Các sự cố y tế liên quan đến trẻ em xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua khiến người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, lo lắng.
32 trẻ sơ sinh nhập viện sau khi tiêm vắcxin 5 trong 1
Ngày 27/10, đã có 32 trẻ ở các địa phương nhập viện theo dõi sốt sau khi tiêm văcxin Quinvaxem trong chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng tại Tiền Giang.
Theo ông Trần Thanh Thảo – quyền giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, ngành y tế phát hiện trẻ nhập viện do sốt cao đột ngột sau khi tiêm văcxin Quinvaxem từ trưa 25-10, tức sau khi tiêm chủng khoảng vài giờ. Do trước đây phụ huynh theo dõi, biết các sự cố sau khi tiêm văcxin Quinvaxem nên đã đưa đến bệnh viện theo dõi ngay khi phát hiện con em mình bị sốt bất thường. Trong ngày đầu tiên ghi nhận có 19 trẻ nhập viện theo dõi, đến ngày tiêm chủng thứ hai thì tăng lên 27 trẻ, tới ngày 27/10 có thêm 5 trường hợp, nâng tổng số trẻ nhập viện lên con số 32 .
Từ trưa 25-10, khi có nhiều trẻ nhập viện, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã trao đổi với Viện Pasteur TP.HCM và quyết định tạm ngưng tiêm văcxin Quinvaxem tại huyện Cai Lậy. Còn các địa phương khác vẫn tiêm bình thường, nhưng phải theo dõi sát sức khỏe của trẻ sau tiêm.
Ngày 27/10, ông Lê Hoàng San, phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đã đến huyện Cai Lậy kiểm tra tình hình. Ông San cho biết các trẻ này bị phản ứng sau tiêm. Các biểu hiện không khác so với cảnh báo của nhà sản xuất ghi trong hướng dẫn sử dụng văcxin. Thống kê các số liệu trẻ bị sốt trên 38oC, nôn ói, tiêu chảy, khóc dai dẳng… đều cho tỉ lệ nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bé 4 tuổi tử vong sau cắt amidan
Ngày 20/9, cháu Võ Tấn Nhật (4 tuổi) con của vợ chồng anh Võ Văn Anh và chị Nguyễn Thị Nương ở thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam ngủ dậy bị đau rát cổ nên được mẹ đưa xuống Bệnh viện Nhi Quảng Nam để điều trị.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu Nhật bị viêm amidan và cho uống thuốc điều trị tại viện. Nhưng sau đó cháu Nhật được gia đình chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương (có trụ sở nằm trên đường Trương Chí Cương, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), nhập viện để khám.
Tại bệnh viện này, qua sơ khám, các bác sĩ tiến hành cắt mổ amidan cho cháu Nhật. Tuy nhiên, sau đó cháu Nhật bị co giật, có biểu hiện nguy kịch nên bệnh viện này chuyển cháu ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cấp cứu. Nhưng sau đó cháu Nhật đã tử vong.
Sáng 27/9, làm việc với báo chí, ông Lê Quang Hồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương cho biết: Bác sĩ đã cắt rất tốt u mủ amidan cho cháu Nhật và sau đó rút nội khí quản để đưa sang hồi sức, lúc này cháu Nhật lên cơn ho và sặc, tím tái.
Trước các triệu chứng này, bác sĩ đã hội chẩn thấy tình trạng sức khỏe cháu Nhật có biểu hiện nặng nên bệnh viện đã nhanh chóng làm thủ tục để chuyển gấp cháu Nhật ra Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, nhưng do bệnh nặng nên cháu đã tử vong sau đó. Nguyên nhân dẫn đến việc cháu Nhật tử vong là do bị sặc khi rút nội khí quản ra.
Để xảy ra cái chết đau đớn cho cháu Nhật, ông Lê Quang Hồng khẳng định: Đây là rủi ro chung và cũng là rủi ro của gia đình. Bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương xin nhận trách nhiệm để xảy ra sự việc đáng tiếc này.
Bé 5 tuổi ở Hải Phòng chết tức tưởi sau mũi tiêm chữa viêm phổi
Khoảng 7h30 phút sáng 20/9, bé Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, trú tại Đông Khê – Ngô Quyền – Hải Phòng) qua đời sau gần 1 ngày cấp cứu vì mũi tiêm chữa viêm phổi thùy tại Bệnh viện Nhi Đức – Hải Phòng.
Bé Nhi được nhập viện vào sáng 19/9 với chẩn đoán viêm phổi thùy. Khi đó, cháu hoàn toàn tỉnh táo, không sốt. Bé Nhi được điều trị tại khoa hô hấp của viện này. Khoảng 10h30 sáng ngày nhập viện, bé Nhi được tiêm một mũi vào mông. Khoảng 14h cùng ngày, trong cữ tiêm buổi chiều, bé Nhi tiếp tục được chỉ định tiêm 1 mũi vào mông.
Sau tiêm, y tá có thử thuốc trên phần cẳng tay của bé Nhi rồi tiêm ven cho bé sau 10 phút. Ngay khi vừa rút mũi kim ra khỏi người, bé Nhi có biểu hiện tím tái, khó thở và kêu đau đầu.
Bé Nhi nhanh chóng được chuyển đến phòng cấp cứu của khoa để thở oxy. Sau đó, được chuyển xuống khoa hồi sức cấp cứu. Tại phòng cấp cứu, sau cữ tiêm đầu tiên, bé Nhi có dấu hiệu đỡ. Nhưng sau đó, mỗi lần giật mình tỉnh giấc đều gào khóc, kêu đau đầu và cầu cứu mẹ. Đến khoảng 7h30 sáng 20/9, bệnh nhi tử vong.
Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Hải Phòng, bé Nhi tử vong do sốc phản vệ. Vị Phó giám đốc chuyên môn khẳng định, tỷ lệ sốc khi tiêm kháng sinh này là 1/1000. Về lĩnh vực chuyên môn, bệnh viện khẳng định đã làm đúng quy trình kể cả khi tiêm và khi cấp cứu cho bệnh nhi. Bà Vũ Thị Thủy, Giám đốc bệnh viện đã yêu cầu các y, bác sĩ liên quan viết tường trình, làm rõ trách nhiệm trong quá trình chăm sóc, khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Trẻ sơ sinh chết oan vì nữ hộ sinh mải nhận tiền “lót tay”
Sáng ngày 29/8, chị Lê Thị Kim Lên (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vào Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang để chuẩn bị sinh con đầu lòng. Lúc đó, tình trạng thai nhi và sản phụ đều khỏe mạnh bình thường.
Trưa cùng ngày, thấy chị Lên đau bụng, có dấu hiệu chuẩn bị sinh nên lãnh đạo khoa đã phân công hai cán bộ tên Ngân Kiều và Như Hoa hỗ trợ sinh. Dù đã thực hiện việc chọc nước ối, nhưng chị Lên lúc đó vẫn chưa thể sinh con được. Quá đau đớn, chị Lên nhiều lần ngỏ ý muốn sinh mổ, nhưng nữ hộ sinh Hoa và Kiều “làm ngơ”.
Lúc đó, có một sản phụ mới vào đưa tiền cho nữ hộ sinh Hoa. Sau khi đã nhận tiền, Hoa gọi Kiều ra giúp cho bệnh nhân vừa mới vào, bỏ mặc cho sản phụ Lên nằm một mình trong đau đớn.
Cho đến khi nước ối đã khô, hai nữ hộ sinh này mới quay trở lại giường của chị Lên để thăm khám. Trước tình hình đó, bác sĩ đã khám và chỉ định mổ cho chị Lên ngay lập tức. Chỉ vài phút sau đó, con trai chị ra đời trong tình trạng phải thở bình oxy.
Thấy tình trạng nguy hiểm, gia đình đồng ý chuyển bé lên TP. HCM. Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng , TP.HCM thông báo bé bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết nặng, thiếu oxy não rất nghiêm trọng. Sau gần 2 tuần tích cực điều trị tại TP.HCM, bác sĩ nhận định sức khỏe cháu bé yếu đi, không thể cứu chữa. Đến 15h trưa ngày 11/9, cháu bé đã qua đời.
Khoa Sản – Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã thừa nhận hai nữ hộ sinh đã nhận tiền của sản phụ khác, trái với quy định của ngành đồng thời thừa nhận, kíp trực đã thiếu tích cực trong việc theo dõi quá trình chuyển dạ của thai phụ.