Thu nhập thấp, thời gian tăng ca kéo dài, nhà trẻ không có khiến các gia đình công nhân đành gửi con vào các nhóm trẻ gia đình hoặc giao khoán cho người trông trẻ tự phát tại các khu nhà trọ. Vụ việc cháu Đỗ Nhất Long, 18 tháng tuổi, con của công nhân Võ Thị Huyền, bị người trông trẻ Hồ Ngọc Nhờ đạp chết gây bàng hoàng dư luận mới đây, một lần nữa gióng tiếng chuông cảnh báo xã hội về một thực trạng gây lo lắng bao nhiêu năm nay: Thiếu nhà trẻ cho con công nhân!
Gửi thì lo, không gửi thì khổ
Chị La Thị Hương, đang là công nhân của một công ty thực phẩm tại KCN Vĩnh Lộc, cho biết: “Lâu lâu nghe báo, đài đưa tin về những vụ hành hạ trẻ em tại điểm giữ trẻ, tôi thấy cũng lo và sợ lắm nhưng cũng đành phải bấm bụng gửi con. Hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nếu tôi ở nhà trông con thì lấy gì mà sống. Chỗ tôi gửi bé cũng là người ta ở nhà rảnh rỗi rồi nhận giữ thôi, giá 1,1 triệu đồng/tháng. Chỗ này giữ bé cũng khá lâu rồi, nói chung mình cũng lo nhưng vì cuộc sống phải gửi thôi. Ngày nào rước bé về tôi cũng kiểm tra xem bé có thương tích gì không”.
Không an tâm giao gửi con ở những điểm giữ trẻ, vợ chồng anh Phạm Văn Tiền (Bình Trị Đông A, Bình Tân) chọn cách để vợ ở nhà trông con, còn anh đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Lúc trước hai vợ chồng tôi đi làm thì cuộc sống cũng thoải mái nhưng sau khi vợ tôi sinh bé thì “đuối”. Vợ tôi phải nghỉ làm ở nhà trông cháu. Nhiều người khuyên tôi gửi con nhưng tôi không dám. Dù sao cha mẹ chăm sóc vẫn hơn. Lương công nhân một tháng không bao nhiêu mà phải lo cho cả nhà, thêm phần sữa cho cháu nhiều lúc túng thiếu, phải mua chịu rồi tới tháng lãnh lương trả cho người ta” – anh Tiền chia sẻ.
Trường công, muốn gửi cũng khó lòng
Tại các KCN như KCN Vĩnh Lộc A thì đa số những điểm giữ trẻ đều do những người có nhà, rảnh rỗi nên nhận giữ con cho công nhân với giá trên dưới 1 triệu đồng/bé/tháng. Nhiều người muốn gửi con vào trường công cũng không thể bởi xa nơi ở và phải đưa đón con đúng giờ.
Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Tiến mới chuyển từ Bình Dương lên TP.HCM được gần nửa năm tâm sự: “Hai vợ chồng trọ trong KCN để tiện đi làm mà trong khu này làm gì có trường công nào. Muốn gửi bé học trường công phải đi xa lắm. Mà làm công nhân thì hay tăng ca, những chỗ tư nhân, người ta giữ trẻ ở nhà nên có thể giữ tới 6-7 giờ. Vợ chồng tôi cũng có nghe mấy vụ người ta hành hạ trẻ em đăng trên báo nhưng phải cắn răng mà gửi con để còn đi làm kiếm tiền sinh sống”.
Gửi con ở đâu không chỉ là nỗi lo của những người đang làm cha mẹ mà ngay cả những công nhân sắp sửa có con cũng đắn đo không kém bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Chị Mai Lê Xuân Yến (quê Long An) đang mang bầu ba tháng mà đã lo lắng về việc có nên gửi trẻ sau khi sinh hay không. “Mình đi làm người ta cho nghỉ sáu tháng, mà có cho nghỉ nhiều hơn cũng không dám nghỉ. Hai vợ chồng đều làm công nhân, lương tháng không bao nhiêu mà nghỉ lâu quá lấy gì sống. Sinh con xong, đợi bé cứng cáp một chút thì tìm nơi gửi để đi làm. Nếu gửi con ở trường tư thục thì không đóng nổi tiền, còn mấy chỗ người ta nhận giữ trẻ thì cũng không yên tâm. Nói thiệt bây giờ tôi cũng phân vân không biết làm như thế nào nữa” – chị Yến tâm sự.
Năm năm chỉ xây được một nhà trẻ!
Cùng với nhu cầu nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân là nhu cầu bức thiết của hầu hết công nhân lao động tại 15 KCX-KCN trên địa bàn TP với 270.000 công nhân đang làm việc. Tuy nhiên, trước đây quy hoạch các KCX-KCN chỉ tập trung xây dựng hạ tầng, cây xanh chứ chưa chú ý đến việc hình thành các khu nhà trẻ dành cho con công nhân nên việc triển khai lúc này là hết sức khó khăn, vì quỹ đất tại các khu bị phân tán, nhỏ lẻ khó quy hoạch xây dựng nhà trẻ. Chính vì vậy mà đề án xây dựng nhà trẻ tại sáu KCX-KCN (KCX Linh Trung I, Linh Trung II, KCN Vĩnh Lộc, KCX Tân Thuận, KCN Tân Tạo, KCN Hiệp Phước) đã bàn tính từ nhiều năm nay vẫn “án binh”. Đến cuối năm 2012, chỉ có KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) xây được khu nhà trẻ nằm ngay trong khu lưu trú công nhân với bốn phòng học, phục vụ khoảng… 150 trẻ. Trong khi nhu cầu gửi trẻ tại KCN này còn rất lớn.
Lộ trình để thực hiện dự án các khu nhà trẻ tại các KCX-KCN đã được phê duyệt nhưng tiến độ vẫn còn chậm do vướng quy hoạch, giải tỏa cây xanh. Để tháo gỡ nhu cầu bức thiết của công nhân, phải tính toán mở rộng cả ba hướng. Thứ nhất, các khu phải tính toán, rà soát lại quỹ đất để xây nhà trẻ công nhân. Thứ hai, tranh thủ việc xây dựng nhà trẻ tại các quận, huyện tiệm cận các KCX-KCN để công nhân có cơ hội gửi con. Thứ ba, vận động doanh nghiệp tại các khu dành quỹ đất xây nhà trẻ cho chính công nhân của họ.
Ông Trần Công Khanh, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý Các KCX-KCN TP.HCM