lấy đi của con gái tôi một chút nước mắt vì tình cảm của mẹ nay phải san sẻ cho em. Nhưng bù vào đó, sẽ là rất nhiều tiếng cười sau này. Gia đình 4 người và thiên thần mới đang trong bụng tôi, chắc chắn sẽ mang đến cho cuộc đời của con gái tôi, của vợ chồng tôi thêm nhiều hạnh phúc.