Charles Gerba, giáo sư vi sinh học tại Đại học Arizona (Hoa Kỳ) khuyến cáo các bà mẹ về những “điểm nóng” mang mầm bệnh trong phòng của bé.
1. Thảm trải sàn
Thảm trải sàn trong phòng bé hoặc nơi bé hay chơi đùa dù làm bằng chất liệu gì cũng rất dễ là nơi trú ngụ lý tưởng của bụi bẩn và vi trùng, vi khuẩn. Nhưng đây cũng là nơi bé tiếp xúc nhiều lần trong ngày với tất cả các bộ phận, từ chân, tay, bụng, lưng, đầu cho đến mắt, mũi, tai…
Vì thế, mỗi lần thảm trải sàn bị đổ thức ăn hoặc dây bẩn trên bề mặt, bạn cần làm sạch ngay vi khuẩn, vi trùng không có điều kiện sinh sôi và gây bệnh. Cũng cần hút bụi và làm sạch thảm 3 – 4 lần mỗi tuần để “đuổi” các tác nhân mang mầm bệnh cho bé nêu trên. Ngoài ra, bạn cũng nên giặt thảm, phơi nắng hoặc thay mới tối thiểu 3 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe cho bé.
2. Đồ chơi
Các bé rất hay ngậm đồ chơi trong miệng rồi làm rớt xuống sàn, sau đó nhặt lên rồi lại cho vào miệng. Như vậy, đồ chơi có thể tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và các khí quan của bé nên rất dễ trở thành vật trung gian truyền mầm bệnh cho bé.
Bạn cần thường xuyên lau chùi, làm sạch và đảm bảo trước khi bé tiếp xúc, đồ chơi đã được vệ sinh sạch sẽ. Với đồ chơi bằng nhựa cứng, bạn có thể cho vào máy rửa bát để làm sạch và sấy khô, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức hơn. Ở các nước phương Tây, các bà mẹ còn khử trùng đồ chơi cho con bằng loại hóa chất chuyên dụng và không độc hại.
Ngoài ra, bạn cần chú ý khi chọn mua đồ chơi cho con, bởi trên thị trường hiện nay có nhiều loại đồ chơi được làm từ nguyên liệu không đảm bảo hoặc có mang hóa chất độc hại. Bạn nên tìm hiểu kỹ về nguyên liệu, xuất xứ và nhà sản xuất trước khi quyết định mua đồ chơi cho con.
3. Ngăn kéo đựng quần áo
Đừng vội nghĩ ngăn kéo đựng quần áo là nơi an toàn bởi đây lại là nơi “tích trữ” một số loại vi khuẩn E. coli (loại vi khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy). Lời khuyên của các bác sĩ là bạn nên thường xuyên lau chùi và dọn dẹp tủ đựng quần áo của bé, đặc biệt là mặt tủ và ngăn kéo.
4. Thú nhồi bông
Cũng giống như thảm trải sàn, thú nhồi bông được ví như tấm bọt biển hút các loại bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng. Các bé lại rất thích thú nhồi bông và thường xuyên ôm ấp, nựng nịu loại đồ chơi này suốt cả ngày, kể cả khi đi ngủ. Các sợi bông trên thú nhồi bông cũng có thể dính lên quần áo hoặc “chui” vào mũi bé gây ngứa ngáy, khó chịu.
Để giữ cho thú nhồi bông của bé đảm bảo vệ sinh, ít nhất 3 tuần một lần bạn cần làm sạch chúng trong nước ấm và xà phòng, sau đó phơi dưới nắng to hoặc sấy khô trong 45 phút.
Nếu bạn quá bận rộn mà không thể làm sạch thú nhồi bông theo cách trên, có thể “chữa cháy” bằng cách sấy trong tủ sấy nóng trong khoảng 45 phút.