Con trai út tôi vừa tròn 2 tuổi, cháu là một đứa trẻ hiếu động thông minh. Gia đình tôi có 4 thành viên, có kinh tế trung bình và cuộc sống tình cảm rất gần gũi đầm ấm. Cháu được mọi người chăm sóc yêu thương, chiều chuộng, trong nhà lúc nào cũng toàn tiếng cười. Vậy nhưng cháu lại rất cục tính, hễ làm gì không vừa lòng cháu là cháu giãy nẩy lên, vật mình xuống đất, gào khóc la hét. Khi chơi với chị hay mọi người, nếu trái ý cháu là cháu túm tóc, thẳng tay tát vào mặt hay cầm các đồ vật trên tay ném vỡ tan tành. Tôi khuyên can thì cháu không nghe, vẫn tiếp tục tấn công, tôi quát cháu thì cháu dừng lại nhưng gào lên khóc. Lôi cháu ra và bày cháu các trò chơi khác cho cháu nguôi đi thì cháu quay sang đánh mẹ.
Tình trạng này kéo dài khoảng 8 tháng nay, từ khi cháu có cuộc can thiệp mổ bỏ một bên mắt bị ung thư võng mạc. Tôi không biết việc can thiệp phẫu thuật có liên quan gì đến tính hung hãn của cháu không vì tuy cháu còn một mắt nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, cháu chưa bị di căn nên không phải điều trị thuốc sau phẫu thuật. Con mắt bỏ đi của cháu được đặt mắt giả và mọi người xung quanh vẫn luôn gần gũi, yêu thương bé. Tôi đã thử các cách ngọt ngào và cả cứng rắn với cháu nhưng tình trạng không cải thiện mấy. Xin chuyên mục tư vấn cho tôi cách giáo dục hay tác động sao cho cháu thuần tính đi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Chào chị.
Xin giải đáp thắc mắc của chị như sau: Hiện tượng bé cộc tính, khó chịu, làm dữ… nếu không hài lòng theo lời chị kể có thể do bé đã được yêu thương một cách quá mức mà chưa có một giới hạn hay ranh giới rõ ràng giữa việc khen – chê. Chính việc yêu thương quá mức từ gia đình khiến bé hình thành suy nghĩ “mình là trung tâm”. Nghĩa là mọi việc bé yêu cầu đều đúng và mọi người phải làm theo, bởi vì bé được yêu thương nên bé có quyền làm điều đó. Vô tình, chính tình yêu của gia đình góp phần vào việc cho phép bé được có những hành vi cộc tính như vậy.
Khi bé bị khiếm khuyết 1 mắt, tôi hiểu gia đình rất đau thương nên dành tình cảm cho bé nhiều hơn với mong đợi sẽ bù đắp cho bé, để bé không thấy tủi thân. Tuy nhiên, vì yêu thương nên lại càng bù đắp, càng bù đắp lại càng dễ dàng với bé… và chính việc bù đắp, yêu thương, dễ dãi như vậy dẫn đến một hiện tượng mà chúng tôi gọi là “bội thực tình cảm”. Nghĩa là bé được quá dư đầy tình yêu thương, bé có quyền yêu cầu mọi điều vì luôn được gia đình đáp ứng mà không cần quan tâm đâu là giới hạn được phép và giới hạn không được phép.
Bị bội thực về tình cảm nên bé không có các trải nghiệm về stress tích cực để có thể hình thành thế giới quan, về giới hạn giữa việc được làm và không được làm. Chính vì vậy, việc điều chỉnh những hành vi của mình sẽ rất khó diễn ra ở bé, bởi lẽ bé không biết được đâu là giới hạn cho mình, hoặc là những giới hạn này quá mù mờ. Để hỗ trợ bé, gia đình cần xây dựng những giới hạn cho bé trong hành vi ứng xử, nghĩa là cần rõ ràng trong việc khen chê và đòi hỏi khen chê đúng mực. Nếu bé làm đúng, hãy nhớ khen ngợi, khích lệ, động viên; nếu bé làm sai, hãy tỏ thái độ không hài lòng với hành vi ấy (chứ không phải với bé) bằng lời nói và những yếu tố “phạt” kèm theo nhằm để hành vi kia không được lặp lại. Cần có những ranh giới rõ ràng giữa việc bé được phép và việc bé không/chưa được phép. Như vậy sẽ góp phần để bé điều chỉnh hành vi của mình. Chúc chị và gia đình sẽ chăm sóc bé hiệu quả.