Nên tránh thái độ phê bình thầy cô giáo nếu có vấn đề gì đó liên quan đến con. Hãy đề cập theo cách trung lập, sẽ giúp bạn và giáo viên có được tiếng nói chung.
Bảo vệ con là nhiệm vụ của bạn. Vì thế khi có vấn đề gì với giáo viên của con, bạn sẽ là người lên tiếng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách bạn lên tiếng như thế nào vì theo Suzanne Tingley, một cựu giáo viên, hiệu trưởng, giám thị và là tác giả của cuốn How to Handle Difficult Parents (Cách làm hài lòng các bậc cha mẹ khó tính) thì “với những người dạy dỗ con cái mình, tốt nhất bạn nên tránh thể hiện thái độ phê bình hoặc đòi hỏi”. Thay vào đó “hãy đề cập tới vấn đề bạn quan tâm theo cách trung lập sẽ giúp bạn và giáo viên có được buổi nói chuyện mang tính xây dựng và tìm ra được giải pháp tốt hơn cho con của bạn”.
1. “Cháu nói với tôi rằng, cô giáo không cho cháu đủ thời gian để hoàn thành bài kiểm tra. Tôi muốn được nghe ý kiến của cô về việc này”
Bạn trình bày sự việc và yêu cầu được nghe ý kiến từ giáo viên, có thể bạn cho rằng đây là cách tiếp cận xã giao, tuy nhiên khi giáo viên nghe được như vậy họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Bạn đã tự biến mình thành trọng tài đứng ra phân giải cho hai bên. Thay vì cứng nhắc như trên, Tingley cho rằng bạn có thể đề cập vấn đề một cách nhẹ nhàng rằng “Tôi thấy cháu dường như đang vật lộn với các bài kiểm tra ở lớp, cô giáo có thấy điều đó không ạ?”.
Khi bạn chọn cách tiếp cận vấn đề thông qua việc thu thập thông tin thay vì đặt giáo viên ở thế “phòng thủ”, bạn sẽ có được một cái nhìn tổng thể về sự việc. Và cách này cũng giúp bạn tránh khỏi bối rối nếu phát hiện ra sự thật là con bạn chỉ ngồi vẽ nguệch ngoạc trong mỗi giờ kiểm tra. Từ đó, bạn và giáo viên có thể tìm được cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề của con bạn.
2. “Cháu hiếu động bởi vì cháu thấy buồn chán trong lớp học”
Theo bà Carolyn Bower, một cựu giáo viên mẫu giáo, các giáo viên luôn cố gắng làm cho trường học trở nên thú vị và hấp dẫn với học sinh. Khi ai đó nói lớp học buồn tẻ, điều đó đồng nghĩa việc họ không làm tốt vai trò của mình.
Tuy nhiên, theo Tingley thì điều đó không hoàn toàn chính xác vì “Các bậc cha mẹ thường nói ra như vậy khi giáo viên đề cập tới một hành vi xử sự không tốt nào đó của học sinh. Trong khi vấn đề thực tế là do học sinh không tự kiềm chế được hành vi của bản thân”. Do vậy, thay vì bắt đầu với việc bao biện cho con mình, bạn nên tìm hiểu vấn đề thực sự đang diễn ra và hứa với giáo viên sẽ nói chuyện với con. Và nếu bạn thực sự tin rằng vấn đề không nằm ở phía con thì hãy bắt đầu với một vấn đề cụ thể và giải pháp kèm theo thay vì đưa ra nhận định một cách phiến diện. Ví dụ, bạn có thể nói “Ben đã rất thông thạo các phép tính nhân. Cô có thể giao cho cháu những bài khó hơn được không?”.
3. “Con tôi không bao giờ nói dối. Nếu cháu nói rằng đã nộp bài thì tức là cháu thực sự đã nộp”
Nếu bạn nói như vậy tức là muốn ám chỉ rằng giáo viên đã để lẫn bài ở đâu đó hoặc đang cố tình nói dối. Nhưng theo Tingley, “đôi khi trẻ con sẽ nói dối nếu chúng cảm thấy bị dồn vào chân tường”. Ngay cả khi trường hợp này không xảy ra với đứa con chăm chỉ của bạn, thì việc thừa nhận sự nhầm lẫn và gợi ý một giải pháp là cách tốt nhất trong tình huống này. Bạn có thể nói, “Ben nói rằng cháu đã nộp bài rồi. Tôi không rõ là đã xảy ra việc gì nhưng tôi thấy rất buồn vì cháu đã bị điểm 0. Liệu có phải cháu đã nộp bài chậm không?”.
4. “Chúng tôi sẽ đi nghỉ khoảng một tuần. Cô giáo có thể tổng hợp bài tập cháu cần làm để theo kịp các bạn không?”
Bạn có thể cho rằng, việc yêu cầu như vậy là hợp lý nhưng thật không may là giáo viên có thể cảm thấy một chút khó chịu. Theo Jan Copithorne, giáo viên trung học thì “bạn làm như vậy tức là muốn nói rằng bạn có thể thay thế việc dạy học bằng việc làm một đống bài tập”. Hơn nữa, “rất khó để có thể ước lượng kiến thức trong vòng một tuần và tổng hợp lại cho một học sinh”.
Vì đa số học sinh sẽ cảm thấy rất nhớ trường lớp khi phải nghỉ học, do vậy Copithorne khuyên rằng bạn không nên cho con nghỉ học dài ngày như vậy nếu không thực sự cần thiết hoặc có vấn đề gì cấp bách. Nếu bạn đang lên kế hoạch cho gia đình thì có thể hỏi qua tình hình với giáo viên, ví dụ: các môn sẽ học nội dung nào trong thời gian con bạn nghỉ và chấp nhận thực tế rằng con bạn sẽ phải học đuổi để theo kịp bạn bè khi quay trở về.
5. “Tôi biết rằng cháu không muốn sang năm học lớp chọn, nhưng cháu cần được chuyển sang đó để chuẩn bị cho việc chuyển cấp, do vậy tôi đã thuyết phục cháu đăng ký”
Một số trẻ cần được động viên khuyến khích, một số tự biết khả năng của mình. Bạn có thể biết được khả năng của con mình tới đâu. Vì thế hãy thành thực với bản thân, sau đó hỏi ý kiến giáo viên – thay vì tìm sự ủng hộ – đối với việc đăng ký cho cháu vào lớp chọn. Tingley cho rằng, “không giáo viên nào muốn ép học sinh nếu học sinh không muốn” (và các bậc phụ huynh cũng không nên như vậy). “Và thông thường, khi một đứa trẻ chưa sẵn sàng cho thử thách mới thì cuối cùng cũng sẽ bị chuyển về lớp thường, khi đó chúng sẽ có cảm giác mình thất bại”.
Karren Patterson, một giáo viên nghệ thuật ngôn ngữ bậc trung học, đã chứng kiến rất nhiều học sinh đăng ký khóa học cấp cao để rồi cuối cùng hoàn toàn bị tụt lại vì quá sức. Patterson đã chỉ ra lợi ích của việc tham gia các lớp học thường bao gồm việc học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn cho hoạt động ngoại khóa và các hoạt động này rất hữu ích cho việc chuyển cấp sau này.
6. “Tại sao cô lại giao quá nhiều bài tập như vậy?”
Nếu con gái của bạn thường xuyên phải thức khuya để hoàn thành bài tập và thuyết trình trong cùng một tuần cho cùng một giáo viên thì đương nhiên đây là vấn đề bạn muốn nêu trước tiên trong cuộc họp phụ huynh. Tuy nhiên, bạn không nên làm như vậy vì theo Tingley điều đó có nghĩa là bạn đang nói với giáo viên rằng “Cô không biết cách hoàn thành công việc của mình” và rằng “Tại sao cô không quan tâm tới sức khỏe của con tôi?”.
Thay vào đó, bạn có thể đặt câu hỏi theo cách “Julie đang rất chật vật để hoàn thành các bài tập được giao. Không biết các học sinh khác có gặp khó khăn như vậy không?”. Việc đề cập tới toàn bộ học sinh cho giáo viên thấy bạn không chỉ quan tâm tới con mình và sẽ giúp cho cả bạn cũng như giáo viên có được thay đổi phù hợp. Ví dụ, nếu học sinh nào cũng gặp khó khăn trong việc làm bài tập, thì giáo viên sẽ nhận thấy họ ra yêu cầu quá cao. Nhưng nếu duy nhất con bạn gặp vấn đề đó trong lớp, hãy thảo luận với giáo viên và nhờ họ phụ trợ cho con bạn sau giờ học.
7. “Cháu phải tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khóa sau giờ học, vì thế mà cháu không thể hoàn thành bài đọc”
Trong suốt thời kỳ ấu thơ của con bạn, bạn và giáo viên là những “sếp” thực sự và bạn cũng không bao giờ nói với sếp rằng bạn không làm được bài tập vì quá bận với các bài tập kèn! Theo Tingley, nguyên tắc chung với lớp 1 bạn nên dành khoảng 10 phút làm bài tập mỗi tối, sau đó mỗi năm tăng thêm 10 phút nữa. Như vậy với lớp 4, con bạn sẽ có khoảng 40 phút để làm bài tập, với học sinh trung học sẽ là 2 giờ và như vậy con bạn vẫn có thể dành thời gian cho các hoạt động ưa thích khác. Những học sinh hay tham gia vào hoạt động thể thao, câu lạc bộ ở trường thì thường bận rộn hơn và việc rút con bạn khỏi các hoạt động trên là điều không nên.
8. “Thưa cô giáo, tại sao cháu Ben lại được điểm như thế này?”
Email là công cụ liên lạc hữu hiệu với giáo viên của con bạn. Nhưng không nên dùng email để gửi bất kỳ câu hỏi nào trong đầu bạn cho giáo viên, đặc biệt là khi bạn có cách nào đó hay hơn để tìm câu trả lời. Theo Patterson, người cũng hay nhận được các tin nhắn như trên sau khi trả bài kiểm tra thì “một giáo viên dạy đủ giờ sẽ có khoảng 110 học sinh và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả phụ huynh đều gửi email cho giáo viên?”.
Bất kỳ thắc mắc nào, bao gồm cả thắc mắc về điểm thấp, bạn cũng nên nói chuyện với con trước. Nếu con không biết vì sao và đã đủ lớn, hãy để cháu trực tiếp hỏi giáo viên, đây là cách liên lạc tốt nhất với những thắc mắc cần có thời gian trả lời. Đặc biệt với bậc trung học, học sinh cần chịu trách nhiệm về bản thân. Nếu con bạn hoặc bạn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, hãy gửi cho giáo viên lời nhắn theo cách: “Gia đình có thể thảo luận với cô về các giải pháp để Ben có thể cải thiện được điểm số môn khoa học được không? Cô giáo có thể liên lạc với tôi qua điện thoại nếu muốn”. Tóm lại, bạn cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nói ra, để tránh những hiểu lầm không đáng có.
9. “Con gái tôi và các bạn của cháu không nói chuyện với Ben vì Ben không còn chơi trong nhóm nữa. Đây không phải là đang cô lập bạn mà các cháu có quyền chọn bạn để chơi”.
Không bậc cha mẹ nào tin rằng, con cái họ đang cư xử sai trái với những đứa trẻ khác, do đó khi giáo viên đề cập tới vấn đề này, họ sẽ bao biện cho hành động đó của con mình. Tuy nhiên theo Bower, “khi giáo viên đã nói ra vấn đề này tức là họ hy vọng cha mẹ học sinh có thể giúp để cải thiện tình hình”. Còn theo Tingley, với những học sinh nữ cần phải khéo léo hơn học sinh nam vì các cuộc cãi vã giữa học sinh này diễn ra thường xuyên hơn. Bạn có thể giúp ngăn chặn sự việc đang diễn ra nhưng không phải bằng cách hỏi xem giáo viên đã chứng kiến được việc gì ở lớp và về hỏi con bạn tại sao lại thì thầm sau lưng bạn khác hoặc tại sao lại tuyên truyền thông tin không đúng về bạn khác. Đó hoàn toàn là một cách sai lầm.
10. “Tôi đã nói chuyện với hiệu trưởng về việc cô giáo đã đánh trượt một nửa lớp trong kỳ thi vừa rồi và hiệu trưởng nói rằng, tôi cần phải nói chuyện với cô trước”
Tingley cho rằng, “nếu bạn muốn để lại ấn tượng xấu với giáo viên thì đây chính là cách bạn cần làm. Chẳng có gì bực mình hơn là việc ai đó đem một vấn đề nào đấy nói chuyện với sếp của bạn trước khi bạn có cơ hội để sửa sai”. Với tư cách là phụ huynh, bạn thường có xu hướng làm như vậy nếu không muốn nói chuyện với giáo viên mà bạn không thích hoặc nếu bạn buồn phiền vì điều gì đó, ví dụ điểm không công bằng. Vì thế trừ khi có việc gì đó thực sự quá đáng xảy ra, ví dụ giáo viên đe dọa hoặc sử dụng vũ lực với con bạn, thì lúc đó hãy đề cập vấn đề trực tiếp với hiệu trưởng. Còn trong hầu hết trường hợp bạn nên tuân theo trình tự.