Mục đích khi nói “không” là để bé tự nhận thức đuợc hành vi tốt – xấu. Và nếu không cương quyết với bé ngay từ đầu, rất có thể nỗ lực dạy dỗ bé của cha mẹ sẽ trở nên lãng phí.
Dưới đây là những tình huống mẹ phải kiên quyết nói “không” với con:
1. Khi bé gặp nguy hiểm
Không có gì ngạc nhiên nếu các bé thích chạy nhảy, leo trèo và khám phá nhưng khi bé thực hiện việc gì đó nguy hiểm, bạn nên dừng bé lại cho dù bé đang vui vẻ.
Bạn cần nâng cao giọng, nhìn vào bé và nghiêm khắc nói “không” để mệnh lệnh của bạn được phát huy sức mạnh. Bé có thể không hiểu vì sao hoạt động vui chơi của mình đột ngột bị gián đoạn; do đó, cha mẹ nên tìm một vài tính từ đơn giản như “nóng” hoặc “trơn” để mô tả tình trạng nguy hiểm cho bé.
2. Khi bé làm đau người khác
Dưới 3 tuổi, bé thường không tự phân biệt những hành vi gây hại cho bản thân hoặc người đối diện, trừ khi bạn chỉ ra cho bé, chẳng hạn, khi bé đá (hoặc cắn bạn chơi).
Nguyên nhân của hành động này thường xuất phát khi bé giận dữ hoăc cáu kỉnh. Điều quan trọng là bạn nên dừng bé lại đúng lúc nhưng không quên bỏ qua tâm trạng của bé.
Có thể giữ bé lại và nói: “Mẹ biết con đang giận nhưng không được cắn/đá/đánh người khác”. Sau đó, gợi ý cho bé nói lời xin lỗi với người vừa bị hại.
3. Khi bé mè nheo
Lời nói “không” từ cha mẹ đồng nghĩa với việc chấm dứt cơn cáu kỉnh, khi bé không nhận được thứ mình muốn.
Nếu bé mệt mỏi, bạn sẽ rất vất vả khi muốn giữ bình tĩnh cho bé nhưng bạn cần dứt khoát nói “không” – như thế mới tránh được những cơn mè nheo tương tự trong tương lai.
Ngay cả khi bé giở chiêu: giả vờ bĩnh tĩnh, chạy lại ôm bạn và tiếp tục đòi hỏi, bạn cũng nên cương quyết: “Mẹ biết là con buồn nhưng không được con ạ”.
4. Khi bé hư
Đáp ứng đòi hỏi của bé dường như là mong muốn của cha mẹ; điều này giải thích vì sao, nhiều người mẹ không đủ can đảm từ chối khi bé đòi ăn bánh trước bữa cơm.
Dù không muốn, bạn cũng không nên nuông chiều bé. Nếu cảm thấy khó xử, bạn có thể nói: “Để mẹ suy nghĩ một chút” trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều bé thích hành xử theo kiểu tự tiện, khi bé muốn một thứ gì đó, bé sẽ tự lấy nó, cho dù bạn có đề nghị bé trả lại món đồ. Trường hợp này, ngoài việc nghiêm túc nói “không”, bạn cần giải thích cho bé rằng, việc lấy đồ khi chưa được mẹ đồng ý là không được phép.
Để nói “không” với bé thành công
– Trao đổi với chồng bạn hoặc người chăm sóc bé để thống nhất hành vi được phép và không được phép dành cho bé.
– Bạn nên nói “không” rõ ràng và cương quyết thay vì quát mắng bé.
– Không nên nói “có thể”, nên cân nhắc trước khi bạn nói “không” hoặc “có” với bé.