Hình cảnh các cháu bé bị hai bảo mẫu bạo hành tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (TP HCM) khiến dư luận phẫn nộ. Hiện những đối tượng này đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “hành hạ người khác”. Tuy nhiên, khung hình phạt của tội danh này tối đa chỉ 3 năm tù giam nên nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt trên chưa đủ tính răn đe.
Những ngày qua, một đoạn clip ghi lại hình ảnh 2 bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, trú tại quận Thủ Đức, TP HCM) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ở Kiên Giang) hành hạ các cháu bé đã gây chấn động dư luận. Theo đó, trong quá trình cho các cháu ăn, hai bảo mẫu đã bóp cổ, ấn đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi hay tát bôm bốp vào mặt các cháu nhỏ. Độc ác hơn, Nguyễn Lê Thiên Lý còn dùng tay xốc ngược bé gái lên cao rồi nắm tóc ấn đầu vào trong thùng phuy đựng nước mặc cháu bé giãy giụa, la hét.
Nhận được thông tin, Công an quận Thủ Đức (TP HCM) đã tiến hành triệu tập hai đối tượng này đến trụ sở Cơ quan CSĐT Công an quận để ghi lời khai. Trước những chứng cứ được ghi trong đoạn clip, hai bảo mẫu độc ác này đã phải cúi đầu nhận tội. Chiều 17/12, Công an quận Thủ Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (chủ cơ sở trông giữ trẻ tư nhân Phương Anh, 18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) và Nguyễn Lê Thiên Lý (ở Kiên Giang) để điều tra về tội “hành hạ người khác” theo Điều 110 (BLHS).
Bày tỏ sự phẫn nộ trước việc bạo hành tại trường mầm non tư thục Phương Anh, luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức khởi tố hai đối tượng Phương và Lý về tội “hành hạ người khác” là đúng người, đúng tội. Những hình ảnh được ghi lại trong đoạn clip cho thấy hành vi bạo hành của hai “bảo mẫu” đối với các cháu bé là rất nghiêm trọng; diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại trong thời gian dài; gây đau đớn, tổn thương cho nhiều cháu nhỏ. Với hành vi độc ác trên, Phương và Lý sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 (Điều 110, BLHS), mức án tối đa dành cho hai “bảo mẫu” sẽ chỉ là 3 năm tù giam.
“Có thể thấy hành vi bạo hành của Phương và Lý là đặc biệt nghiêm trọng, nhẫn tâm, trực tiếp làm tổn hại đến tinh thần và thể chất của các cháu bé. Tuy nhiên, do pháp luật quy định mức phạt đối đa của tội “hành hạ người khác” chỉ là 3 năm tù giam nên dù dư luận rất bức xúc, xã hội lên án nhưng các cơ quan tố tụng cũng không thể xử nặng hơn được”- luật sư Sơn nói.
Cũng theo luật sư Sơn, nếu gia đình các nạn nhân có đơn yêu cầu CQĐT xử lý hai đối tượng Phương và Lý về tội “cố ý gây thương tích”, khi đó Cơ quan Công an sẽ phải tiến hành đưa các cháu bé đi giám định. Việc xác định tỷ lệ thương tật là căn cứ quan trọng trong việc định tội đối với hai đối tượng này. Do nạn nhân là các trẻ em nên theo quy định tại điểm d (Khoản 1, Điều 104 BLHS) thì dù tỷ lệ thương tật dưới 11% thì Phương và Lý cũng sẽ bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích”.
Luật sư Sơn cho biết: “Hiện tại chưa thể xác định được tỷ lệ thương tật của các cháu nên CQĐT khởi tố hai bảo mẫu về tội “hành hạ người khác” là có cơ sở. Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xử lý các tội danh khác, CQĐT sẽ tiến hành khởi tố bổ sung”.
Để ngăn chặn, hạn chế và chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em, theo luật sư Sơn, ngoài việc xử lý nghiêm những người vi phạm, các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, thanh kiểm tra những cơ sở trông nuôi trẻ nhằm phát hiện các cơ sở vi phạm để có biện pháp xử lý.
Điều 110. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người.