Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như tả, bệnh tay-chân-miệng là khá cao. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tay chân miệng hiện đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện tại các Bệnh viện Nhi Ðồng 1, Nhi Ðồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới do bệnh tay chân miệng tăng cao. Từ ngày 17 – 23/4, chỉ riêng ở TP.Hồ Chí Minh có đến 60 trường hợp trẻ mắc bệnh này phải nhập viện điều trị, tăng 10 trường hợp so với tuần trước đó.
Sở Y tế thành phố đã triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra đặc biệt kết hợp với Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm (triển khai từ 15/4-15/5) tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống.
Trung tâm y tế dự phòng đang lập kế hoạch tiến hành khảo sát, đánh giá lại nguồn lây bệnh trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, Trung tâm y tế dự phòng chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện, trạm y tế xã, phường khoanh vùng, tiến hành khử khuẩn môi trường những khu dân cư có nguy cơ mắc các bệnh về tay – chân – miệng ở trẻ em. Hiện nay, một trong những biện pháp cấp bách là giám sát nguồn nước sinh hoạt. Ðể bảo đảm nguồn nước sạch, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã cung cấp hóa chất Cloramin khử khuẩn trong nước. Người dân có thể tới các trung tâm y tế xã, phường để được hướng dẫn và cung cấp miễn phí hóa chất này.
Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây. Bệnh có biến chứng phức tạp. Biểu hiện của bệnh cũng rất dễ nhận biết, đó là các bóng nước có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình ô van, thường xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng.
Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ ăn. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày.
Tuy nhiên, nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.
Thường triệu chứng sẽ là: nôn ói nhiều, da nổi bông, khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, run chi, co giật…
Hiện nay, tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên trước tình hình diễn biến bất thường của loại bệnh này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ thường xuyên rửa tay chân cho các cháu bằng xà bông sát khuẩn… Tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn đường phố để tránh nguy cơ bị tiêu chảy và nhiễm khuẩn phẩy tả.
Khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng (triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng) người thân cố gắng theo dõi sát trẻ ít nhất 8 ngày để kịp thời phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và đưa trẻ đến bệnh viện.