Lo lắng cho ca sinh nở là điều đương nhiêu với tất cả mẹ bầu. Hơn bao giờ hết, đây là thời gian họ lo lắng nhất cho sự an toàn của con yêu trong hành trình đón chào thế giới. Trên thực tế, hầu hết các ca sinh nở đều diễn ra an toàn, tuy nhiên một phần nhỏ trong số đó vẫn có rủi ro. Không chỉ lo lắng cho em bé, mẹ còn lo lắng nhiều về cơn đau đẻ, có thể đẻ thường được không?, có bị cắt tầng sinh môn không?… Hãy cùng giải tỏa những lo lắng này cho chị em trước giờ lâm bồn nhé!
Đi đẻ sợ nhất bị rạch
Ngày nay thủ thuật rạch tầng sinh môn khi sinh thường đã trở lên rất phổ biến. Thủ thuật này sẽ giúp em bé dễ dàng chào đời và giảm nguy cơ xấu với trẻ sơ sinh trong quá trình sinh qua ngã âm đạo. Trong khi rạch mẹ sẽ không cảm thấy đau nhưng đến lúc khâu tầng sinh môn, có lẽ mẹ sẽ phải hét toáng lên rằng “còn đau hơn đau đẻ”. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng đừng lo lắng quá nhé. Thông thường, mẹ sẽ được sử dụng các loại thuốc gây tê để bớt đau và vết rạch tầng sinh môn cũng rất nhanh lành (chỉ sau sinh khoảng 3-5 ngày). Hãy luôn tâm niệm rằng, thủ thuật này là để giúp bé của bạn chào đời nhanh và an toàn hơn, bạn sẽ bớt lo lắng đấy.
Sợ không kịp đến bệnh viện
Thỉnh thoảng bạn đọc những thông tin trên báo, đài rằng ở đâu đó có một thai phụ đã sinh con trên xe taxi và tài xế taxi trở thành bác sĩ sản khoa. Sự thật là, từ lúc bạn có cơn đau đẻ đến khi sinh bé sẽ mất 12,5 -21,5 giờ. Bạn hoàn toàn có đủ thời gian để tới bệnh viện gần nhất.
Cẩn thận hơn, gia đình cần kiểm tra thời gian từ nhà mình đến bệnh viện sẽ mất bao lâu để có những sắp xếp hợp lý.
Sợ phải đẻ mổ
1/3 trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh mổ. Rất nhiều các ca sinh mổ là do được bác sĩ chỉ định từ trước đó với những lý do như: em bé chưa quay đầu, ngôi thai chưa chuẩn, có vấn đề về nhau thai hoặc trước đó thai phụ đã sinh mổ. Những trường hợp sinh mổ khẩn cấp không quá phổ biến. Nếu bạn đã gần ngày dự sinh thì có thể thăm khám liên tục hoặc nhập viện sớm để được theo dõi cẩn thận.
Sợ đau đẻ
Bạn đã rất hân hoan và vui mừng khi đi sắm đồ cho bé, chọn một cái tên thật hay và ý nghĩa dành cho con. Lúc đó bạn mong con sớm chào đời để được vui đùa cùng con yêu. Nhưng càng gần ngày sinh, bạn đã lo lắng và đặt ra vô số câu hỏi như: Lúc sinh có lâu không? Có đau không? Bạn không tưởng tượng được chuyện gì sẽ đến với mình trong phòng sinh?
Trước tiên, bạn hãy bình tĩnh lại. Chuyện mang thai và sinh con ra là điều hiển nhiên mà tất cả phụ nữ đều phải làm và làm được. Bản thân bạn là điển hình cho người hay lo lắng thì cần làm là hãy tâm sự và chia sẻ những suy nghĩ, sợ hãi của bạn về quá trình sinh nở sẽ diễn ra như thế nào với chính bác sĩ của mình. Những lời khuyên thiết thực từ những người bạn tin tưởng sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn. Hãy chờ đợi giây phút diệu kỳ khi bạn thực sự ngắm nhìn thiên thần bé nhỏ của mình.
Mất kiểm soát khi đau đẻ
Nhiều thai phụ đã nghe những câu chuyện xảy ra trong phòng sinh như thai phụ la hét, mắng chửi chồng, bác sĩ hoặc mình sẽ rặn ra phân trong khi sinh… Cũng có nhiều người thì ngại ngùng khi nghĩ tới cảnh vùng kín của mình sẽ bị phơi bày trước ánh mắt của các y bác sĩ.
Việc thể hiện sự đau đớn, giận dữ trong lúc vượt cạn ở phụ nữ là chuyện hết sức bình thường. Các y bác sĩ không đánh giá phẩm chất con người bạn. Cũng đừng bối rối, xấu hổ về vấn đề thân thể. Việc đỡ đẻ an toàn mới là mục tiêu chính của họ chứ không phải việc bình phẩm về thai phụ. Hãy thả lỏng cơ thể và để tinh thần thoải mái, tập trung hết sức để cuộc vượt cạn thành công.
Sợ bé bị đau
Mặc dù quãng đường từ trong tử cung của mẹ ra thế giới bên ngoài không xa nhưng đó thực sự là một thử thách đối với bé. Trong suốt giai đoạn chuyển dạ và sinh nở, bé bị ép chặt để lọt qua ống âm đạo hẹp. Bé cũng còn phải vượt qua một cửa hẹp như nút cổ chai ở khung chậu của người mẹ. Ở cuối quá trình sinh nở, nhịp tim của bé có thể giảm từng hồi do sự căng thẳng mệt mỏi của cuộc hành trình kỳ diệu, tuy nhiên đây là điều đã được dự đoán và không có gì trầm trọng cả.
Sau sinh, chuyện ấy “tiêu” luôn?
Đa phần phụ nữ sau khi sinh cơ thể vẫn yếu, cần mất từ 2-3 tháng để hồi phục vùng kín của chị em nếu bạn phải khâu tầng sinh môn hoặc vết mổ nếu bạn sinh mổ. Bên cạnh đó giai đoạn của các bà mẹ thường tập trung vào trẻ sơ sinh nên ham muốn tình dục sẽ giảm bớt. Nhiều cặp vợ chồng đã thú nhận rằng: lúc này họ thèm ngủ hơn là sex trong thời kỳ chăm sóc con vất vả ban đầu.
Trong một vài lần quan hệ đầu tiên sau thời gian sinh nở, nhiều chị em cảm thấy khó khăn vì âm đạo chưa tiết đủ chất nhờn nên họ cần sự trợ giúp của thuốc bôi trơn. Nhưng mọi chuyện sẽ sớm trở lại ban đầu. Có gần 70% phụ nữ cho biết, 6 tháng sau khi sinh, chuyện quan hệ tình dục đều trở lại bình thường. Không những vậy, vợ chồng họ có cảm giác thăng hoa, mãn nguyện trong chuyện ấy hơn cả trước kia.
Nỗi lo “mẹ xề”
Ngay sau khi sinh, bụng bầu của bạn đã biến mất. Một số cân nặng tương đối cũng biến theo nhưng chắc chắn bạn chưa thể lấy lại ngay vóc dàng như trước của mình được.
Có 14-20% phụ nữ vẫn không thể giảm cân sau khi sinh. Tuy nhiên có một số biện pháp để khắc phục tình trạng này, vì vậy mẹ nên chú ý để sớm lấy lại vóc dáng “mòn con mắt”:
– Hạn chế số cân nặng trong thời kỳ mang bầu. Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn vào con thay vì vào mẹ. Sau khi sinh, vẫn cần duy trì 2000 calo/ngày để đảm bảo dinh dưỡng phục hồi cho mẹ và đủ nguồn sữa cho bé.
– Nuôi con bằng sữa mẹ vì việc này sẽ đốt cháy rất nhiều calo cho chị em.
– Tập thể dục trước và sau khi sinh.
– Vận động, làm việc nhà thường xuyên cũng là phương pháp hữu ích để giảm cân.
– Ngủ đủ giấc.