Nhiều lúc nóng giận, bạn có thể buột miệng nói với con những câu như “Con thật là hư” hay “Nhanh lên, không mẹ bỏ con lại đấy”… Bé sẽ tưởng những lời bạn nói là thật và trở nên sợ hãi. Điều này có thể sẽ gây rối nhiễu tâm lý, thậm chí khiến bé tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình. Giáo sư tâm lý học người Mỹ sẽ lý giải cho các mẹ vì sao không bao giờ nên nói những điều này với con.
1. “Sao con không thông minh như anh (chị) con chứ”
Nếu bạn có thói quen so sánh bé với anh (chị) mình, bé sẽ dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Giáo sư tâm lý Joe Elliott (Đại học tổng hợp Durham – Hoa Kỳ) khẳng định: “Nếu bạn cố gắng so sánh khiếm khuyết của bé với ưu điểm của các bé khác, bé sẽ nghĩ rằng bản thân mình không bao giờ khắc phục được những yếu điểm đó và không thể trở nên hoàn thiện trong mắt bạn được. Khi đã bị tổn thương, thậm chí, bé sẽ không muốn cố gắng để đạt được những hành vi tốt nữa”.
Gợi ý dành cho bạn: Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái mình thông minh, giỏi giang, ngoan ngoãn tuy nhiên bạn nên học cách chấp nhận thực tế rằng, mỗi bé là một cá thể độc lập. Thay vì so sánh hoặc tỏ ra thất vọng, bạn nên khuyến khích để bé có thể tiến bộ trong khả năng của bé.
2. “Con chờ bố về mà hỏi”
Bé sẽ rất vui nếu được bạn bỏ chút thời gian chơi đồ hàng cùng hoặc bé cũng thích thú muốn khoe bức tranh mới vẽ cho bạn, những lúc ấy, bạn thường gạt đi và bảo: “Con chờ bố về đã, mẹ đang bận”.
Giáo sư Joe chia sẻ tiếp: “Thái độ bất hợp tác này của bạn có thể khiến bé căng thẳng. Bé sẽ nghĩ bạn không còn yêu bé nữa. Thêm vào đó, nếu chồng bạn trở về nhà trong tình trạng mệt mỏi, anh ấy dễ cáu gắt khi bị bé làm phiền. Khi ấy, bé sẽ càng trở nên buồn chán và xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực hơn”.
Gợi ý dành cho bạn: Dù bạn có bận bịu đến mấy, cũng không nên dồn hết trách nhiệm chăm nom bé lên vai người bạn đời. Bạn nên vui vẻ thông báo để bé hiểu rằng, bạn đang dở việc, lát nữa bạn có thể trò chuyện, vui chơi hay xem tranh của bé sau.
3. “Con không nhanh chân lên, mẹ sẽ bỏ con lại đấy”
Với các bé, nỗi sợ hãi lớn nhất là bị cha mẹ bỏ rơi. Đây có thể là câu nói khi bạn muốn thúc giục bé nhưng bé lại tỏ ra sợ hãi thực sự. Joe nói: “Bé sẽ chỉ nhanh chân trong lần đầu bị bạn giục giã, những lần sau, bé sẽ phát hiện ra rằng bạn chỉ ‘nói chơi’, câu hù dọa này của bạn sẽ mất tác dụng”.
Gợi ý dành cho bạn: Nếu muốn bé ghi nhớ và nhanh nhẹn hơn, tốt nhất, bạn có thể đưa ra cho bé vài lời cảnh báo. Nói với bé rằng “Đã đến lúc mẹ con mình phải về nhà rồi” đồng thời dắt tay bé bước theo bạn.
4. “Con thật hư”
Bạn nghĩ nói vậy sẽ giúp bé kiểm soát hành vi của mình và tự sửa chữa những hành vi xấu. Nhưng “thực tế, câu nói này của bạn chỉ khiến bé tin rằng bé hư thật mà thôi” – GS. Joe giải thích.
Gợi ý dành cho bạn: Thay vì nói “Con hư thế” bạn có thể nhẹ nhàng “Mẹ không bằng lòng khi con cư xử như vậy”. Sau đó, bạn có thể gợi ý bé cách thực hiện những hành vi tốt hơn.
5. “Sao con không bao giờ làm theo lời mẹ dặn”
Câu hỏi ngược này của bạn khiến bé có cảm giác lo sợ. Có thể bé đã làm theo những chỉ dẫn của bạn trước đó nhưng kết quả không được như mong muốn.
Gợi ý dành cho bạn: Chỉ rõ cho bé thấy những hành vi sai bé cần sửa chữa thay vì bạn trách mắng bé một cách chung chung như thế. Bạn có thể nhấn mạnh lại những điều bạn yêu cầu bé làm để bé ghi nhớ hơn nữa.
6. “Nếu con không ngoan, mẹ sẽ gọi ma (quỷ) bắt con đi đấy”
Giáo sư Joe khẳng định: “Xét ở một chừng mực nhất định, việc dọa nạt bé cũng mang đến một kết quả tốt tuy nhiên nếu bạn lấy ma quỷ hay những hình ảnh rùng rợn để nói với bé, bé sẽ dễ gặp phải ác mộng khi đi ngủ”. Thay vào đó, nhiều bé sẽ xuất hiện tật nói dối khi mắc lỗi nhằm thoát khỏi sự dọa nạt từ cha mẹ.
Gợi ý dành cho bạn: Những lúc bạn muốn chứng tỏ “quyền lực” của mình với bé, bạn có thể nghiêm mặt lại và lên cao giọng để nhắc nhở bé phải thực hiện một công việc nào đó. Khi biết đây là điều phải hoàn thành, bé sẽ tự giác làm theo đúng yêu cầu của bạn.
7. “Dễ vậy mà con cũng không biết à”
Một trong những cách tệ nhất bạn có thể khiến bé lo lắng là mắng mỏ, chê bai bé. Điều này khiến cho bé cảm thấy sợ hãi, không dám hỏi thêm bạn điều gì nữa vì sợ bạn nổi giận.
Gợi ý dành cho bạn: Bạn nên bình tĩnh chỉ dẫn bé làm lại từ đầu. Khuyến khích để bé tập trung hoàn thành từng phần việc nhỏ một, từ việc dễ đến việc khó, từ những việc đơn giản đến những phần việc phức tạp hơn. Không nên cười chê, chế nhạo nếu chẳng may bé không tự mình làm được. Thay vào đó, bạn nên tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng khi bạn hướng dẫn bé làm một việc nào đó.
8. “Ước gì mẹ chưa bao giờ sinh ra con”
Bé sẽ tin rằng, bạn không muốn làm mẹ của bé thực sự. Thậm chí, nhiều bé sẽ không bao giờ quên được câu nói này của bạn. Hậu quả: Bé sẽ thiếu tự tin vào bản thân mình và luôn hoài nghi “Mẹ không yêu mình”.
Gợi ý dành cho bạn: Nếu bạn có thói quen phàn nàn những câu tương tự khi tức giận bé, tốt nhất, bạn nên nhanh chóng ra ngoài, đợi đến khi bình tĩnh trở lại, bạn có thể trao đổi với bé về những điều bạn chưa hài lòng sau.
9. “Ra ngoài kia xem tivi đi, đừng ở đây hỏi này hỏi nọ nữa”
Có 2 cái hại sau lời nói này:
– Thứ nhất, thời gian tới, bé sẽ khép mình lại, không muốn chia sẻ ý kiến vì lo sợ bạn nổi giận.
– Thứ hai, việc xem tivi ngoài tầm kiểm soát, trên 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày, bé có xu hướng dễ cáu kỉnh, rối loạn tinh thần, khó ngủ…
10. “Ước gì bạn Bin là con mẹ thì tốt quá”
Bin là người bạn thân thiết của bé và có thể đây chỉ là một câu đùa hay câu nói trong lúc bạn giận vì bé hư. Bé sẽ bị tổn thương bởi suy nghĩ: “Mẹ ghét mình, mẹ chỉ yêu bạn Bin thôi”. Từ đó, bé sẽ trở nên mặc cảm, tự tin, so bì, ghen tỵ với bạn Bin.
11. “Con đừng có giống hệt bố như thế, lôi thôi, bẩn thỉu…”
Việc chỉ trích, kể tội xấu của chồng trước mặt bé không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Bạn có thể nhắc nhở để bé biết cách thu xếp gọn gàng đồ chơi nhưng tuyệt đối không nên so sánh bé với bất kỳ người thân nào, nhất là với bố. Phản ứng của bé trong tình huống này là dần trở nên ghét bố hoặc bắt chước tính xấu của bố.
12. “Ngu quá! Mẹ đã dạy bao lần mà sao vẫn không biết ngồi bô hả?”
Không phải bé nào cũng ghi nhớ và thực hiện theo đúng các thao tác vệ sinh khi ngồi bô. Phần lớn các bé đến tuổi đi học vẫn cần người lớn giúp đỡ sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện. Cho nên, bạn cáu giận với bé như thế sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Nếu muốn bé tiến bộ, bạn nên kiên trì, nhẫn nại và thường xuyên ở bên cạnh để hướng dẫn bé cách “ngồi bô” hiệu quả.
13. “Ồ, được thôi, con cứ ăn nhiều vào cho béo ú lên”
Bé không thể hiểu hết ý nghĩa cảnh báo của bạn với câu nói này. Vì vậy, bạn nên tránh ngôn từ “mát mẻ” khi giao tiếp với bé. Tốt nhất, bạn nên nhẹ nhàng hướng dẫn để bé biết cách chọn lựa đồ ăn tốt cho sức khỏe và tránh xa những loại thực phẩm không an toàn, có thể gây nên tình trạng béo phì…
14. “Có ăn không thì bảo, con mà không ăn là mẹ khâu mồm đấy”
Nếu bạn cứ tiếp tục dọa nạt bé như vậy, bé sẽ bị ức chế tâm lý, cơ thể khó hấp thụ được chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Ngoài ra, bạn đã xây dựng ở bé một nối sợ vô hình về ma quỷ. Điều này chỉ khiến bé thêm nhút nhát, e dè, ngại hòa nhập với thế giới xung quanh mà thôi.