Bạn không cô độc khi phát hiện ra mình luôn càm ràm với những người thân yêu. Nhưng điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu bạn bỏ đi thái độ cằn nhằn, cau có…
Tôi luôn trân trọng những mẩu giấy nho nhỏ các con viết cho mình, dù đó là tấm giấy note màu vàng hay những dòng chữ ngay ngắn được viết trên giấy kẻ ô li. Tôi đã vô cùng xúc động khi đọc bài văn con gái tả mẹ: “Điều quan trọng ở mẹ là, mẹ sẽ luôn ở đó vì em, ngay cả khi em gặp rắc rối”.
Mọi chuyện không phải lúc nào cũng được như thế, bạn biết đấy…
Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc đời, tôi tự nhiên mắc vào một thói quen rất xấu, đó là trở thành người ưa quát mắng. Không hẳn thường xuyên, nhưng cũng chẳng ít lúc tôi cứ có cảm giác mình như quả bóng tức hơi, có thể nổ tung bất cứ lúc nào khiến mọi người xung quanh giật mình sợ hãi.
Tôi có thể trở nên nóng nảy đến mức mất kiểm soát vì những chuyện kiểu như con gái cứ chạy quanh nhà đòi thử hết quần này áo kia mới chịu tới lớp trong khi mấy mẹ con đã bị muộn. Thằng lớn đòi tự mình đổ sữa vào cốc rồi rót tung tóe hết ra bàn. Con gái làm rơi chiếc đĩa thủy tinh quý giá xuống sàn vỡ tan dù trước đó vừa được cảnh báo là đừng có đụng vào đó. Thằng nhóc trằn trọc mãi không ngủ dù mẹ rất cần được yên tĩnh để giải quyết nốt công việc tồn đọng trong ngày…
Tôi ghét bản thân mình những lúc như thế. Tôi đã trở thành cái gì vậy, khi cứ gào lên với hai thiên thần bé nhỏ, quý giá tôi yêu hơn cả cuộc sống của mình?
Liên tục các cuộc điện thoại, các cam kết lúc nào cũng ở mức quá tải, cả một danh sách dài nhiều trang những việc cần làm, áp lực phải hoàn thành công việc một cách hoàn hảo cứ dồn đến tôi. Và quát mắng những người thân là hậu quả trực tiếp của những lúc tôi hoàn toàn mất kiểm soát.
Cho đến một ngày…
Con gái lớn bắc ghế lên với thứ gì đó trên tủ bếp, nhưng nó không may làm rơi túi ngũ cốc. Khoảnh khắc cái túi bục ra cùng tất cả ngũ cốc vương vãi trên sàn, tôi nhận thấy trong ánh mắt con bé nỗi sợ hãi khó tả khi nó nhìn tôi, rồi mắt nó đỏ lên, mọng nước.
Đó không thể là ánh mắt con gái nhìn mẹ. Tôi đau lòng nhận ra con bé sợ tôi. Đứa con gái 6 tuổi của tôi đang sợ phản ứng của mẹ về một lỗi hoàn toàn không phải do nó cố ý. Khoảnh khắc ấy tôi nhận ra mình không muốn các con lớn lên bên một người mẹ đáng sợ như thế, cũng không muốn trở thành người như thế cho đến hết đời.
Giai đoạn ấy, đến vài tuần tôi vẫn cứ đau buồn. Rồi tôi quyết định chẳng ôm đồm công việc nữa, để dành thời gian nắm bắt những điều quý giá hơn. Hơn hai năm kiên trì rèn luyện thói quen không quá áp lực trước công việc, sự giận dữ một thời từng rất dễ bùng lên trong tôi bắt đầu lắng xuống. Với cái đầu nhẹ hơn, tôi đã có thể phản ứng với các lỗi lầm của các con theo cách bình tĩnh hơn, dịu dàng hơn và hợp lý hơn.
Tôi sẽ nói: “Chỉ là siro sô cô la thôi, con lau đi là được, cái bàn sẽ nhờ thế mà sạch hơn”. (Thay vì thở dài rồi mắt lại long lên sòng sọc).
Tôi yêu cầu được cầm giúp con bé chổi trong khi nó lau góc nhà bị đổ đường. (Thay vì đứng bên cạnh nhìn con bé với ánh mắt thiếu hài lòng)
Tôi giúp con bé nghĩ lại xem nó có thể đã bỏ quên kính ở đâu (thay vì mắng nó là vô trách nhiệm).
Và trong những lúc cảm thấy kiệt sức vì mệt mỏi, tôi vào phòng tắm, đóng cửa lại, cho mình chút không gian riêng để ít thở thật sâu, nhắc nhở bản thân rằng các con chỉ là trẻ con thôi, trẻ con cũng mắc lỗi. Giống như tôi vậy.
Qua thời gian, gương mặt sợ hãi khi mắc lỗi trên khuôn mặt con tôi thấy ngày nào đã không còn. Tôi trở thành nơi ẩn nấp cho con mỗi lúc chúng gặp khó khăn.
Tôi nhận thấy rằng, ngay cả khi bản thân gặp rắc rối cũng có thể chia sẻ với con. Đừng nghĩ trẻ con chẳng biết gì, chúng hoàn toàn có thể lắng nghe và quan tâm đến bạn, theo một cách rất riêng và đáng yêu của chúng. Trẻ không thể học trở thành người biết cảm thông nếu bạn cứ liên tục cằn nhằn và cáu gắt lên với chúng. Vì thế, hãy mở lòng.
Một điều quan trọng nữa cho những bà mẹ hay giận dữ ghi nhớ là: Bất kể hôm qua có xảy ra chuyện gì, hôm nay đã là một ngày mới.