Khi mỗi gia đình chỉ có một – hai con, lại có điều kiện kinh tế ngày càng khá giả thì những đứa trẻ trong các gia đình đó thường được cưng chiều, đề cao.
Tính kiêu ngạo ở trẻ
Nhiều khi cả hai dòng họ nội ngoại chỉ có một đứa cháu thì khó tránh khỏi việc người lớn xem trẻ như báu vật. Do đó, dù trong đầu óc non nớt, nhiều trẻ cũng nhận ra rằng mình là người quan trọng; nhiều trẻ khác hiểu được rằng cha mẹ, ông bà mình là người giàu có, có thế lực nên tự thấy mình “không giống” với những người khác. Tính kiêu ngạo tự nhiên sinh ra khi cái tôi được đề cao quá mức. Lúc trẻ biểu hiện kiêu ngạo, người lớn lại không điều chỉnh thì dần thành một đặc điểm của tính cách.
Không nên xem thường
Kiêu ngạo khiến trẻ tự tách mình ra khỏi đám đông. Trẻ tự cho mình có quyền chê bai, bài xích những trẻ đồng lứa khác, thậm chí với cả người lớn. Tính khinh người có thể đã hình thành từ lúc đó. Ở trường, trẻ chỉ chơi với những bạn mà trẻ cho là con nhà quyền quý, giàu có và coi thường những bạn con nhà bình dân; ở nhà, trẻ có thể quát nạt, hỗn hào với người giúp việc; với láng giềng, trẻ biểu hiện thiếu lễ độ, nhất là với những người mà chính cha mẹ không tôn trọng.
Từ khinh người sẽ đến hách dịch, ngạo mạn, ích kỷ, khoe khoang… Những biểu hiện tính cách đó sẽ làm hại trẻ. Bởi trẻ sẽ mất tính hòa đồng, khó làm việc nhóm, không được lòng bạn bè và nhiều người khác…
Có khi, vì tự cho mình tài giỏi, giàu có, đến lúc va chạm thực tế mà thất bại thì trẻ dễ nản chí, tuyệt vọng, có thể dẫn đến những hành động dại dột, sai trái.
Đừng xem trẻ là nhất
Ai cũng yêu quý con mình nhưng để trẻ phát triển toàn diện, các bậc cha mẹ nên tránh cho trẻ hiểu rằng trẻ là nhất, là trên hết. Dù trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có thì cũng nên tạo điều kiện cho trẻ thấy rằng sự giàu đó là cả một sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều đời trong gia đình chứ không phải đặc ân hay phúc lộc gì đặc biệt. Khi đó trẻ sẽ nhận ra rằng, để duy trì cơ ngơi đó, lớn lên trẻ cũng phải cố gắng thật nhiều.
Dù trẻ có năng khiếu đặc biệt, cũng phải cho trẻ hiểu rằng thiên tài chỉ có 1%, còn 99% là do lao động cật lực mới tạo nên thành tựu. Đừng nên đề cao quá mức năng lực của trẻ, khiến trẻ ngộ nhận về bản thân mà thiếu rèn luyện, phấn đấu.
Cha mẹ cũng phải biết sống chan hòa
Lẽ dĩ nhiên, trẻ có tấm gương đầu tiên là cha mẹ. Nếu cha mẹ khinh mạn, tự cao thì sẽ dễ khiến trẻ kiêu ngạo. Do đó, cha mẹ phải biết sống chan hòa, ngay từ trong gia đình, với họ hàng, láng giềng… Chỉ sự vô tình lên mặt với ai đó mà trẻ thấy được, rất có thể trẻ sẽ bắt chước mà dần có thái độ coi thường người đó, rồi sẽ tái diễn với người khác.
Bản thân người lớn có khiêm tốn, giản dị thì con cái mới giản dị, khiêm tốn. Bản thân người lớn có nghiêm khắc với mình trong ứng xử, giao tế thì trẻ mới không dễ dãi phát ngôn hay biểu hiện thái độ thiếu cẩn trọng với người khác.
Việc dạy trẻ không kiêu ngạo nên chú ý từ khi trẻ bắt đầu nhận thức được xung quanh, chứ không phải đợi trẻ lớn. “Dạy con từ thuở còn thơ” luôn đúng trong trường hợp này.