Nằm trên độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển ở vùng biên giới Việt – Lào có một ngôi trường bán trú mà các thầy cô nơi đây thường gọi trường 4 khổ. Khổ vì thiếu chỗ ăn, chỗ ở, vệ sinh, đặc biệt là không có nước sinh hoạt hằng ngày. Học sinh nới đây đi học ngoài mang cặp sách còn phải mang theo can, gùi để cõng nước phục vụ chính bữa ăn hằng ngày của các em… Đó là trường Phổ Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ơm, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Thầy giáo Trần Hữu Nhất, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “10 năm gắn bó với trường nhưng chưa bao giờ thấy khó khăn như năm học này. Mặc dù được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng mới lại toàn bộ khu trường học tại vị trí mới, nâng cấp từ trường Tiểu học Ch’ơm thành trường Phổ Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ch’ơm để phục vụ cho việc học tập của học sinh 2 xã Gari và Ch’ơm. Tuy nhiên, điều kiện ăn ở của thầy cô và của học sinh nơi đây là vấn đề nan giải, quá nhiều khó khăn, thiếu thốn… nhất là nguồn nước sinh hoạt”.
Trong năm học 2013-2014, toàn trường có 508 học sinh từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở. Trong đó có 253 em THCS được chuyển từ trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Lý Tự Trọng (đóng tại xã Axan) về học. Ngoài cơ sở chính, nhà trường có 4 điểm trường thôn và vẫn còn phải dạy theo chế độ lớp ghép 2 trình độ ở bậc tiểu học và mầm non. Toàn trường có 51 cán bộ giáo viên, công nhân viên, trong đó có 14 giáo viên Trung học cơ sở, 19 giáo viên tiểu học, 5 giáo viên mầm non, 11 nhân viên cấp dưỡng và 1 nhân viên y tế học đường.
Nói là trường mới nhưng thực chất chỉ mới xây dựng xong khu học tập còn toàn bộ khu nhà ở giáo viên, nhà ở học sinh, khu nhà bếp đều tạm bợ, chủ yếu dùng khu nhà gỗ của trường cũ vận chuyển về làm tạm… Mọi thứ đều xuống cấp, hư hỏng. Gần 40 giáo viên nơi đây phải ở tạm khu nhà làm việc của UBND xã Ch’ơm, hơn 300 học sinh bán trú phải ở tạm một số phòng học.
Phần lớn các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 khi đi học, ngoài việc mang cặp sách còn phải mang theo can và gùi để cõng nước phục vụ chính bữa ăn hằng ngày của các em. Em nhỏ thì mang theo can từ 1 đến 2 lít, em lớn thì mang can 5 đến 10 lít. Cô giáo Võ Thị Mi Sa cho biết: “Điều kiện ăn ở, sinh hoạt của giáo viên khó khăn, không điện, không nước, không chỗ ăn, ở, không nhà vệ sinh… Đa số giáo viên phải đi bộ gần 2 km để lấy nước từ thôn Achoong về dùng. Học sinh thì vất vả hơn, các em tự rửa chén bát sau khi ăn, tự xuống thôn tắm giặt và ngày ba bữa (sáng, trưa, chiều), các em đều phải tự đi lấy nước để các cô cấp dưỡng nấu ăn, rồi cuối tuần phải đi lấy củi để phục vụ nấu nướng cho tuần sau.
“Việc lo ăn ở cho học sinh nơi đây rất vất vả, nhất là học sinh tiểu học vì các em còn quá nhỏ chưa có ý thức vệ sinh cá nhân, cũng như tự ăn uống, dọn dẹp… Các em ở đây được ăn ba bữa. Bữa sáng là mì tôm, còn thức ăn bữa chính chủ yếu là cá khô xào, tép khô nấu canh. Cả tuần vừa qua, mưa lớn tắc đường chỉ dùng toàn cá khô thôi” – chị Alăng Thị Choi, người có thâm niên 10 năm phục vụ nấu ăn cho học sinh và giáo viên nhà trường chia sẻ.
Thầy Trần Hữu Nhất cho biết: “khi về trường mới chỉ có duy nhất cơ sở chính, nhà trường phải huy động phụ huynh rồi nhờ bộ đội biên phòng 651 đến giúp dọn dẹp, di dời trường cũ, làm nhà ăn tạm. Báo Khăn quàng đỏ thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đến thăm và tặng cho trường 4 bồn nước 5 nghìn lít để nhà trường hứng nước mưa dùng tạm. Mấy ngày nay trời không mưa nước cũng hết luôn”. Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang đã mua cấp 10 tấn gạo và một số thực phẩm khô cần thiết phục vụ trong mùa mưa… Hiện nay các em học sinh bán trú đều có chế độ hỗ trợ ăn ở theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 40% lương cơ bản/em/tháng, nhưng trước mắt nhà trường phải tự “tạm ứng” mọi thứ để phục vụ cho các em.
Để khắc phục khó khăn, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang đã hỗ trợ 10 bồn chứa nước cỡ lớn, mua thêm 1máy bơm nước, 200 mét ống nhựa để bơm tạm nguồn nước từ ao về phục vụ tắm rửa, vệ sinh cho các em, vận động nhân dân đóng góp ngày công hoàn thiện làm khu nhà ở cho học sinh... Tuy nhiên, giải pháp này cũng khó khả thi vì không có kinh phí mua dầu chạy máy bơm. Thêm nữa, nguồn nước bơm dùng không đảm bảo vệ sinh dễ xảy ra dịch bệnh.
“Huyện Tây Giang cũng đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn khảo sát làm đường nước tự chảy nhưng để có nguồn nước sạch này cần phải mất vài tháng, thậm chí cả năm vì ngôi trường nằm ở vị trí quá cao so với nhiều con suối xung quanh”, ông Huỳnh Kim Tín, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Giang thở dài.