Mang thai là giai đoạn dễ gây tác động xấu đến năng suất và hiệu quả làm việc của chị em, vì bên cạnh vấn đề sức khỏe bị giảm sút, mẹ bầu còn phải đối phó với việc cơ thể thường xuyên mệt mỏi, nặng nề, bụng bầu to làm hạn chế vận động nên không thể nhanh nhẹn, năng động như trước kia, tâm lý dễ cáu gắt vô cớ ảnh hưởng mối quan hệ đồng nghiệp ….
Do đó, duy trì 1 phong độ làm việc ổn định, vượt qua các khó khăn trong công sở khi bầu bí là điều mẹ bầu cần quan tâm để vừa giữ được chỗ làm trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay vừa bảo đảm an toàn cho cả 2 mẹ con. Chỉ cần chịu khó thực hiện 1 số thay đổi nhỏ sau đây, mẹ bầu sẽ thấy rằng việc mang thai khi đi làm hóa ra không quá khó khăn, vất vả như bạn vẫn tưởng.
Nhận diện thách thức từng quý thai kỳ
Tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ ba là 2 giai đoạn sẽ gây nhiều khó khăn cho mẹ bầu nơi công sở. Trong 3 tháng đầu, các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt, thay đổi cảm xúc đột ngột v.v…, cộng với tâm lý lo lắng chưa biết phải thông báo việc mang thai thế nào với sếp cho hợp lý có thể sẽ làm mẹ bầu phải khổ sở. Vào 3 tháng cuối, cơ thể ngày càng nặng nề, nhức mỏi, chân tay bị phù, bụng bầu to kềnh gây trở ngại khi đi lại, làm việc, cộng với việc thường xuyên bị mất ngủ, khó thở v.v… chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả công việc của mẹ bầu.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ chỉ thật sự thoải mái vào tam cá nguyệt thứ hai, khi lượng hormone trong cơ thể đã về trạng thái căn bằng, nhờ đó tâm lý, cơ thể cũng thư thái, nhẹ nhàng hơn so với 3 tháng mang thai trước đó. Tuy vậy, một số mẹ bầu vẫn còn bị nghén hoặc gặp phải chứng ăn không tiêu và đau mạn sườn ở giai đoạn này.
Nếu đang vì các triệu chứng mang thai rất điển hình như trên làm giảm sút hiệu suất công việc, mẹ bầu cần phải tìm cách khắc phục để tránh bị đánh giá tiêu cực về khả năng làm việc của mình, nhất là sau bao năm gắng phấn đấu cho sự nghiệp. Hãy thông báo tin bầu bí đến sếp trước khi bạn trao đổi thông tin này với bất cứ đồng nghiệp nào trong công ty, vì có thể cấp trên của bạn sẽ lo ngại khi bạn do mệt mỏi, ốm nghén mà thường xuyên xin vắng mặt và năng suất lao động lại giảm dần.
“Bí kíp” hay giúp mẹ bầu “vượt khó” nơi công sở
Không làm việc quá sức.
Những công việc bình thường lúc son rỗi có thể gây áp lực và làm cho bạn cảm thấy “đuối sức” khi bầu bí. Kèm theo đó, mệt mỏi, bụng bầu nặng nề còn góp phần làm giảm tốc độ lao động, gây tâm lý lo lắng cho chị em vì bầu bí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đánh giá hiệu quả làm việc và lương thưởng cuối năm. Tuy vậy, hãy đảm bảo đừng vì thành tích mà cố gắng làm hết sức mình suốt 8 tiếng đồng hồ không ngơi nghỉ. Thay vì làm “liên tù tì” từ sáng đến chiều, nên cố gắng dành khoảng 15 phút trong vòng 1 – 2 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi tại chỗ, dùng vài món ăn vặt bổ dưỡng hoặc thực hiện các động tác thể dục, thư giãn nhẹ nhàng ngay tại bàn làm việc. Mẹ bầu sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, nghỉ ngơi hóa ra lại là cách hay để phục hồi sức lực, năng lượng, nhờ đó mà công việc lại được giải quyết nhanh chóng, dễ dàng hơn. Và mẹ bầu cũng nên biết rằng, làm việc quá sức có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé, thậm chí gây sinh non, hoặc sẩy thai.
Trang bị 1 đôi giày thật thoải mái.
Đứng hoặc ngồi quá lâu khi làm việc sẽ làm cho chân bạn bị sưng, nhất là vào cuối ngày. Bàn chân sưng bị dồn ép lâu ngày có thể gây nên chứng giãn tĩnh mạch làm mẹ bầu đau đớn, khó chịu. Vì vậy, một đôi giày với kích cỡ vừa vặn, phần đế chỉ nên cao tối đa khoảng 3cm, có miếng lót mềm mại, thấm hút tốt, phần mũi không nhọn, chống trơn trượt v.v… sẽ là “trợ thủ” đắc lực giúp bạn thoải mái hơn nơi công sở. Khi mua giày, mẹ bầu nên đi vào buổi chiều vì đây là thời điểm bàn chân có kích thước “chuẩn” nhất trong ngày.
Gác chân lên cao.
Càng vào những tháng cuối thai kỳ, chân và bàn chân của mẹ bầu sẽ càng sưng phù và to hơn. Nguyên nhân là do khi mang thai, cơ thể bạn sản xuất nhiều hơn đến 50% máu và dịch, đồng thời tăng khả năng giữ nước để hỗ trợ bé phát triển, thậm chí đây cũng là cách để giúp mẹ chuẩn bị vượt cạn bằng cách làm nới lỏng các khớp và mô vùng chậu. Chứng phù nề sẽ càng trầm trọng nếu mẹ bầu vì yêu cầu công việc phải đứng lâu, làm việc trong môi trường nóng bức hoặc có thói quen dùng nhiều loại thức uống chứa caffein, ăn thức ăn chứa nhiều muối, cũng có thể do mức Kali trong cơ thể giảm xuống thấp… Để hạn chế chứng sưng phù ở chân, ngoài việc cắt giảm muối trong khẩu phần ăn, uống nhiều nước, dùng vitamin theo chỉ định của bác sĩ, mẹ bầu nên gác chân lên cao trong suốt thời gian làm việc, nhất là khi phải ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu.
Bài liên quan:
Thư giãn bằng cách tắm hoặc massage.
Nếu nhà gần, mẹ bầu có thể tranh thủ buổi nghỉ trưa để về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi. Theo các chuyên gia, việc giữ vệ sinh tốt trong thai kỳ là cách hay nhất để bạn phòng ngừa nhiễm trùng vùng kín, vốn là tác nhân gây nhiều nguy hiểm cho thai nhi. Còn không, sau bữa ăn trưa, thỉnh thoảng có thể ghé cơ sở Spa uy tín gần công ty để được các chuyên gia xoa bóp giúp mẹ bầu thư giãn và giảm stress. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh massage nhẹ nhàng, đúng kỹ thuật mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé, như làm tăng tuần hoàn máu, cung cấp oxy và dưỡng chất nhiều hơn cho từng tế bào của 2 mẹ con, từ đó tăng cường trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, giúp việc nuôi dưỡng thai được tốt hơn.
Dùng nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Nhấm nháp những món ăn vặt hoặc đồ ăn nhẹ giàu dinh dưỡng trong giờ làm việc cũng là cách hay để giữ lượng đường trong máu mẹ bầu được ổn định, nhờ đó tránh được việc thay đổi tâm trạng thất thường và ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, giúp cơ thể tỉnh táo để làm việc tốt hơn.
Mang theo nước súc miệng, kem đánh răng và khăn ướt.
Nếu đang phải “vật vã” vì ốm nghén, những vật dụng này sẽ giúp mẹ bầu tránh tình trạng phải “thăm” toilet quá thường xuyên. Ngoài ra, nước súc miệng hay kem đánh răng dùng sau bữa ăn trưa còn giúp mẹ ngăn chặn các bệnh răng miệng gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng rất dễ mắc khi bầu bí.
Giảm stress .
Trong môi trường công sở rất khó để không bị căng thẳng, stress. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy cố gắng giảm stress ở mức thấp nhất có thể bằng cách giữ cho tâm trí thư giãn, thoải mái, không đặt mục tiêu quá cao trong công việc hay tự gây áp lực cho mình. Ngoài ra, đi dạo 1 khoảng ngắn trong khuôn viên công ty, tập Yoga, thiền trong giờ nghỉ trưa hoặc vào buổi tối sau khi về nhà cũng giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu căng thẳng từ áp lực công việc.
Yêu cầu được giúp đỡ.
Mẹ bầu nên nhớ rằng, dù gì mình cũng không phải là 1 “super women”. Vì vậy, nếu thấy đang phải ôm đồm quá nhiều việc, hoặc đã quá tải, kiệt sức, bạn cần phải trao đổi nhanh với cấp quản lý trực tiếp để được thu xếp lại khối lượng công việc hoặc phân thêm nhân sự hỗ trợ. Ngoài ra, bạn cũng nên đề nghị hình thức làm việc từ xa nếu có thể.
Thận trọng khi trao đổi về việc bầu bí.
Dù đã thông báo với cấp trên và toàn công ty rằng sắp được làm mẹ, bạn cũng nên nhớ đây là vấn đề mang tính chất cá nhân. Chắc chắn đồng nghiệp sẽ vui mừng với bạn, nhưng bạn cũng không vì thế mà bắt buộc phải chia sẻ hết thông tin về thai nhi hay về thời gian mang bầu với mọi người. Ngoài ra, không phải ai cũng thích khi nghe bạn kể chuyện bầu bí, do vậy, tránh nói quá nhiều hay phàn nàn thường xuyên về các vấn đề gặp phải trong thai kỳ. Chúng có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc của bạn theo chiều hướng không mấy tốt đẹp.
Bảo vệ việc làm và sức khỏe cả 2 mẹ con
Để được đảm bảo quyền lợi trước cũng như sau khi sinh bé, mẹ bầu nên nghiên cứu kĩ Luật lao động, Chế độ thai sản trước khi thông báo tin mừng bầu bí hay khi thông báo thời gian dự kiến nghỉ thai sản với cấp quản lý và bộ phận nhân sự. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên hoạch định thời gian nghỉ chờ sinh nở. Thông thường, các chuyên gia đều khuyên chị em thai phụ không nên tiếp tục làm việc quá tuần thứ 32 của thai kỳ. Vào khoảng thời điểm này, tim, phổi và các cơ quan nội tạng quan trọng khác sẽ phải làm việc nhiều hơn, các khớp xương, bắp thịt cũng sẽ bị kéo căng quá mức, vì vậy bạn cần phải nghỉ ngơi nhiều trong ngày.
Chị em cũng nên lưu ý là dù bầu bí thường làm chậm tiến độ công việc, nhưng đừng vì áp lực thành tích hay từ cấp trên mà bạn buộc phải “tăng tốc” quá khả năng của mình, nhất là khi mẹ bầu gặp các vấn đề về sức khỏe như bị cao huyết áp, nguy cơ mắc chứng tiền sản giật hoặc khả năng sinh non cao, từng bị sẩy thai, hay bác sĩ đã cảnh báo về khả năng phát triển của thai nhi v.v… Trong các tình huống này, cách xử lý tốt nhất là mẹ bầu cần bàn bạc với “anh xã” và sau đó là xem xét với cấp trên về khả năng giảm giờ làm, chuyển hình thức làm việc từ xa hoặc nghỉ làm nếu có thể để đảm bảo độ an toàn và sức khỏe của 2 mẹ con.