Những em nhỏ từ 3 đến 10, thậm chí có bé 15 tuổi nhưng vẫn chưa thể tự lập, không nói được, phản ứng với thế giới bên ngoài kém, và phải dựa nhiều vào sự giúp đỡ của các cô giáo trong sinh hoạt hàng ngày.
Giờ học tại một lớp thuộc trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ Sao Mai (Hà Nội). Trong số 230 em nhỏ mắc các hội chứng Down, Asperger, tự kỷ, bại não và chậm phát triển trí tuệ đơn thuần đang được chăm sóc và điều trị tại đây thì trẻ tự kỷ chiếm tới 75%. |
Tại các lớp học ở đây, hàng ngày bố mẹ đưa các em đến theo giờ hành chính như đi mẫu giáo. Trung tâm có nhiệm vụ can thiệp bằng phương pháp giáo dục. Trẻ được huấn luyện các kỹ năng tự lập, tập nói, tập nhận biết, giao tiếp với thế giới bên ngoài. |
Trẻ tự kỷ mang nhiều biểu hiện, tính cách khác nhau. Có bé trên 10 tuổi vẫn chưa thể tự đi vệ sinh, sống tách biệt với những người xung quanh. |
Bé gái Anh Tú (15 tuổi) là một trường hợp nặng, em đã vào trung tâm được 10 năm, hiện vẫn chưa nói được, chưa thể tự lập, phản ứng với bên ngoài kém. |
Nhiều bé tại trung tâm có những tính cách khác nhau. Bé trai Đỗ Tuấn Hiệp (10 tuổi) có sở thích trồng cây chuối, thích nằm xuống sàn trong giờ nghỉ. |
Có em thích ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, thích nhìn quạt trần quay hay có nhiều bé cứ khóc ngặt nghẽo hàng giờ. |
Các cô giáo ngày ngày luyện cho các em tập nói khá vất vả. Có bé học mãi chỉ nói được một hai chữ một cách vất vả. |
Minh Nhật (15 tuổi), quê ở Huế. Em bị bại não, tự kỷ, cùng bố mẹ chuyển ra thủ đô sống và vào trung tâm chữa bệnh đã 8 năm. Do hoàn cảnh khó khăn, em được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh của Nhật vẫn chưa khả quan do phát hiện chậm. Các cô giáo tại đây cho biết, nếu được phát hiện và chữa trị, chăm sóc kịp thời, càng sớm sẽ càng tốt hơn. |
Việc phát hiện sớm và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hòa nhập của trẻ tự kỷ. Trẻ sẽ được kích thích tối đa những tiềm năng, định hướng sự phát triển về nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp và điều phối các giác quan làm giảm tối đa các khiếm khuyết của tự kỷ gây cản trở sự phát triển các hoạt động tâm lý. |
Theo bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc trung tâm, trong nhiều năm chăm sóc và can thiệp, tỷ lệ thành công đạt khoảng 15 đến 20% tuy nhiên không phải làm cho trẻ trở thành bình thường mà chỉ làm giảm được các khiếm khuyết ở trẻ tự kỷ. |