Theo bác sĩ Lê Thị Hải: “Khi bé bị ho, ngoài việc đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cha mẹ cần chú ý đến dinh dưỡng cho bé”.
Lo lắng không yên vì con ho mãi không khỏi
Bé Bon (8 tháng tuổi) rất hay bị ho, đặc biệt là trong những ngày thời tiết lạnh giá. Nhiều lần bé ho mà bố mẹ không biết vì sao con ho, tuy ho không nhiều nhưng mỗi lần ho lại bị nôn ói ra hết thức ăn. Thương con, bố mẹ mua thuốc về cho bé uống nhưng uống thuốc vào bé lại nôn ra hết, mấy ngày rồi không đỡ.
Bé Cún bị ho và sổ mũi mấy ngày liền. Mẹ đưa Cún đi khám thì được kết luận là viêm họng, cho uống thuốc suốt cả tuần mà không đỡ. Việc uống thuốc của Cún thì vô cùng khổ sở, mẹ cho uống tới 4, 5 lần mà lần nào Cún cũng ói ra hết, chẳng được tí tẹo thuốc nào vào người. Mẹ dùng cả xi lanh để bơm thuốc vào miệng mà Cún vẫn ói. Cuối cùng, mẹ đành bẻ thuốc bỏ vào thìa cháo cho Cún ăn thì Cún vẫn nuốt, nhưng nếu không may gặp cơn ho là lại “phun” ra hết. Những lúc đó mẹ chỉ muốn khóc theo con vì lo lắng.
Trường hợp như của bé Bo và bé Cún không phải là đặc biệt. Có thể nói, tình trạng ho rồi không ăn không uống được thuốc là rất phổ biến hiện nay.
Dinh dưỡng cho bé bị ho
Thời gian này bé thường lười ăn và cần có cách chăm sóc đặc biệt để giúp bé bình phục nhanh chóng. Bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) sẽ bày cho mẹ một vài cách lên thực đơn để bé bị ho mau khỏi.
Thực phẩm cho bé bị ho
Trong lúc bệnh, bé rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như soup, cháo, sữa… đảm bảo bốn nhóm (bột, béo, đạm, rau) và phù hợp với khẩu vị hàng ngày của bé. Thức ăn có nhiều nước giúp làm loãng đờm nhớt ở bé, không bị kích thích ho nhiều.
Bên cạnh đó, bé cũng rất cần tăng sức đề kháng để chống bệnh. Vì thế, nên cho bé ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như chiên, xào… Đối với món cá, đôi khi bé có cảm giác tanh, dễ gây nôn, do vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho ăn trở lại.
Cách cho bé ăn
Bé bị ho nhiều có thể nôn ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt; vì thế trước khi cho bé ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó cho con nằm sấp rồi vỗ về lưng bé nhằm giúp đờm nhớt không còn đọng ở cổ bé. Điều này giúp bé đỡ ho và không bị nôn khi ăn.
Mẹ nên chia bữa ăn ra làm nhiều lần, mỗi lần cho con ăn một chút, tránh để bé ăn quá no thành ra dễ bị nôn trớ.
Cha mẹ cần chú ý
Bác sĩ Lê Hà (Khoa chăm sóc trẻ sau sinh, bệnh viện phụ sản An Thịnh) cho biết: “Mùa lạnh, cha mẹ cần giữ ấm thân thể cho trẻ, tránh để bị lạnh, bị ẩm đột ngột, kéo dài cho con. Giữ vệ sinh sạch sẽ trong việc ăn, ở, cải tạo môi trường trong lành, tránh ô nhiễm… Nên tránh để bé tiếp xúc với những người bị cảm hay viêm họng, mũi cấp tính”.
Ngoài ra, bác sĩ còn cho biết thêm: Khi bé bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị bệnh. Điều trị đúng, đủ để giải quyết triệt để các ổ viêm ở mũi họng gây ra ho. Các bậc phụ huynh cần nhớ, không phải con cứ ho là cho uống kháng sinh. Vì việc lạm dụng kháng sinh ngoài các tác dụng phụ từng được nhắc đến rất nhiều như diệt vi khuẩn có lợi, không diệt được vi khuẩn có hại còn gây mệt mỏi, chán ăn cho trẻ. Trẻ ốm, đây là khoảng thời gian cần khôi phục lại sức lực, sức đề kháng mà cơ thể lại bị kháng sinh làm cho suy yếu thì rất nguy hiểm”.