Trẻ con khó tránh khỏi việc phạm lỗi, đặc biệt là những bé ở khoảng 2 tuổi, đây là thời kỳ chống đối đầu tiên trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ cần biết cách thưởng phạt hợp lý thì trẻ mới nghe lời và phát triển tốt.
Trẻ con nghịch ngợm thường khiến cho bạn rất tức giận, tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý trẻ em khuyến cáo rằng cách trừng phạt bằng việc đánh mắng chỉ làm tổn thương tâm lý của trẻ. Phạt con cũng cần có phương pháp hợp lý mới có thể đạt được mục đích răn dạy mà không làm tổn thương lòng tự tôn non nớt của trẻ.
1. Trước khi trẻ phạm lỗi, hãy đưa ra lời nhắc nhở
Khi giáo dục trẻ, nếu bạn có những nguyên tắc riêng và luôn kiên trì thực hiện thì trẻ sẽ biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm. Như thế, trẻ sẽ tuân theo những nguyên tắc của bố mẹ mà thể hiện sự ngoan ngoãn, việc giáo dục của bạn sẽ thành công được một nửa.
Ví dụ: Bạn không muốn cho trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn nhưng bé kiên quyết đòi ăn bằng được, hãy biểu hiện rõ thái độ của bạn: “Mẹ không cho con ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì chắc chắn sẽ không muốn ăn cơm nữa”. Nếu trẻ không chịu đánh răng, bạn không cần dọa nạt hay thúc ép, chỉ cần đưa ra lời nhắc nhở: “Nếu con không đánh răng, ngày mai sẽ không được ăn sáng đó, bởi vì sau khi ăn mà không đánh răng thì răng con sẽ bị con sâu ăn mất đấy!”
Như vậy, trước khi trẻ phạm lỗi hay không nghe lời, bạn đã đưa ra lời nhắc nhở khẳng định sự trừng phạt mà trẻ sẽ bị nếu không ngoan, tự nhiên trẻ sẽ biết nghe lời bạn hơn.
2. Phạt trẻ ở trong phòng một mình
Theo những nghiên cứu hiện nay, để bảo vệ lòng tự tôn ở trẻ, bạn không thể dùng cách đánh mắng để trừng phạt, hãy thử vài động tác nhỏ để trẻ nhận ra lỗi của mình.
Nếu trẻ làm sai nhưng nhất quyết không thừa nhận, thậm chí còn la hét giận dỗi bạn và cho rằng mình không làm sai, bạn cũng đừng đỏ mặt tía tai với con, hãy dùng cách xử lý “lạnh” để tránh mâu thuẫn gay gắt.
Để trẻ ở một mình trong phòng sẽ giúp bé tự điều chỉnh tâm trạng và tự nhận thức lỗi của mình. Khi trẻ đã bình tĩnh rồi, bạn có thể phân tích vấn đề với trẻ, tìm hiểu xem tại sao con làm vậy, chỉ ra hành vi không đúng cho trẻ thấy và dạy bảo con lần sau nếu gặp trường hợp như vậy nữa thì nên làm thế nào.
Thái độ rộng lượng cởi mở của bố mẹ có thể khiến trẻ bày tỏ những cảm nhận trong lòng, cảm thấy bố mẹ chịu lắng nghe, tôn trọng mình thì mới có thể nghe theo sự giáo dục của bạn.
3. Phạt trẻ bị mất một số quyền lợi
Với bất cứ chuyện gì, bạn hãy đưa ra nguyên tắc nhất định trước khi trẻ làm sai và nghiêm khắc tuân thủ nó, như thế sẽ khiến trẻ ý thức được uy nghiêm “nói một là một” của bố mẹ.
Ví dụ: Mỗi tháng bạn đều cho trẻ một món đồ chơi nhất định và nhắc nhở trước rằng con phải có được 5 ngôi sao do cha mẹ thưởng thì mới có được món đồ chơi đó. Nếu trẻ phạm lỗi hoặc không nghe lời thì bạn sẽ giảm đi một ngôi sao coi như phạt.
Tuy nhiên, những hành vi thưởng phạt này phải có nguyên tắc và công bằng. Nếu bạn dùng việc giảm những ngôi sao thưởng để uy hiếp, ép buộc con làm những chuyện mà trẻ không muốn thì những nguyên tắc bạn đưa ra, trẻ sẽ không có hứng thú, càng không tuân thủ.
Thêm một ví dụ khác như: Nếu mỗi buổi trưa trẻ đều được ăn bánh, nhưng nếu trẻ phạm lỗi, sau khi nhắc nhở rồi, bạn có thể thay đổi thời gian đã định, có thể phạt trẻ trưa hôm đó không được ăn bánh, để trẻ mất đi một đãi ngộ có nguyên tắc.
4. Phạt trẻ giảm bớt thời gian chơi
Trẻ con bẩm sinh rất thích chơi đùa, cho nên đối với trẻ mà nói, việc giảm bớt thời gian chơi là một sự trừng phạt rất nghiêm khắc.
Ví dụ: Nếu trẻ chỉ mãi chơi mà không chịu lên giường ngủ, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Con đã thỏa thuận với mẹ rồi mà, nếu 9 giờ mà chưa không đi ngủ thì ngày mai chỉ được chơi một tiếng thôi nhé”.
Ngoài cách giảm bớt giờ chơi để phạt ra, bạn còn có thể bắt trẻ làm một số việc vận động tay chân nhưng phải được giám sát an toàn bởi người lớn. Ví dụ bạn có thể bắt trẻ cùng làm việc nhà chẳng hạn: thu dọn phòng, rửa bát… Đối với một số đứa trẻ không thích làm việc nhà thì cách này chắc chắn có tác dụng răn đe để trẻ không dám tái phạm nữa.
5. Để trẻ gánh vác hậu quả của lỗi đã phạm
Nếu trẻ ngoan cố không nghe lời và tái phạm, thì hãy thử cho con chịu hậu quả của những lỗi lầm đó.
Ví dụ: Nếu trẻ luôn làm hỏng đồ chơi, bạn có thể tịch thu đồ chơi lại và phạt con trong vòng 3 ngày không được chơi. Hoặc nếu trẻ thường đánh nhau với các bạn nhỏ trong công viên, bạn có thể không cho trẻ đi công viên trong thời gian bao lâu sau đó.
Điều cần chú ý là khi bạn phạt theo cách này, nhất định phải nói rõ nguyên nhân phạt trẻ để con biết được lỗi của mình ở đâu, tại sao lại phạm sai. Khi trẻ nhận thức được sai lầm của mình thì việc trừng phạt mới có hiệu quả được, nếu không trong lòng trẻ chắc chắn sẽ không phục!
6. Dạy bảo lý lẽ chứ không giận dữ
Trong gia đình, không những trẻ sẽ không nghe lời bạn mà còn làm đủ điều để bắt bạn phải làm theo yêu cầu của con. Nếu đối với những yêu cầu không hợp lý của trẻ mà thái độ của người lớn quá mạnh, quá cứng rắn có thể khiến trẻ có cảm giác thua thiệt, sinh ra tâm lý kháng cự mạnh hơn. Vì vậy, trước hết bạn hãy giữ một thái điềm tĩnh, khống chế tâm trạng của mình rồi dùng cách mà trẻ dễ tiếp nhận nhất để giảng dạy điều hay lẽ phải.
Trong lúc đối thoại, hãy nhớ dùng một thái độ cởi mở khoan dung, đừng tỏ ra uy nghiêm của người lớn khiến cuộc đối thoại trở nên nặng nề, điều này chỉ khiến trẻ giảm đi mong muốn giao tiếp với bố mẹ mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng nên đứng ở góc độ của trẻ mà nhìn vấn đề, cho dù trẻ làm sai nhưng khi con có thể đưa ra lý do rất tốt thì hãy tha thứ, thậm chí bạn có thể chủ động “nới lỏng” nguyên tắc một chút, cho trẻ thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm cuộc sống.