Theo BS Lê Đình Hưng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV E), trẻ mới bị viêm tai giữa chưa đến mức thủng màng nhĩ.
Một độc giả chia sẻ những lo lắng của mình về việc cho con nằm ăn có khiến bé bị viêm tai giữa: “Có một hôm, vì quá mệt mỏi với việc ăn uống lung tung của con mà em đâm ra bực mình. Em cứ để con nằm nguyên trên giường rồi đút bình vào miệng. Kỳ là thay là con lại bú rất ngon lành. Hôm đấy, lần đầu tiên sau gần 1 tháng trời bỏ ăn, con lại ăn hết veo 150ml sữa mẹ. Em mừng quýnh! Vậy là từ đấy, cứ mỗi lần cho ăn em lại để con nằm ngửa ra giường rồi dốc bình vào miệng cho bé bú. Ăn như vậy tuy có rớt sữa nhiều hơn một chút nhưng con ăn ngoan và nhanh hơn hẳn”.
Tuy nhiên, một người bạn của độc giả này cho hay: “Cô ấy nói rằng con cô ấy (hơn Chum nhà em 2 tháng) dù có lười ăn, ăn ít cũng không bao giờ cô ấy cho con ăn kiểu như của em. “Dùng mấy trò đấy để ép con ăn có ngày ân hận. Trẻ ăn nằm rất dễ vị sữa tràn vào tai gây viêm tai giữa, hỏng chức năng nghe” – cô bạn phân tích. Nghe cô bạn nói mà em vừa cho con ăn vừa run. Một mặt cũng cảm thấy xấu hổ vì cô ấy nói như thể em là người mẹ bất chấp mọi giá để nhồi nhét con ăn sữa. Vậy nhưng nếu cứ bế Chum thì con lại dứt khoát không ăn khiến em bối rối quá”
Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Hưng (Trưởng khoa Tai- Mũi – Họng, Bệnh viện E, Hà Nội) cho biết, cách ăn của trẻ có thể ảnh hưởng một chút đến vấn đề viêm nhiễm đường hô hấp trên, trong đó có viêm tai. Không phải tất cả các trẻ khi ăn đều bị sặc, nếu không bị sặc thì không ảnh hưởng và không gây viêm nhiễm. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống bất ngờ bị sặc, thức ăn có thể lên mũi hoặc theo đường thông từ mũi lên tai sẽ gây viêm nhiễm.
“Khi trẻ bị viêm tai giữa giai đoạn đầu thì không đến mức thủng màng nhĩ, bởi chỉ là viêm xung huyết. Tuy nhiên, nếu điều trị không đến nơi đến chốn, giai đoạn 2-3 sẽ có nguy cơ thủng màng nhĩ”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Về nguyên tắc cho trẻ ăn, theo bác sĩ Hưng, phụ huynh không được đặt bé nằm ngả rồi cho bú bình hay cho ăn cơm, cháo… Chú ý có thể tham khảo việc bế trẻ sao cho đầu bé ở một độ nghiêng nhất định, giúp tránh sặc thức ăn. “Khi bế trẻ nằm nghiêng ở một độ nghiêng nhất định sẽ đảm bảo thức ăn theo đường ăn xuống dạ dày, mặt khác giúp mẹ gần gũi con. Khi bế con như vậy cũng sẽ kiểm soát việc ăn của trẻ, bé không đùa nghịch lúc ăn”, bác sĩ Lê Đình Hưng nói thêm.
Về cấu trúc của tai, theo bác sĩ Hưng, tai của bất kỳ người lớn hay trẻ con gồm 3 phần tai ngoài, tai giữa, tai trong. Trong đó, tai ngoài tính từ vành tai qua lỗ tai đến ống tai ngoài tới màng nhĩ. Tai giữa là khoảng không nằm từ màng nhĩ đến thành trong của tai giữa gọi là hòm tai. Tai trong là tính từ thành trong hòm tai vào bên trong, bao gồm tiền đình ốc tai.
“Bệnh viêm tai giữa tức là xảy ra ở bộ phận hòm tai. Với tai giữa, có đường thông với mũi qua vòi nhĩ (Eustachian Tube). Khi trẻ viêm mũi, họng rất dễ dẫn đến viêm tai giữa”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Nguyên nhân viêm tai giữa thường do viêm nhiễm ở đường mũi, họng, vi khuẩn thâm nhập theo đường vòi nhĩ lên tai gây viêm. Viêm tai giữa ở trẻ em có nhiều mức độ, thông thường là viêm tai dạng ứ dịch. Một dạng khác là viêm tai giữa cấp dạng xung huyết, ứ mủ, hoặc vỡ mũ, thủng mãng nhỉ, mũ chảy ra ngoài.
Về triệu chứng ban đầu để chẩn đoán là trẻ bị viêm tai giữa, bác sĩ Lê Đình Hưng chỉ rõ: “Với trẻ chưa biết nói, triệu chứng khi bị viêm tai giữa là xuất hiện viêm mũi, hong. Ngoài ra, trẻ có thể lắc đầu, ngủ không yên, lấy tay ngoáy tai. Còn với trẻ đã biết nói, có thể trẻ sẽ kêu là đau tai, cảm giác có con gì trong tai, phản xạ âm thanh chậm hơn, nghe không rõ. Khi có các triệu chứng đó thì cần đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra tai, mũi, họng, đặc biệt nội soi tai để phát hiện viêm tai giữa kịp thời”.
Về biến chứng vi khuẩn gây viêm tai giữa có thể thâm nhập lên não. bác sĩ Hưng cho hay: “Với trẻ nhỏ có thể gặp vấn đề này nhưng ít. Viêm tai giữa biến chứng lên não thường là viêm tai giữa mãn tính, dẫn đến viêm xương chũm mãn tính. Điều này gây bào mòn xương tính từ tai lên não. thành xương mỏng dần nên vi khuẩn có thể thâm nhập lên não có thể gây ra biến chứng lên não”.
Viêm tai giữa lắm hậu quả
Điều trị viêm tai giữa không kịp thời, dứt điểm sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ, sức nghe giảm đi, gây ra sự khó chịu khi nước tai chảy ra, nặng hơn có thể biến chứng lên não gây áp xe não, gây viêm màng não…vi khuẩn ăn mòn xương xung quanh tai gây liệt mặt, méo miệng, thậm chí vi khuẩn từ tai giữa vào tai trong gây rối loạn tiền đình…
Theo bác sĩ Hưng, với biểu hiện của viêm tai giữa giai đoạn đầu sẽ điều trị theo hướng chữa viêm mũi họng, kiểm soát vấn đề này tốt thì tai cũng sẽ tốt hơn. Nếu mũi, họng đã ổn nhưng tai chưa khỏi thì tùy theo giai đoạn sẽ phải điều trị như làm thuốc tai, hút rửa tai và nhỏ tai.
Với tai bị viêm ứ dịch, điều trị viêm mũi họng tích cực mà tai không đỡ thì phải chích màng nhĩ để dịch thoát ra, cũng có thể kèm theo là đặt ống thông khí vào tai. Viêm tai giữa nếu chảy mũ bị tái lại nhiều lần, nếu bị thủng màng nhĩ có thể phải phẫu thuật. Ngoài ra, khi bị tái đi tái lại sẽ cần chú ý nạo VA nếu cần thiết.
“Tuy nhiên, phụ huynh lưu ý, khi con bị viêm tai giữa tuyệt đối không được mua thuốc về tự điều trị, mà cần phải đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa. Bởi, có loại thuốc nhỏ tai chỉ dành cho tai giữa, có loại chỉ dành cho tai trong. Nếu phụ huynh nhầm lẫn giữa các loại thuốc cũng để lại những di chứng cho tai như sức nghe kém”, bác sĩ Hưng lưu ý.
Để phòng bênh viêm tai giữa, cần giữ vệ sinh tai, mũi, họng. Khi tắm hoặc đi bơi lội tránh để nước vào tai, lấy ráy tai tránh tổn thưởng màng nhĩ.