Đi, đứng, ngồi, nằm là 4 tư thế thường xuyên của mẹ bầu, tuy nhiên, cần thực hiện như thế nào để tránh làm ảnh hưởng sức khoẻ mẹ và bé thì không phải mẹ bầu nào cũng biết. Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Tư thế đứng
Phụ nữ mang thai không nên đứng lâu, bởi nó dễ gây ra đau lưng, giãn tĩnh mạch và làm chậm sự lưu thông máu ở chân, gây ra phù nề chân. Vì thế, các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên chọn tư thế đứng phù hợp với thể chất đặc biệt của mình trong 9 tháng thai kỳ như sau: thả lỏng vai, đứng thẳng, hai chân song song, khoảng cách hai chân nhỏ hơn độ rộng của vai một chút. Khi đứng như thế này, trọng tâm của cơ thể sẽ rơi vào khoảng giữa hai chân, giúp cơ thể mẹ bầu bớt mệt mỏi.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải đứng lâu, mẹ bầu nên để hai chân hơi lệch nhau, một trước một sau và thỉnh thoảng đảo vị trí hai chân. Một số mẹ bầu do tính chất công việc thường xuyên phải đứng lâu thì ngoài việc áp dụng biện pháp trên, cần phải nghỉ ngơi nhiều với tư thế ngồi trên ghế, duỗi hai chân lên chiếc ghế nhỏ ở đối diện.
Tư thế ngồi
Mẹ bầu không nên ngồi ghế quá cao hoặc quá thấp, độ cao của ghế khoảng 40cm là phù hợp. Khi chuẩn bị ngồi xuống, trước hết mẹ bầu vịn nhẹ hai tay vào đùi hoặc tay vịn của ghế rồi mới từ từ ngồi xuống. Lúc mới ngồi xuống ghế, mẹ bầu nên ngồi dịch về phía trước ghế một chút, hai tay đỡ lấy bụng, khuỷu tay hướng vào bên trong ghế, sau đó dịch mông ngồi sát lưng ghế và tựa lưng thoải mái, dừng lại rồi hơi dạng hai chân trong khi vẫn giữ cho hông và đầu gối vuông góc với nhau. Có thể đặt một chiếc gối nhỏ đỡ bụng ở vị trí của thận cũng giúp cho mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn.
Với những mẹ bầu làm công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều, đặc biệt là dân văn phòng, chú ý cần đứng dậy và di chuyển thường xuyên, tránh ngồi tại chỗ trong suốt buổi làm việc. Làm như vậy sẽ giúp cơ thể lưu thông máu và ngăn ngừa bệnh trĩ. Ngoài ra, do ngồi viết nhiều hoặc làm việc với máy tính, mẹ bầu cần nghỉ ngơi, thư giãn ít nhất mỗi giờ đồng hồ một lần.
Tư thế nằm
Trước khi thai được 16 tuần, tư thế nằm tốt nhất cho mẹ bầu là nằm ngửa, có thể đặt một chiếc gối dưới chân để cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng sau 16 tuần cho đến trước thời điểm sinh con, tư thế nằm ngửa lại làm tăng áp lực động mạch chủ trong tử cung, lượng máu cung cấp cho tử cung giảm đi đáng kể, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, mẹ bầu thường xuyên nằm ngửa khi thai đã lớn có thể gây giãn tĩnh mạch, bong nhau thai và thậm chí làm suy yếu sức khoẻ mẹ bầu.
Vì vậy, từ 16 tuần trở đi, mẹ bầu nên nằm nghiêng nhiều hơn để giúp thả lỏng cơ bắp, hạn chế tình trạng căng cơ, đồng thời làm giảm cảm giác mệt mỏi và loại bỏ áp lực lên các mạch máu ở bụng. Mẹ bầu nằm nghiêng trái hay phải đều được, miễn là cảm thấy thoải mái, chỉ cần không được cong gập người như con tôm.
Tuy nhiên, một số bác sĩ lại cho rằng nằm nghiêng phải nhiều hơn có thể gây bất lợi cho sự phát triển thai nhi và khi vượt cạn. Bởi thường xuyên nằm nghiêng phải đôi khi ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho bào thai, gây ra tình trạng thiếu oxy mãn tính.
Tư thế đi
Bà mẹ mang thai khi đi bộ cần giữ lưng thẳng, mắt nhìn thẳng phía trước, khép chặt hai hông. Khi bước đi, cần đặt gót chân xuống trước, mỗi bước đi đều mang lại “cảm giác thực”, luôn giữ cân bằng cơ thể và tốc độ đi đều đặn. Chú ý tuyệt đối không đi lại bằng các đầu ngón chân và hạn chế đi nhanh, thay đổi tốc độ đi đột ngột cũng như cách đi ưỡn bụng về phía trước. Mẹ bầu có thể tận dụng các tay vịn hoặc thành lan can trên đường đi (nếu có) làm điểm tựa, giúp mỗi bước vững chắc và an toàn hơn.
Đi bộ đường dài rất có lợi cho mẹ bầu, giúp ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch. Nhưng nếu đang đi cảm thấy mệt mỏi, mẹ bầu nên lập tức dừng lại, tìm chỗ có bề mặt phẳng ở gần nhất để ngồi nghỉ trong khoảng 5 – 10 phút. Mẹ bầu nơi chọn nơi thoáng đãng như công viên, vườn hoa để đi dạo hàng ngày là tốt nhất.
Khi leo cầu thang, ngược lại với cách đi trên đường bằng, mẹ bầu nên đặt ngón chân lên bậc thang trước rồi mới đến gót chân, lưng luôn giữ thẳng, trọng tâm cơ thể nghiêng về phía trước, di chuyển về phía trước bằng lực đẩy của chân sau. Chú ý phải đặt toàn bộ bàn chân lên bậc thang mới được di chuyển chân tiếp theo, chỉ sử dụng phần đầu ngón chân hoặc nửa bàn chân để đi cầu thang là rất nguy hiểm.