Biết bao tình huống bi hài xảy ra khi cha mẹ, ông bà dạy con cháu nhai cơm.
Dạy con nhai cơm: sớm không được, muộn không xong
Nhìn trẻ khác ở hàng xóm 10 tháng đã biết nhai cơm, nhai thịt “như gió”, bà Ngọc (Hàng Gà, Hà Nội) – mẹ chồng chị Thanh cuống quýt lo cháu không phát triển bằng bạn bằng bè.
Muốn cháu cứng cáp, mẹ chồng chị Thanh và chị mâu thuẫn rất lớn trong việc dạy dỗ con. Nhìn con dâu xay cháo, xay thịt cho bé mà bà nhất định không cho. Bà bảo: “Nó có răng chứ có móm đâu mà cái gì con cũng cho hết vào xay nhuyễn như thế”.
Bà thẳng thắn, bà cũng phân tích rằng nếu không tập nhai sớm cho bé, bé sẽ lười ăn, sẽ còi cọc. Không muốn gia đình xảy ra mâu thuẫn, chị Thanh cũng không nói gì nhiều.
Ngay từ khi bé Bi được 15 tháng tuổi, bà đã tập cho bé ăn cơm dù bé chưa mọc đủ răng, chưa sẵn sàng ăn cơm. Chị ở nhà thì bé ăn cháo, chị đi làm thì bà cho bé ăn cơm, thịt, bánh quy, quẩy nóng… Một lần, đi làm về, chị khóc thét khi chứng kiến cảnh mẹ tét cháu bôm bốp để ép cháu ăn cơm.
Trái với mong muốn của cả nhà, bé vẫn chẳng lớn, chẳng có tiến triển về cân nặng, bé 18 tháng tuổi chỉ nặng vỏn vẹn có 8,1 kg – 70cm. Đi khám, chị hốt hoảng khi biết nguyên nhân bé gày yếu là do bị rối loạn tiêu hóa vì việc bị cho ăn cơm khi còn quá sớm.
Trái với trường hợp của chị Thanh là nhà chị Phượng (Mai Dịch, Hà Nội). Bé nhà chị Phượng đã ngấp nghé 3 tuổi nhưng vẫn chưa biết nhai cơm, cứ cho miếng cơm hay thịt vào miệng, bé lại nhè ra ngay. Chị tâm sự: “Cả gia đình đã cố gắng tập cho bé ăn cơm bằng nhiều cách: dỗ dành, nịnh nọt, mắng mỏ nhưng bé chỉ cầm nghịch trên tay chứ không ăn. Nếu ép bé, bé sẽ nôn thốc nôn tháo. Vì vậy mình càng sợ không dám tập cho con”.
Đi đâu, chị cũng ái ngại khi mọi người đều hỏi thăm: “Ớ, cháu 3 tuổi vẫn ăn cháo á?”.
Cùng hoàn cảnh là chị Tâm (Thanh Nhàn, Hà Nội), chị cũng chán nản vô cùng khi bé Ỉn đã 3 tuổi rồi nhưng chẳng chịu nhai. Chị tập cho bé được 1 thời gian rồi nhưng bé chỉ nuốt chửng. Chị lo lắng vô cùng khi bé là nhân vật duy nhất trong lớp mầm non chưa biết nhai cơm.
Chị tâm sự: “Trộm vía bé ăn cháo thì nhanh lắm nhưng nhai cơm lại rất chậm, chỉ nuốt, nhiều khi con bị nghẹn mặt mũi đỏ gay, thương lắm mà mình không biết phải làm sao”. Dạy bé ăn cơm đúng cách là điều chị vô cùng quan tâm.
Dạy bé ăn cơm đúng lúc, đúng cách
Trả lời về vấn đề này, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực – Viện Bảo hộ lao động chia sẻ, cha mẹ không nên cho bé ăn cơm khi còn quá sớm. Việc cho bé ăn cơm sớm sẽ khiến hệ tiêu hóa của con bị ảnh hưởng, tổn thương và dẫn tới suy dinh dưỡng.
Cha mẹ nên luyện tập cho bé nhai bằng cách cho bé ăn những thực phẩm từ mềm tới cứng dần, mức độ thô tăng dần đều: Bánh quy mềm, quả mềm, rau hấp mềm… Cha mẹ nên luyện cho bé ăn cơm bắt đầu từ sự chuẩn bị dần dần, từ cháo nhuyễn, sang đặc, đặc dần, cơm nát, cơm mềm, đến cơm khô. Thực đơn của con cần đủ chất, thịt nên ninh mềm, cắt nhỏ, mỏng, các món rau cũng vậy, nhưng nên bỏ vào nấu sau cùng để giữ được màu đảm bảo chất dinh dưỡng trong chúng vẫn có đủ vitamin. Tập cho bé tự nhai một số thức ăn mềm như: chuối, xoài, đu đủ, trứng luộc…
Với những bé có thói quen ngậm cơm, cha mẹ không nên cho bé ăn vặt trước bữa chính. Lúc đầu chỉ nên tập cho bé ăn vài thìa cơm, sau đó cha mẹ nên cho bé ăn cháo thêm cho đủ no rồi theo dõi việc đi ngoài của con. Nếu thấy trẻ vẫn ăn tốt, ngủ, chơi và đi ngoài bình thường thì cha mẹ hãy mạnh dạn cho bé ăn cơm tăng thêm. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, nếu trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hay ăn được ít, phụ huynh không nên sốt ruột. Cha mẹ hãy cho bé ăn từ từ một chút một rồi tăng dần.
Không nên ép con ăn khi con không muốn, việc ép buộc sẽ khiến bé sợ hãi, không hợp tác. Cha mẹ nên dạy con thích ăn cơm qua những câu chuyện kể, những bài hát, hình thù món ăn ngộ nghĩnh, bằng sự chế biến hợp khẩu vị. Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi món ăn cho bé, tìm ra món ăn thích hợp để khiến con thèm ăn, kích thích vị giác, hợp tác nhai cơm.
Thời điểm cho bé tập làm quen với ăn cơm hợp lý nhất đó là sau 19 – 20 tháng tuổi – thời điểm này bé đã có ít nhất 16 chiếc răng, bé lúc này mới hoàn toàn sẵn sàng chuẩn bị nhai cơm. 2 tuổi là thời điểm bé sẵn sàng cho việc ăn cơm.
Việc cha mẹ cho con ăn cơm muộn cũng không phải là tốt. Điều này cũng sẽ khiến bé biếng ăn, chán ăn, dẫn tới gày yếu. Việc chỉ nuốt cháo khiến cơ nhai của bé không phát triển.