Theo PGS, TS Trần Thiết Sơn sau PTTM nâng ngực vẫn có thể cho bú đối với phương pháp đặt túi silicon phía sau.
Một độc giả chia sẻ thắc mắc về chuyện làm ngực có cho con bú được hay không: “Em sinh năm 91, mới lấy chồng được nửa năm. Em được trời ưu ái cho làn da rất đẹp nhưng ngực thì lại hầu như là “phẳng lì”. Lấy chồng về, anh hứa sẽ cho em tiền sửa ngực nên đợt này, em đã tốn rất nhiều công sức tìm hiểu trên mạng để lựa chọn phương pháp phẫu thuật hợp lý. Vậy mà “đùng một cái”, hôm vừa rồi, anh lại thủ thỉ với em là muốn sinh con, bảo em thôi đừng làm ngực nữa kẻo không cho con bú được”
Độc giả này lý giải, bằng chứng là rất nhiều hotgirl và các sao vẫn sửa ngực từ khi còn rất trẻ. “Một số ca sĩ, diễn viên sửa ngực xong vẫn có con và nói rằng bản thân đang nuôi con bằng sữa mẹ đấy thôi. Chỉ vì chuyện này mà hôm đấy em và anh đã tranh cãi khá to tiếng. Chúng em giận dỗi nhau cũng đã mấy ngày rồi. Em tìm hiểu trên mạng thì không thấy thông tin gì nên muốn hỏi ý kiến”, độc giả này viết
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật – Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết: “Nỗi lo đó là có cơ sở. Bởi, quá trình nâng ngực sẽ phụ thuộc vào kỹ thuât của bác sĩ có làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến vú hay việc tiết ra sữa của mẹ khi có con hay không. Với phương pháp đặt túi ngực sau cơ để nâng ngực sẽ không làm ảnh hưởng gì đến chức năng tiết sữa của tuyến vú. Còn phương pháp đặt túi ngực trước cơ thì sẽ không còn khả năng tiết sữa của vú. Việc quyết định đặt túi ngực trước cơ hay sau cơ là do bác sĩ quyết định. Còn dùng biện pháp nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân sẽ không ảnh hưởng gì đến chức năng tuyến vú hay việc tiết sữa khi có con”.
Theo bác sĩ Sơn, phụ nữ nên chọn cách nâng ngực bằng túi silicon an toàn hơn nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân. Nhiều người bị nhầm lẫn rằng, dùng mỡ tự thân là chỉ hút ở bụng và bơm vào ngực mà không phải phẫu thuật. “Nâng ngực bằng mỡ tự thân có liên quan đến phẫu thuật tức là sẽ cần đến gây mê. Nếu kỹ thuật gây mê không được đảm bảo sẽ có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Mặt khác, khi hút mỡ ở bụng để bơm vào ngực sẽ tiềm ẩn nguy hiểm. Điều này đã được y văn cảnh báo, việc bơm mỡ hút từ bụng vào ngực có thể bơm vào mạch máu, khiến cho mỡ đi khắp cơ thể”, PGS, TS Trần Thiết Sơn cảnh báo. Theo bác sĩ Sơn, rõ ràng dùng túi chất liệu silicon đê nâng ngực sẽ an toàn hơn là nâng ngực bằng mỡ tự thân.
Với một người phụ nữ khi quyết định chuyện nâng ngực cần phải có sự suy nghĩ kỹ càng, đặc biệt tìm hiểu, lựa chọn cơ sở được cơ quan y tế cấp phép. Mặt khác, phải có nhu cầu thực sự, có kiến thức hiểu biết về nâng ngực, có kinh tế và có đủ sức khỏe.
“Tất cả những phụ nữ có nhu cầu nâng ngực sẽ được kiểm tra sức khỏe trước khi thực hiện. Các yếu tố về sức khỏe phải đảm bảo tốt, đặc biệt là tất cả xét nghiệm đều đảm bảo không ảnh hưởng quá trình gây mê”, bác sĩ Sơn nói thêm.
Cũng theo bác sĩ Trần Thiết Sơn, một ca phẫu thuật nâng ngực chỉ kéo dài trong vòng 55 phút -60 phút. Nếu kéo dài lâu hơn sẽ làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Một cách nâng ngực khác mà có thể tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân là nâng ngực bằng mỡ tự thân. Nếu được tiến hành ở những cơ sở được ngành y tế cấp phép, có đủ trang thiết bị, bác sĩ chuyên môn cao thường không có vấn đề gì. Còn nếu, tiến hành ở những nơi không đảm bảo, bác sĩ không có kỹ thuật có thể gặp những biến chứng như tụ máu, nhiềm trùng (rất hiếm gặp), hoại tử, tạo nang, calci hóa….
Bác sĩ Sơn khuyên thêm: “Nếu đang chăm sóc con nhỏ trong vòng từ 3 tuổi trở xuống, chị em phụ nữ không nên đi cắt, hút mỡ bụng và không được hút quá 1,5 lít mỡ ra khỏi cơ thể trong một lần phẫu thuật dù bệnh nhân ở thể trạng nào”.
Theo y văn về phẫu thuật thẩm mỹ, đa phần nguyên nhân tử vong sau hút mở là nghẽn mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu. Ngoài ra, phù phổi và suy tim cũng là biến chứng có thể xảy ra khi hút mỡ. Trong hút mỡ khối lượng lớn có sử dụng bơm dịch nhiều dẫn tới việc đưa vào một lượng dịch lớn không kiểm soát được. Nguyên nhân của phù phổi là do đưa vào quá nhiều dịch, hoặc do suy thận hoặc suy tim có từ trước hoặc mới xuất hiện.
Về vấn đề lo lắng cho con bú có thể khiến ngực mẹ chảy xệ, bác sĩ Nguyễn Duy Hợp (Khoa sản – Bệnh viện Việt Nhật) cho rằng: “Việc cho trẻ bú mẹ không gây chảy xệ hay không làm xấu ngực của mẹ”. Việc ngực xấu hay không, không phải do bé bú mà là do trong quá trình mang thai kích thước vú đã có sự thay đổi. Ngực không bao gồm các cơ bắp và dây chằng. Thay vào đó, ngực chỉ có các mô mỡ và đó là lý do khiến ngực dễ bị chảy xệ. Trong thời gian mang thai, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến vòng 1 để chuẩn bị cho quá trình chúng ta cho con bú. Số lượng các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực trở nên lớn hơn làm ngực giãn nở, thậm chí rạn da. Vú bị căng sữa liên tục có thể làm ngực biến dạng sau khi cai sữa. Mặt khác, cũng tùy theo cơ địa của từng người, vú sẽ có hình dạng khác nhau sau sinh.
Người mẹ cần cho con bú đúng tư thế, bú đều hai bên ngực, chịu khó mặc áo lót cho con bú, massage ngực nhẹ nhàng trước và sau khi cho ti, duy trì chế độ ăn uống hợp lý để tăng độ đàn hồi cho cơ ngực và vùng da ngực là những cách thiết thực nhất nhằm giữ dáng ngục khi cho con bú.