Việc nhà không chỉ giúp bé ham vận động mà còn dạy bé về kỹ năng xã hội. Khi giúp mẹ làm việc, bé có cảm giác mình là người quan trọng, là một thành viên hữu ích khiến cha mẹ vui lòng.
Không đánh giá thấp bé
Cha mẹ thường ít coi trọng những hành động bé phải nỗ lực mới hoàn thành. Càng lớn, bé càng muốn chứng tỏ khả năng làm việc của bản thân, cho dù chỉ là khi bé nhặt một tờ báo rơi hay đặt chiếc cốc ngay ngắn.
Duy trì vệ sinh cá nhân
Đánh răng, ngồi bô, rửa tay và cùng mẹ mặc quần áo là những phần việc đầu tiên mà các bé phải làm. Nhiều bậc phụ huynh không xếp việc vệ sinh cá nhân vào lịch việc nhà cho bé. Nên nhớ, công việc nhà cần được đa dạng, bao gồm cả việc có trách nhiệm với bản thân bé.
Tuổi nào, việc ấy
Nếu công việc quá sức, bé sẽ trở nên mệt mỏi và không hứng thú. Ở độ tuổi 2-4, nên loại bỏ những phần việc liên quan đến đồ vật nguy hiểm (như rửa một con dao sắc) hoặc dễ vỡ (như rửa cốc, chén).
Phần việc phù hợp cho bé lên 2 là:
– Xếp từng chiếc bát bẩn vào mâm (khay).
– Đặt chiếc quần bẩn của bé vào trong chậu (giỏ).
– Thu dọn đồ chơi sau khi bé chơi xong.
– Đặt khăn ăn lên bàn ăn.
Phần việc phù hợp cho bé lên 3 là:
– Tự sắp xếp những đôi tất sao cho chúng cùng màu và hợp nhau.
– Tưới nước cho cây cảnh.
– Cho thú nuôi ăn.
– Tự lau sàn nhà nếu bé làm đổ nước.
– Tự lấy đồ ăn nhẹ.
– Bê từng chiếc đĩa bẩn trên bàn ăn xuống chậu rửa bát.
Phần việc nhà phù hợp với bé 4 tuổi:
– Xếp bát, đũa lên bàn ăn.
– Gập quần áo.
– Đổ rác cùng mẹ.
– Lau sàn nhà.
– Cùng mẹ dọn phòng riêng / chuẩn bị giường ngủ.
– Rót sữa vào cốc.
– Cùng mẹ chế biến thức ăn.
Không kỳ vọng nhiều
Để bé thông thạo và làm việc nhà có hiệu quả, bạn cần “đào tạo” bé trong thời gian dài. Công việc nhà đòi hỏi sự tập trung trong khi các bé thường xuyên lơ đãng. Không nên chờ mong bé sẽ hoàn thành tốt chỉ qua vài lời nhắc nhở; thay vào đó, bạn nên hành động trước và hướng dẫn bé làm theo.
Tránh định kiến giới
Không nên chỉ huấn luyện bé gái làm việc trong bếp còn bé trai thì được miễn.
Chỉ dẫn thật rõ ràng
“Dọn phòng của con đi” là câu mệnh lệnh mơ hồ với các bé. Nên để cho bé biết chính xác yêu cầu từ mẹ, như “bỏ quần áo bẩn của con vào cái giỏ này”.
Không yêu cầu nhiều thứ cùng một lúc
Liệt kê 3-4 việc một lúc sẽ khiến bé quá tải. Bé không thể nhớ được nhiều nhiệm vụ mẹ giao. Vì thế, hãy để bé làm một việc trong một thời điểm.
Không làm lại việc cho bé
Nếu quần áo gấp chưa được phẳng, sàn nhà lau chưa sạch lắm, bạn nên biểu dương và chấp nhận thành quả của bé. Hãy để cho bé thấy rằng, bé có thể tự mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu mẹ cứ theo sau làm lại việc cho bé, bé sẽ tự ti và không hứng thú.
Động viên đúng lúc
Nên tránh chỉ trích, nhất là khi bé đang làm việc. Nếu bé mắc lỗi, bạn nên khuyến khích và hướng bé làm đúng: “Con đặt bát ăn cơm vào chỗ này trông sẽ đẹp mắt hơn”.
Không trả tiền khi bé làm việc
Giai đoạn 2-4 tuổi, bé còn quá nhỏ để hiểu giá trị của đồng tiền. Với bé lớn hơn, thưởng tiền cũng chỉ nhằm mục đích hướng bé đến tiết kiệm và sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dùng cách thưởng tiền khi bé làm việc nhà vì điều này sẽ làm giảm ý nghĩa của việc nhà – hoạt động mà bé cần phải thực hiện như một trách nhiệm.