Giáo sư, Tiến sỹ Robert C.Titzer khẳng định rằng: việc giúp trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc luôn có kết quả tốt hơn.
Khi chào đời, não bộ của trẻ có hàng tỷ tế bào não. Cứ mỗi giây có hàng chục ngàn kết nối mới của tế bào não được hình thành. Điều quan trọng là cha mẹ cần tạo được những kích hoạt giữa các tế bào não bộ đó bằng phương pháp kích thích trẻ qua 5 giác quan (cho trẻ nghe, nhìn, nếm, ngửi và sờ). Hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ và giải thích cho trẻ hiểu các sự vật và hiện tượng xung quanh.
Giáo sư, Tiến sỹ Robert C.Titzer (Mỹ) – cha đẻ của phương pháp giáo dục đa giác quan khẳng định rằng việc giúp trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc luôn có kết quả tốt hơn. Sự phối hợp các giác quan sẽ khiến các synapse thần kinh được gia tăng kết nối, tiếp nhận dẫn truyền thông tin diễn ra nhanh hơn, các vùng chức năng não phải hoạt động liên tục để xử lý thông tin, từ đó, tăng cường khả năng nhận biết, tư duy, ghi nhớ.
Mỗi giác quan phát triển một cách riêng biệt và có những đặc tính riêng, tuy nhiên đối với trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, thông thường mỗi lần tương tác hoặc khám phá thế giới xung quanh đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa hai hay nhiều hơn nữa các giác quan. Chẳng hạn, khi chơi với một món đồ chơi, trẻ cầm nó lên (sờ – xúc giác), lắc (nghe – thính giác), thậm chí còn cắn (nếm – vị giác) hoặc ngửi (khứu giác) nó nữa. Bằng cách sử dụng hai giác quan riêng biệt ở cấp độ cao hơn, thông tin từ các giác quan này kết hợp với nhau giúp trẻ có một khái niệm tổng thể về đồ vật đang ở trước mặt.
Phương pháp học đa giác quan là phương pháp mà qua đó trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc. Khi trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc thì sẽ học tốt hơn. Phương pháp học này thường gây hứng thú nhiều hơn đối với trẻ, tạo hiệu quả nhiều hơn vì các kênh thần kinh được hình thành giữa các vùng khác nhau của não sẽ nhận được những thông tin đa cảm giác.