Sau khi sự việc hành hạ trẻ em xảy ra tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh xảy ra, nhiều ý kiến đã lên tiếng bất bình và phẫn nộ về hành vi vô nhân đạo của các bảo mẫu. Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Trọng An (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em – Bộ Lao động, Thương Binh và Xã Hội) về sự việc này.
Bức xúc và phẫn nộ
Thưa ông, sau khi xem clip bạo hành trẻ em tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh (Thủ Đức – TP.HCM), cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào?
Tôi rất bức xúc và phẫn nộ tại sao các cô nuôi dạy trẻ lại có thể hành hạ các cháu như vậy. Tôi cho rằng không ai đối xử với súc vật như vậy chứ đừng nói đến những bảo mẫu đang chăm sóc trẻ.
Về phía Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã có những biện pháp gì để xử lý ngay khi có thông tin về sự việc?
Ngay từ khi có thông tin về vụ việc, thậm chí khi chưa xem video clip Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em đã giao cho các phòng ban của Cục, sử dụng điện thoai, làm công văn gửi cho Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP.HCM xác minh sự việc. Sau khi có video clip, chúng tôi khẳng định Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM phải vào cuộc cùng với cơ quan công an giám sát và đưa sự việc ra công luận, xử lý và báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Song song với đó, các Sở, hội cũng có lên tiếng đề nghị có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng đề mọi người biết và lên án hành động này.
Đã có những bài học nhãn tiền về các vụ việc bạo hành trẻ em bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng tại sao sự việc đau lòng như vậy vẫn xảy ra như clip mới bị phát giác tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh, phải chăng công tác quản lý bị buông lỏng?
Nói buông lỏng thì chưa chính xác, chúng ta có thể thấy hầu hết các vụ việc bạo hành trẻ em thường xảy ra ở những vùng nghèo, xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, cội rễ của nguyên nhân là sự nghèo đòi. Một số ông bố bà mẹ với thu nhập thấp không đủ khả năng để đưa con vào học ở những trường có tiếng, trường công, không có đủ tiền để thuê osin nên phải tìm đến các nhóm trông giữ trẻ tư nhân. Vì vậy, giải pháp lâu dài vẫn là cần một giải pháp đồng bộ, có chính sách cụ thể, đảm bảo cơ sở vật chất để những công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp có thể gửi con ở nhưng nơi yên tâm, đảm bảo an toàn về sức khỏe, dinh dưỡng cho bé.
Một vấn đề đặt ra là việc cấp phép các trường mầm non tư thục hiện do UBND xã phường thực hiện, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Hiện nay hoạt động cho các trường mầm non tư thục là do UBND xã, phường cấp phép. Như vậy có nghĩa là trách nhiệm của chính quyền xã, phường như thế nào khi cấp phép hoạt động, trường phải đảm bảo cơ sở vật chất,trang thiết bị, điều kiện nuôi dưỡng, trình độ của người trông trẻ chứ không thể để các cơ sở trông giữ trẻ thuê lao động tự do để làm cô bảo mẫu. Vì vậy, ngành giáo dục cũng cần xem xét lại vấn đề này một cách kỹ càng.
Một vấn đề nữa phải nói đến là tại sao một trường tư thục ở giữa khu dân cư như vậy mà người dân đi qua lại hàng ngày mà không có một thông báo nào với cơ quan chức năng, chính quyền sở tại. Trong vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, quan trọng nhất là phát hiện sớm, cảnh báo sớm và ngăn ngừa sớm. Tôi cũng phê phán sự thờ ơ của cộng đồng xung quanh Trường Mầm non tư thục Phương Anh.
Trẻ có thể bị những ảnh hưởng tâm lý lâu dài
Sau mỗi sự việc như bạo hành ở Trường Mầm non tư thục Phương Anh, cả xã hội lại nói đến vấn đề trách nhiệm, vậy theo ông, trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai?
Trách nhiệm đó trước hết là của chính quyền địa phương của lãnh đạo xã, phường, quận huyện, tỉnh thành phố nơi để xảy ra sự việc.
Với hành vi đày đọa, hành hạ trẻ em như vậy, các bảo mẫu Trường Mầm non Tư thục Phương Anh sẽ phải đối mặt với hình thức xử lý như thế nào?
Chúng ta đã có video clip là bằng chứng cho việc hành hạ trẻ em của các bảo mẫu. Nếu không có bằng chứng thì rất khó xử lý. Bởi vì quy định của pháp luật hiện chỉ là mức tổn thương từ 11% sẽ xử lý thế này, thế kia mà không có thang phân loại mức độ tổn thương tâm lý. Việc các cô ấn đầu, dí đầu, tát như vậy có thể khó tìm mức độ tổn thương 11% nhưng video clip là bằng chứng rõ ràng nhất. Bộ luật hình sự cũng có điều 110 là hành hạ trẻ em và người khác có thể áp dụng vào trường hợp này. Tội này có thể quy vào điều 104 – cố ý gây thương tích.
Có ý kiến nói nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi, trẻ con nhanh quên nhưng liệu những sang chấn tâm lý đó có ảnh hưởng gì về lâu dài, thưa ông?
Theo tôi, việc dí đầu trẻ, hành hạ như vậy sẽ khiến cho trẻ bị tổn thương tâm lý, thậm chí ám ảnh cuộc đời. Tôi chắc chắn các em bé đó đã bị ảnh hưởng về tâm lý, gây nguy cơ về rối nhiễu tâm trí, có những biểu hiện khóc thét, bỏ ăn… ảnh hưởng đến tâm lý sau này là vấn đề chưa cân đo đong đếm được.