Mâu thuẫn gia đình vì bà nội chăm cháu dường như là một chủ đề khá nóng và muôn thuở mà hầu như nàng dâu nào cũng gặp phải.
Chị Thu Huyền (Định Công, Hà Nội) thấy mình có sức chịu đựng, nhẫn nhịn tốt. Biết bao lần nhìn bà nội chăm cháu, chị chỉ muốn “bùng nổ”. Chị Huyền cho rằng sẽ chẳng có một người bà nào lại mong cháu ăn “vừa vừa thôi”, nhẹ cân như mẹ chồng chị, trước chị còn không biết nguyên nhân chính xác là như thế nào, sau chị mới biết tất cả chỉ vì bà quá tiết kiệm.
Bé Min sinh ra nặng 3,8kg, “trộm vía” bé cũng khá cân, thế nhưng khi vừa biết tin bé từng đó cân, mẹ chồng chị đã bảo: “Nuôi dạy phải cẩn thận, kẻo sau này cháu tôi thành sumo, béo phì thì xấu hổ lắm”.
Chị cũng mong đó là câu nói đùa của bà, ấy vậy mà hành động của bà cho thấy bà không hề đùa tẹo nào.
Khi bé được 3 tháng tuổi, bé nặng 5,8 kg – 57,1 cm, cân nặng và chiều cao của bé như vậy là hoàn toàn bình thường, trong chuẩn thì bà ra sức bảo phải kìm ăn bé lại. Bà cứ ra rả điệp khúc cháu xấu, cháu béo sẽ khiến bà xấu hổ với hàng xóm láng giềng. Mấy lần chị giận tím mặt khi bà pha ít hơn hẳn lượng sữa mà Min cần uống. Lần nào thấy chị pha 120ml sữa, bà cũng lắc đầu bảo “Con làm thế Min sớm muộn gì cũng thành em chã đấy”.
Có lần chị phải đi công tác đột xuất 3 ngày, về nhà chị thấy con gầy lả đi, hộp sữa đồ ăn của con đầy y nguyên như ngày chị ở nhà. Biết mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến hạnh phúc gia đình bị lung lay, chị cố gắng nhẫn nhịn, bỏ qua cho bà. Chị tự an ủi mình rằng, mẹ chồng khá hiện đại khi coi trọng chiều cao hơn cân nặng.
Đến khi Min được 7 tháng, chị cho bé ăn dặm, bà cũng lăm le bớt lại xuất ăn của cháu dù cháu còn đang rất thòm thèm. Nồi cháo chị chia rõ ràng làm 3 bữa trong 1 ngày cho bé, vậy mà nếu hôm nào chị không tự tay cho bé ăn thì y như rằng nồi cháo đó được chia ra thành 4 – 5 bữa sang cả ngày hôm sau. Chỉ vì lo nghĩ những chuyện không đâu, chị bị tụt một phát xuống 5 kg, chị lúc nào cũng trong tình trạng xanh xao, căng thẳng, mệt mỏi. Cứ khi nào tâm sự, ngọt nhẹ với mẹ, bà lại giận dỗi: “Tao chỉ trông được có vậy, vợ chồng mày đi mà ở nhà trông nhau”.
Trước khi đi làm, chị ngày nào cũng dặn bà cho bé ăn váng sữa cùng phô mai, hoa quả đều đặn nhưng chẳng ngày nào bà nhớ. Chiều về, chị mới cho bé ăn bù. Chị nghẹn ngào:”Trong vài tiếng ngắn ngủi làm sao có thể bù được cho con cơ chứ, làm vậy con sẽ bị quá tải”.
Anh chị tuy là cán bộ nhà nước, lương không gọi là quá cao tuy nhiên đủ sống. Là con dâu, chưa bao giờ chị gây áp lực khó khăn lên mẹ chồng. Với chị, chị có thể tiết kiệm túng thiếu một chút xong chị không bao giờ khiến bà thấy thiếu thốn, khiến con chịu thiệt thòi. Thế nhưng bà chẳng bao giờ quan tâm tới lời chị nói. Bà cứ tiết kiệm, bà tiết kiệm từ chuyện ăn uống, cho tới chuyện vệ sinh cho cháu.
Bà ngại xi cháu, bà đóng bỉm cho cháu 1 cái duy nhất từ sáng tới chiều tối mới thay, thậm chí có lần chị phát hiện ra bà phơi bỉm của cháu ra nắng để hôm sau dùng lại. Có lần Min phải vào viện chỉ vì viêm đường tiết niệu. Trước chị không biết, chị cứ nghĩ do bé thiếu chất, uống ít nước. Nhưng mãi sau này chị mới phát hiện ra “chuyện động trời” bé được bà đóng bỉm liên tục từ sáng tới chiều tối trước khi chị đi làm về, chị đau khổ vô cùng.
Chị nói với chồng thì anh không tin, mắng chị là dựng chuyện nói xấu mẹ chồng. Chẳng biết làm sao, chị đành đặt ra lịch cho mình, vài tiếng lại về nhà chăm con một lúc.
Khi Min biết đi lại, chị liên tục bị stress khi bé suốt ngày phải vào viện vì đau bụng. Nguyên nhân chị biết rõ, chị đã nói rất nhiều với mẹ là đừng cho bé lăn lê bò toài ra sân nghịch cát, nghịch nước bẩn nhưng bà cứ bảo: “Trẻ con muốn khôn, muốn khỏe phải chịu đói một tí, bẩn một tí, hư một tí…”.
Thế nhưng sự đói một tí của bà đã khiến Min từ thằng bé khỏe mạnh giờ xanh xao, ốm yếu, thấp dưới chuẩn; vì sự bẩn một tí mà Min không tháng nào không có mặt trong viện.
Đang khoẻ mạnh, kháu khỉnh, bé Min ngày càng gầy rộc đi, mà bụng thì cứ to đùng… Chị ấm ức bà một, chị giận mình mười, vì ngại mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, chị không dám đấu tranh để bảo vệ con.