Những điều sau đây, bạn hãy ghi nhớ thật kỹ để dạy những đứa con của mình trở thành những người hạnh phúc, luôn vui vẻ trong cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Hạnh phúc có thể được dạy dỗ và những hành động của cha mẹ sẽ chính là những bài học thiết thực nhất cho những đứa trẻ. Dạy trẻ làm sao để đạt được hạnh phúc có thể ví như một món quà đáng quý nhất mà cha mẹ dành cho con.
1. Hãy chắc chắn rằng thông điệp hạnh phúc của bạn được truyền tải đến con
Lắng nghe và thích ứng với ngôn ngữ của con là điều kiện bắt buộc để bạn có thể truyền tải bất cứ điều gì đến bé. Nếu đứa trẻ không thể hiểu bạn, nó sẽ không thể học bất cứ điều gì từ bạn. Sau đó, hãy tập trung vào thông điệp mà bạn đang muốn truyền đạt cho bé và tìm ra cách tốt nhất, đơn giản nhất, không đòi hỏi kĩ thuật gì, để truyền tải đến bé.
2. Chỉ ra cho con rằng sự hào phóng và hạnh phúc bắt nguồn từ ngôi nhà của mình
Một đứa trẻ dù còn rất nhỏ đã có thể học được bài học: cho đi là niềm vui. Khi bạn gặp những người ăn xin ở trên đường, hãy đưa cho bé ít tiền lẻ và dạy chúng hãy cho những người kém may mắn hơn mình. Bạn cũng sẽ cho người ăn xin chút tiền để những đứa trẻ nhận ra cho đi cũng là điều mà người lớn luôn làm và coi trọng. Và mỗi khi đứa trẻ của bạn cho đi, đừng quên thể hiện rõ ràng nhất: Bạn tự hào về bé biết bao.
3. Dạy trẻ trở thành một người thua cuộc vui vẻ
Bạn hãy nhớ, đừng để những đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ hạnh phúc gắn liền với chiến thắng. Đứa trẻ nào có suy nghĩ như vậy thì khi gặp thất bại, chúng sẽ thấy bất hạnh và ghét chính bản thân mình. Và thực tế rằng, cha mẹ lại chính là nơi bắt nguồn của những suy nghĩ điên rồ đó của trẻ.
Cha mẹ không nên mắng mỏ khi trẻ thua trong một cuộc chơi. Hãy chỉ ra cho chúng, thất bại không có nghĩa mọi thứ chấm dứt.
4. Cho phép bản thân không hoàn hảo
Nếu bạn cứ khăng khăng dạy trẻ trở thành một đứa trẻ hoàn hảo thì kết cục bạn chỉ thất bại và đứa trẻ sẽ thấy sự thất vọng trong mắt bạn, đó là điều không hề tốt chút nào.
Bất cứ ai trên cuộc đời này đều có những sai sót, những nốt mụn trên mặt, sự yếu đuối… Tuy nhiên, chính những sự không hoàn hảo đó và những tài năng độc đáo đã hình thành nên tính cách của chúng ta. Và vì thế, những đứa trẻ cần biết rằng không có gì là tuyệt đối.
Khi con bạn cảm thấy tự ti, điều tốt nhất bạn nên làm là ôm con vào lòng và nói: “Mẹ yêu con. Con là duy nhất và hãy nhớ, không ai là hoàn hảo.”
5. Hãy để những đứa trẻ thấy bố mẹ hạnh phúc
Cảm xúc có thể truyền từ người này sang người khác. Nếu bạn buồn thì những đứa trẻ cũng nhận ra điều đó và chúng cũng thấy buồn “lây”. Tương tự, nếu chúng thấy bạn hạnh phúc, chúng cũng sẽ thấy hạnh phúc, thậm chí còn hơn thế. Những đứa trẻ cần nhìn thấy nụ cười và nghe thấy tiếng cười của cha mẹ chúng. Trẻ thơ cũng tựa như những bọt biển: Chúng hấp thụ mọi điều diễn ra xung quanh.
6. Bố mẹ hãy là thầy cô giáo dạy hạnh phúc cho con
Bởi vì bố mẹ là người có ảnh hưởng đầu tiên đến cuộc đời con trẻ. Những năm tháng đầu đời của bé là cơ hội duy nhất để bạn hình thành cảm xúc tích cực cho con. Bạn hãy ghi nhớ những lời khuyên sau đây để trở thành một người thầy giỏi của con mình:
Coi việc nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc là mục tiêu chính và quan trọng nhất của bạn.
Chủ động và thực hành việc dạy con khi bất cứ khi nào bạn ở bên con. Cách tốt nhất là đưa con đến những nơi khơi dậy trong bạn sự vui vẻ và giải thích cho con vì sao nơi đó làm cho bạn vui.
Đừng đợi đến khi nào con bạn thấy buồn phiền thì mới dạy con vui vẻ.
7. Dạy con làm chủ bản thân
Nên nhớ rằng những đứa trẻ bất hạnh nhất là những đứa trẻ đánh mất chính mình, luôn sống trong sự tự ti rằng những người khác đều tốt mọi mặt còn chúng thì không. Những đứa trẻ này thường không nhận thức được tài năng của mình, chúng cũng không được dạy cách giải quyết vấn đề và vì thế chúng thường hay nổi giận dù với một chuyện rất nhỏ nhặt.
8. Đưa ra nhiều hình thức chơi cho con
Chơi là niềm vui chính của những đứa trẻ, và cũng với chính những người lớn. Chơi không chỉ làm đứa trẻ vui vẻ mà còn là nền tảng của sự phát triển về mặt xã hội của con người.
Bạn có thể để con chơi một mình với những đồ chơi hoặc trò chơi phù hợp với lứa tuổi mà làm chúng thích thú. Hình thức thứ 2 là chơi “song song” tức là để 2 đứa trẻ ở cùng với nhau và chơi độc lập. Hoặc bạn cũng có thể để 2 đứa trẻ chơi “kết hợp”, chúng sẽ chơi cùng với nhau trong một trò chơi.
Nên khuyến khích trẻ chơi những trò chơi cạnh tranh cũng như phối hợp, cả những trò chơi có quy tắc và không có quy tắc.
9. Dạy trẻ biết cam kết và kiên trì
Hai trong số những bài học vô giá nhất cha mẹ có thể dạy một đứa trẻ là cam kết và kiên trì. Hãy dạy con trở thành người có thể thích ứng với mọi tình huống, tự giải quyết vấn đề và dám đưa ra những cam kết. Bạn cũng nên khuyến khích con khám phá khả năng bản thân thông qua việc cho chúng tham gia những trò chơi đồng đội hoặc những cuộc tranh luận.
Dạy con kiên trì cũng là một bài học “bắt buộc”. Hãy chỉ ra cho đứa trẻ rằng không được bỏ cuộc giữa chừng. Hãy trao cho con cơ hội được kết thúc một việc gì đó quan trọng, để đứa trẻ cảm nhận được sự tự hào và sung sướng khi đạt được thành tựu mà chỉ khi hoàn thành mới có được.