Khiêu vũ nhẹ nhàng, bổ sung sắt, ngủ đủ giấc… là những cách an toàn giúp mẹ bầu “thổi bay” mệt mỏi.
Mệt mỏi khi mang thai là điều nhiều mẹ bầu mắc phải, một số là bệnh lý bình thường của thai kỳ, nhưng đó cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm như thiếu máu, suy giảm tuyến giáp hoặc tiểu đường. Vì nên, hãy đi khám bác sĩ nếu như mẹ cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình khi mang thai để giảm thiểu rủi ro của bệnh do phát hiện muộn.
Nếu mệt mỏi chỉ đơn giản là “tác dụng phụ” khi mang bầu, có rất nhiều cách an toàn và dễ dàng mà mẹ có thể áp dụng để “sạc pin” cho cơ thể. Các mẹ cùng tham khảo nhé!
Ngủ ngon giấc
Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp mẹ tràn đầy năng lượng khi thức dậy. Nhiều mẹ thường phàn nàn rằng mình thường xuyên mất ngủ trong thai kỳ, nhưng để có một giấc ngủ ngon không khó như mẹ nghĩ đâu.
– Hãy tạo cho mình những thói quen tốt trước khi đi ngủ như tắm nước ấm, uống đồ uống nóng như nước ấm hoặc một ly sữa chẳng hạn, hay đọc một cuốn sách mà mẹ yêu thích. Đây là các hoạt động tuyệt vời giúp cơ thể mẹ thả lỏng, thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
– Hãy để phòng ngủ chỉ là nơi để ngủ. Mẹ nên di chuyển máy tính và ti vi sang nơi khác, những đồ dùng điện tử, liên quan đến công việc… sẽ là các tác nhân kích thích khiến tâm trí mẹ không thể hoàn toàn thư giãn. Kéo rèm để trong phòng ngủ không còn ánh sáng hoặc chỉ để đèn ngủ nhỏ với ánh sáng dịu nhẹ nếu mẹ không quen ngủ trong bóng tối. Và mẹ hãy chắc chắn có một chiếc đệm thoải mái để nâng đỡ cơ thể giúp mẹ ngủ ngon mà không ảnh hưởng tới cơ thể mẹ sau khi thức dậy. Nhiệt độ phòng cũng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của mẹ, 18-20 độ C là nhiệt độ phòng lý tưởng giúp mẹ ngủ ngon, mẹ nhớ đặt một chậu nước hoặc sử dụng máy làm ẩm không khí để tránh khô da khi sử dụng điều hòa nhé.
– Khi mang thai, nhất là những mẹ mang bầu lần đầu, có rất rất nhiều điều khiến mẹ lo lắng, thai nhi có khỏe mạnh không, mẹ nên ăn gì, làm gì, phải chuẩn bị những gì để chăm sóc bé tốt…Những lo lắng này có thể khiến mẹ trằn trọc cả đêm và khó để có giấc ngủ ngon. Lời khuyên dành cho mẹ là hãy lên một danh sách những điều mẹ băn khoăn, lo lắng và mang theo chúng khi đi khám thai, gặp bác sĩ để được giải đáp những thắc mắc này. Chỉ khi mẹ không vướng bận, suy nghĩ quá nhiều, giấc ngủ ngon sẽ dễ dàng “tìm đến” với mẹ.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Chìa khóa để mẹ có thể nghỉ ngơi đầy đủ đó là học cách nói “không”, nhất là khi mẹ vẫn đang đi làm, không mang công việc về nhà làm, không làm thêm giờ và cố gắng không đi công tác xa khi bầu bí. Mẹ cũng nên tranh thủ giờ nghỉ trưa để chợp mắt, chỉ cần 30 phút ngủ trưa là mẹ đã hồi phục được phần nào sức khỏe để tiếp tục giờ làm việc buổi chiều. Mẹ cũng không nên “ôm đồm” việc nhà, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của mẹ đó là nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe để đảm bảo sự phát triển của thai nhi và “vượt cạn” thành công. Vì vậy mẹ hãy nhờ ông xã hoặc người thân chia sẻ việc nhà với mình để có nhiều thời gian nghỉ ngơi nhé.
Chế độ ăn lành mạnh
Một chế độ ăn lành mạnh với các loại thực phẩm giàu chất sắt như rau xanh, các loại thịt đỏ, trứng, cá mòi và đậu sẽ giúp mẹ “thổi bay” mệt mỏi khi mang thai. Chị em khi mang thai thường có nồng độ sắt thấp, điều này dễ khiến mẹ cảm thấy kiệt sức. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê cho mẹ toa thuốc bổ sung sắt, mẹ nhớ uống theo hướng dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.
Mẹ nên ăn sáng với các thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, ngũ cố nguyên hạt, gạo và bánh mì. Những thực phẩm này giúp mẹ duy trì năng lượng lâu hơn các thực phẩm chứa nhiều đường và chúng cũng rất hiệu quả trong việc giảm triệu chứng táo bón mà mẹ bầu rất hay gặp phải khi mang thai.
Bổ sung sắt
Một cách dễ dàng để bổ sung sắt đó là uống thuốc có chứa sắt, thuốc sắt ở dạng lỏng sẽ an toàn cho mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai. Loại thuốc uống này thường có kết hợp với acid folic, vitamin B6, vitamin B12 rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ, giúp mẹ tràn đầy năng lượng.
Hạn chế trà và cà phê
Khi mệt mỏi, rất có thể mẹ sẽ “thèm” một tách cà phê. Thế nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tanin được tìm thấy trong trà và cà phê cản trở cơ thể hấp thụ sắt. Vì vậy mẹ không nên hấp thụ nhiều hơn 300mg caffeine mỗi ngày. Thay vào đó mẹ nên uống nước cam, cam chứa nhiều vitamin C giúp hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt hoặc các loại trà thảo mộc, trà bạc hà hỗ trợ hệ tiêu hóa, trà gừng làm giảm buồn nôn hay trà hoa cúc sẽ giúp mẹ thư giãn.
Uống sinh tố trái cây và rau củ
Sinh tố trái cây và rau củ giúp tăng năng lượng tức thời cho cơ thể. Trái cây tươi hoặc để lạnh, thêm một chút sữa và mật ong là mẹ đã có một thức uống tuyệt ngon lại tốt cho sức khỏe. Ngoài sinh tố, mẹ đừng quên uống nước, mẹ cần uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm cho cơ thể.
Các bài tập khiêu vũ nhẹ nhàng
Khiêu vũ cùng âm nhạc nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bớt mệt mỏi và vui vẻ. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng những thai phụ tập thể dục trong khi nghe các giai điệu yêu thích cảm thấy ít mệt mỏi cũng như đạt được hiệu quả tập luyện tốt hơn. Ngoài ra, nghe nhạc nhạc cổ điển, nhẹ nhàng trước khi đi ngủ cũng giúp cơ thể mẹ được thư giãn, dễ dàng có một giấc ngủ ngon.
Massage
Các động tác massage nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ xoa dịu cổ, nhức cơ bắp, đau lưng đồng thời giúp máu tuần hoàn tốt hơn mà còn đem lại cảm giác thư giãn, “giải phóng” chị em khỏi mệt mỏi. Để an toàn cho cả mẹ và bé, tốt nhất mẹ nên tìm đến các chuyên gia massage chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể đến spa, mẹ có thể thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng với sự trợ giúp của người thân. Lưu ý là mẹ chỉ nên thực hiện các bài massage thư giãn với những động tác xoa bóp, vuốt, kéo dài một cách nhẹ nhàng và tuyệt đối không thực hiện bấm huyệt để tránh tạo những cơn co thắt. Hai vùng nhạy cảm là ngực và bụng cũng không nên massage vì sẽ tạo ra cơn gò tử cung.
Tập yoga
Yoga, đi bộ hay bơi lội rất tốt cho thư giãn, tăng độ bền và sự linh hoạt cho cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau nhức. Mẹ nên tham gia một khóa học yoga để biết được các tư thế phù hợp cho phụ nữ mang thai cũng như có cơ hội tuyệt vời để làm quen với các thai phụ khác, cùng trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm để có một thai kỳ khỏe mạnh.